Độc đáo nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào Mông tỉnh Yên Bái
VOV.VN - Với đồng bào Mông của tỉnh Yên Bái, nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải từ lâu đã trở thành công việc quen thuộc của chị em phụ nữ. Nghệ thuật này được gìn giữ, trao truyền từ đời này qua đời khác.
Có dịp lên Yên Bái, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chị em phụ nữ Mông, từ thiếu nữ đôi mươi đến những cô, những bà tóc đã điểm bạc đang miệt mài, chăm chút ngồi bên tấm vải lanh, chậu sáp ong nóng chảy say mê vẽ, khắc hoạ những đường nét tạo nên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Theo bà Sùng Thị Mỷ, bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Khu, vẽ sáp ong là thước đo đánh giá sự khéo léo, cần cù của người phụ nữ. Để làm ra tấm vải thổ cẩm, người phụ nữ đã được truyền dạy từ ngày còn thơ bé, với các kỹ thuật, công đoạn tỉ mỉ và cầu kỳ. Từ nhiều đời nay, họ luôn ý thức bảo vệ văn hóa truyền thống, trong đó có kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải lanh.
Để tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong, người phụ nữ Mông phải dùng sáp ong có màu vàng và đen được nấu chảy, trộn đều tương ứng với độ đậm màu sắc. Khi vẽ, họ chấm bút vào sáp ong nóng được đun trong bếp củi, kẻ thật khéo những đường nét trên vải để tạo hoa văn.
Cây bút vẽ sáp ong được thiết kế bởi một thanh tre và hai lá đồng. Ở giữa hai lá đồng này có một ô trống nhỏ là nơi chứa sáp ong. Người phụ nữ khi vẽ chỉ cần đặt bút vào bát sáp ong đã được đun nóng, điều chỉnh lượng sáp ong sao cho vừa đủ để vẽ lên trên nền vải. Từ đó tạo nên những hoa văn đẹp, độc đáo, ý nghĩa, mang theo cả thông điệp về tình yêu, cuộc sống...
Chị Lù Thị Dinh, xã Suối Giàng, huyện văn Chấn chia sẻ, từ khi sinh ra đã thấy các bà, các mẹ vẽ sáp ong trên vải, lớn lên cũng được truyền dạy từ bà, chị gái và học hỏi của chị em họ hàng ở trong bản nên chị cũng biết làm và thường xuyên làm. "Việc vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải như thế này mình sẽ truyền dạy cho con cháu, để con cháu biết làm và tiếp tục giữ gìn bản sắc dân tộc của mình...".
Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cùng độ nhẫn nại đặc biệt. Toàn bộ các khâu đều được thực hiện thủ công, mỗi tấm vải sẽ có hoa văn khác nhau, tùy theo sở thích và sự tưởng tượng, sáng tạo của từng người vẽ. Chính vì thế, hoa văn trên vải của người Mông không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn có tính chất độc bản.
Trang phục truyền thống của đồng bào Mông thường được may bằng vải lanh với những hoa văn trang trí bằng phương pháp vẽ sáp ong, nhuộm chàm kết hợp với thêu và ghép vải. Tuy không nổi bật về màu sắc nhưng lại mang một nét màu trầm trong tổng thể với gam màu nâu và chàm. Các hoa văn trang trí vô cùng tinh tế và hài hoà, kết hợp với những nét hoa văn sáp hoa, những đường kẻ sọc và vàng được khâu cầu kỳ.
Nghệ nhân Lý Thị Ninh, bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải cho biết, để thực hiện được các công đoạn thì phải mất một tuần và vẽ một tuần, còn nhuộm thì 15 ngày rồi phơi khô, rồi lại cho vào nhuộm, phải nhuộm đến vài chục lần mới đẹp, màu mới bắt mắt.
Trong hoàn cảnh xã hội đang dần hiện đại hoá, tập tục dùng sáp ong để tạo họa tiết cho trang phục chỉ còn duy trì được tại một số vùng, đặc biệt ở các bản làng của tỉnh Yên Bái. Để lưu giữ và lan toả bản sắc văn hoá riêng có, các nghệ nhân người Mông không ngừng cố gắng truyền dạy cho các thế hệ kế cận và mong muốn tìm hướng đi bền vững cho nghề thủ công truyền thống này.
Để nghệ thuật vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong không bị mai một, những năm qua, cấp ủy chính quyền của tỉnh Yên Bái luôn khuyến khích, động viên chị em phụ nữ ở địa phương phát huy, bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Từ đó, không chỉ tạo ra những sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách, mà còn trở sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế.
Mới đây, nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, không chỉ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống, mà còn giúp các địa phương có thêm động lực để quảng bá, giới thiệu với du khách về di sản của mình, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch.