Dọc miền Tết Việt (kỳ 1): Tình xuân vang vọng mái đình
VOV.VN - Để những câu hát, điệu múa xoan vẫn vang vọng trước mái đình những ngày xuân là cả một sự nỗ lực không ngơi nghỉ của nhiều lớp thế hệ nghệ nhân...
Năm 2017, di sản Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hát Xoan tên gốc là hát Xuân; là làn điệu dân ca ra đời sớm nhất, lâu đời nhất của những cư dân nông nghiệp làm lúa nước, được hát vào mùa xuân. Đây là loại hình văn hóa, văn nghệ xuất hiện trước cả thời kỳ Hùng Vương dựng nước.
Để những câu hát, điệu múa xoan vẫn vang vọng trước mái đình những ngày xuân là cả một sự nỗ lực không ngơi nghỉ của nhiều lớp thế hệ nghệ nhân hát xoan Phú Thọ. Ngày nay, Hát xoan được đưa vào dạy tại các trường học trên địa bàn, các câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn, các chương trình biểu diễn cũng được tổ chức ngày một nhiều hơn.
Hành trình mùa xuân, mang cái tình trong từng câu ca, lời hát của những điệu Xoan tiếp tục nảy nở trong trái tim người hát, người nghe các thế hệ tiếp nối là trọng trách mà những nghệ nhân hát xoan hiện nay của Phú Thọ dành rất nhiều tâm sức.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch cho biết: "Năm nào cũng vậy, mỗi năm Phú Thọ đều tổ chức hai lớp là lớp kế cận nghệ nhân và lớp cộng đồng, đa số là cho truyền dạy cho các em, đồng thời là Phú Thọ đã đưa hát Xoan vào nhà trường.
Như vậy là Xoan Phú Thọ hiện nay không chỉ nằm riêng ở bốn phường Xoan Gốc mà còn phát triển trong các trường học, trong các câu lạc bộ và trên 100 câu lạc bộ cấp huyện, 34 câu lạc bộ cấp tỉnh. Hiện tại các phường Xoan gốc thì vẫn giữ nguyên, không có gì thay đổi. Thế còn các bạn trẻ của Phú Thọ thì tôi tin rằng các bạn ấy có nhiều sáng tạo, tôi thấy cũng là tốt, hay."
Được coi như một báu vật quý giá mà ông cha để lại, hát xoan loại hình dân ca, nghi lễ phục vụ tín ngưỡng trong dịp hội làng, ẩn chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Việt từ xa xưa: mong cầu mùa màng ấm no, mọi điều may mắn, tốt lành. Sức sống của hát Xoan chính là ở sự kết hợp của loại hình hát nghi lễ và hát giao duyên.
Lạ kỳ ở chỗ, hát xoan Chỉ có trống và phách, cùng miệng hát, tay uốn, chân nhón đã tạo nên một nhịp điệu đầy tính nhạc, lan tỏa hài hòa trong không gian cửa đình ấm cúng, trang nghiêm. Lòng người như được cuốn theo những làn điệu, câu hát mượt mà, ngân vang, đặc biệt là cái tình trong từng ánh mắt, điệu múa của kép và đào hát xoan khiến người thưởng thức còn vương mãi những dư âm đẹp đó trong lòng.
Nhưng đối với các bạn thế hệ trẻ thì sao, làm thế nào để những âm thanh mộc mạc của trống phách hấp dẫn được các bạn trẻ trong vô vàn những âm thanh nhạc cụ hiện đại, sôi động hiện nay?
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyết, trùm phường Xoan Kim Đới chia sẻ cách lan tỏa tình yêu hát xoan tới các bạn trẻ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh lợi thế của truyền thông đã góp phần đưa hát Xoan vượt ra khỏi phạm vi địa phương:
"Thực ra thì trong bất cứ một cái loại hình nghệ thuật nào nó đều có cái giá trị riêng của nó hát xoan cũng vậy, đặc biệt là cái giá trị về mặt tinh thần. Thành thử ra là không phải là tất cả các bạn tham gia thì đều các bạn đều yêu thích cả.
Đầu tiên là các bạn sẽ tò mò tìm hiểu, khi mà tìm hiểu rồi thì cũng có học hát và khi các bạn hát rồi các bạn hiểu rồi thì các bạn cũng dần dần là tiếp thu, chứ không phải là ngay từ đầu mà các bạn cũng đã thích ngay đâu.
Ví dụ như ngày xưa biểu diễn Xoan nó chỉ ở trong bốn phường xoan cổ đấy thôi và một số làng kết nghĩa thì làm gì có mấy ai đã biết đến Xoan đâu. Nhưng từ khi được truyền thông thì không những người dân trong tỉnh Phú Thọ mà thậm chí là cả trong nước, hay những vị khách ở nước ngoài người ta sang đi du lịch được nghe đến cũng là một cái rất là lợi thế để khi phát triển. cái thứ ba nữa là các bạn trẻ bây giờ vẫn đón nhận loại hình nghệ thuật hát xoan của của ông cha mình."
Bởi thế, nên nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Kiều Nga, trùm phường Xoan Thét đã không giấu nổi niềm vui và hạnh phúc khi được truyền dạy nghệ thuật hát xoan cho một kiều bào sống tại trời Âu xa xôi, vẫn lặn lội về tận Việt Trì để học múa hát xoan.
Bà Nga kể: "Vừa rồi là trong năm ngoái có cô Tú Chinh là người Hà Nội sang định cư bên cộng hòa Séc, Khi cô đi về miếu Lãi Lèn học thì bọn chị dạy cho cô ấy rồi cô ấy lại đem về bên Cộng hòa Séc đấy. Thế là các chị cũng rất là mừng, là với cái làn điệu xoan của mình, là cái di sản của mình lại cũng được đi lan tỏa sang bên Cộng hòa Séc.
Và cô còn mua cả quần áo, trang phục của hát xoan bên này đem sang bên đấy. Các chị em vẫn là liên hệ với nhau. Cô ấy bảo là em chỉ cần học cơ bản, khi về em sẽ mở trên youtube các bài của phường xoan của các chị thì em sẽ là học theo đấy. cô ấy nắm bắt rất là nhanh đấy."
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cũng vô cùng trìu mến và hạnh phúc khi nhắc tới người học trò của mình, mới tuổi 19 đôi mươi, đã từ tận Vĩnh Phúc xa xôi, không quản nắng mưa, đường xa, lặn lội tới tìm bà để được học hát xoan: "Em Sơn thì thôi rồi. Hát thì hay lắm, rất là tuyệt vời. Bởi vì Phú Thọ với Vĩnh Phúc này trước đây là hát hai bên đều cũng có xoan cả mà.
Nhưng bây giờ Vĩnh Phúc thì nó ít hơn, chúng tôi phát triển nhiều hơn thế. nắng nôi như thế mà em đã từ Vĩnh Phúc lên nhà tôi để mà học hát xoan. Tôi cảm nhận cái em này quá tuyệt vời và hiện nay tôi đã kết hợp luôn em vào trong phường của tôi để tôi truyền thụ được nhiều hơn."
Mặc dù hiện nay, di sản hát xoan đã được công nhận và phát triển trở lại, song để những câu ca, lời hát, điệu múa này tiếp tục mang sức xuân đến cho đời sống tinh thần của người dân thì vẫn còn đó thật nhiều trăn trở, suy tư: "Truyền dạy cho các cháu thì các cháu lại lớn lên đại học hết cấp ba thì các cháu lại đi như là đi học đại học này hoặc là lại đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài này, các cháu gái lại đi lấy chồng ở nơi khác thì lại không có còn tồn tại ở đây. Thế nên là trong tâm huyết của các chị là lúc nào cũng lo lắng phải là kế tiếp để truyền dạy thì mới còn cái gốc được."
"Bởi vì bình thường hát xoan ấy thì nó là là hát, chủ yếu là hát ở cửa đình, và thường chỉ được hát vào những cái ngày lễ hội, vào vào mùa xuân thôi chứ không phải lúc nào cũng đem ra hát. Nên là khi mà có khách đến thì mới có không gian, có đất để cho mọi người diễn và qua cái đấy nữa thì sẽ có thu nhập.
Cho nên là cái khó khăn là lượng khách từ sau COVID-19 đến giờ thì em thấy là nó cũng ít kháchvà một khó khăn nữa là ở lớp trẻ thì để mà họ tiếp tục theo thành nghệ nhân thì nói thật là rất ít. Chúng em năm nào cũng đào tạo, không phải là ít, có những đứa nó mình mặc dù mình dạy nhưng đến khi nó học được rồi thì nó làm tốt hơn mình rất là nhiều thế mà nó đi học mất hoặc là đi làm mất, rất tiếc."
Không chỉ những nghệ nhân như bà Lịch, bà Nga, anh Quyết, mà còn rất rất nhiều người dân Phú Thọ yêu mến di sản thân thuộc và vô giá này của quê hương đất Tổ vẫn dành tình yêu và niềm tin rất lớn vào sự phát triển và lan tỏa nghệ thuật hát xoan tới các thế hệ tiếp nối và tới nhiều người, nhiều nơi hơn nữa.
Nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Nhàn, Trùm phó phường Xoan Thét, người có một cháu nội có năng khiếu hát xoan, và con gái cũng đã qua lớp đào tạo nghệ sĩ kế cận đều đang đi xuất khẩu lao động xa quê hương.
Nhưng bà Nhàn rất tin tưởng vào sự trở lại quê hương của con cháu mình, bởi cái tình, cái duyên với hát xoan của mỗi người dân nơi đây là rất lớn: "Bà cũng chưa nắm chắc được là cháu đi bao nhiêu năm. Thế nhưng bà tin là nó là con trai, hết thời hạn đi lao động thì nó về quê thì có lẽ sẽ lại khôi phục và nhập vào cái đội của mình, để lại tiếp tục theo học và lưu giữ làn điệu hát xoan này.
Ở đây thì bà cũng hy vọng là không bị mất gốc. Nhưng riêng về các con gái và cháu ngoại thì bà cũng không nói trước được điều gì. Bởi vì là cái này nó còn do duyên. Cháu nó mới sang, nó cũng đi được 3, 4 tháng rồi thì cháu biết hát sang biên đấy thì cái lúc mà nghỉ ngơi hay là gì đấy thì chị em có khả năng là tụ hợp rồi truyền dạy cho nhau…"
Hát xoan cổ tuy mộc mạc, gần gũi với đời sống của người dân, nhưng là lối hát nghi lễ cửa đình nên cũng có nhiều quy tắc, đặc biệt là những quy tắc trong sự sáng tạo.
Những nghệ sĩ trẻ hay các trùm phường thế hệ tiếp nối, nếu có những ý tưởng sáng tạo hay thay đổi, đều cần có sự trao đổi, đề xuất và tìm hiểu vô cùng kỹ lưỡng trên cơ sở tìm ra tiếng nói chung và tốt nhất cho sự tồn tại và phát triển của loại hình nghệ thuật dân gian này.
Trong không khí mùa xuân đang ngập tràn, khắp những nẻo đường làng quê hương Đất Tổ Phú Thọ, tiếng nói cười, tiếng hát, lời ca cùng tụ hội. Sự kết hợp độc đáo của loại hình hát nghi lễ và hát giao duyên trong hát xoan, và đặc biệt là lòng đam mê của những người dành tình yêu cho loại hình nghệ thuật dân gian này chính là những mùa xuân tươi đẹp mãi.