Độc đáo diễn xướng hầu thánh đền Kiếp Bạc

VOV.VN - Diễn xướng hầu thánh là nét văn hóa độc đáo riêng có mời gọi du khách thập phương về với “tiệc Cha – Tháng 8 (âm lịch)” hàng năm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc!

Gần 20 năm nay, diễn xướng hầu thánh đền Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc. Đây là loại hình diễn xướng dân gian tái hiện, ngợi ca công lao của các tướng lĩnh nhà Trần đặc biệt là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người ba lần cùng quân dân Đại Việt chiến thắng và đánh dấu chấm hết thời kỳ đỉnh cao của quân Nguyên - Mông trong lịch sử.... Diễn xướng hầu thánh cũng là nét văn hóa độc đáo riêng có mời gọi du khách thập phương về với “tiệc Cha – Tháng 8 (âm lịch)” hàng năm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc!

Hầu thánh còn gọi là hầu đồng, là nghi lễ tâm linh cổ truyền ở Kiếp Bạc. Năm 2006, liên hoan diễn xướng hầu thánh được phục dựng, cấp phép và trở thành hoạt động thường niên của Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc. Hiện nay, hầu Thánh ở đền Kiếp Bạc, nơi thờ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, chủ yếu là hầu mừng Thánh với những phần múa thiêng kết hợp hát chầu văn thể hiện đức tin, tái hiện tích truyện về các nhân vật lịch sử, ca ngợi công lao của các tướng lĩnh Trần triều...

Thầy Đào Đăng Long, một trong những nghệ nhân tham gia diễn xướng hầu thánh đền Kiếp Bạc cho biết mỗi giá hầu đều có những thần thái và cốt cách chung nhưng để đạt sự thăng hoa, mang lại năng lượng tích cực cho người xem thì mỗi nghệ nhân lại có cách thể hiện riêng.

Thầy Đào Đăng Long nói: “Oai như quan, sang như Hoàng. Yểu điệu thục nữ là các bà các cô. Đó là những cốt cách riêng của mỗi người nhưng đều có nét uy nghiêm, sang trọng. Như hôm nay tôi tái diễn lại các hoạt cảnh để phục sự các ngài, các tiên thánh. Hầu đồng mang những giá trị nhân văn để lưu giữ, tôn vinh những người có công với đất nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn...”

Diễn xướng hầu thánh ở Kiếp Bạc có sức hấp dẫn ngay từ khâu trang trí từ hoa nghi, lễ phẩm tới việc trình diễn của các nghệ nhân. Trên vuông chiếu ngắn trong không gian linh thiêng với những đạo cụ đơn giản như: mồi nến, quạt giấy, dải lụa, hương, đao và kiếm gỗ... cùng với dàn công văn ngẫu hứng trên nền âm nhạc truyền thống, các nghệ nhân được thỏa sức biểu diễn, kết nối với thế giới tâm linh và lan tỏa những góc nhìn mới về loại hình diễn xướng dân gian một thời coi là mê tín dị đoan.

Đáng chú ý, không chỉ đến dịp lễ hội, mỗi ngày, Kiếp Bạc đều đón các đoàn du khách tới hầu thánh ngay trong nội điện. Theo thống kê của Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc mỗi năm có từ 400 – 500 đoàn tới đền Kiếp Bạc hầu thánh, cho thấy nhu cầu của người dân trong việc thực hành tín ngưỡng tâm linh. Đặc biệt, mỗi lời văn chầu ngợi ca quê hương, đất nước, ngợi ca sự tích, công trạng của các vị anh hùng dân tộc đều dễ nhớ, lúc rộn ràng, lúc trầm bổng đã làm dày thêm nét duyên hầu thánh đền Kiếp Bạc.  

Ông Lê Duy Mạnh, Phó Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết: “Những tấm ảnh của người Pháp chụp từ 1895 đã có những hoạt động ngồi hầu đồng tại đền Kiếp Bạc. Trong ghi chép sử sách cũng ghi lại những hầu thánh là hoạt động quan trọng và nếu như không có hoạt động này thì tín ngưỡng thờ đức thánh Trần mất đi phần hồn. 20 năm trước để hiểu cặn kẽ về 1 giá hầu cũng rất là khó với 1 nhà nghiên cứu chưa nói là với nhân dân. Vì vậy việc tổ chức thường niên từ năm 2006 và có các hoạt động hàng ngày tại đây đã giúp nhân dân hiểu rõ hơn về di sản này.”

Những năm gần đây, quy mô tổ chức diễn xướng hầu thánh tại Kiếp Bạc được mở rộng, tổ chức bài bản và chọn lựa các giá hầu đặc sắc để trình diễn cho nhân dân và du khách. Điều này thể hiện rõ khi mỗi đêm diễn xướng, sân đền Kiếp Bạc luôn chật kín người xem. Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc đang có những đề án, nghiên cứu, phát huy những giá vị văn hóa riêng có của hầu thánh Kiếp Bạc nhằm sưu tầm và lưu truyền những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Tháng 8 tiệc cha, tháng 3 tiệc mẹ...Dù ai đi xa về gần, tháng 8 trời thu trong xanh đều trở về Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương để nghe diễn xướng hầu thánh, nghe những làn điệu dân ca trong trẻo, đầy tự hào để tiếp thêm năng lượng mới và cùng hiểu thêm về những loại hình văn hóa dân gian trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên