Đôi bàn tay tài hoa của hoạ sĩ khuyết tật 20 năm vượt qua nỗi đau
VOV.VN - Hơn 20 năm đứng trên đôi nạng gỗ, vẽ trong những cơn đau, chàng trai tưởng như đã tàn phế ấy không chỉ trở thành hoạ sĩ mà còn là nguồn cảm hứng để những người khuyết tật khác vươn lên trong cuộc sống.
Hoạ sĩ Lưu Xuân Thành sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Năm 11 tuổi, tai nạn trong khi đá bóng khiến anh bị tràn dịch khớp gối dẫn đến co cứng cơ vận động toàn thân. Di chứng ấy khiến cơ thể dần teo tóp, liệt nửa phần thân dưới. Không chịu đầu hàng số phận, anh Thành đã khiến cuộc sống của mình nhiều màu sắc hơn bằng niềm đam mê hội hoạ.
Hơn 20 năm đứng trên đôi nạng gỗ, vẽ trong những cơn đau, chàng trai tưởng như đã tàn phế ấy không chỉ trở thành hoạ sĩ mà còn là nguồn cảm hứng để những người khuyết tật khác vươn lên trong cuộc sống. Hành trình vượt qua nghịch cảnh của anh Thành sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương, chủ đề “Người vẽ lại số phận” lên sóng lúc 10h00 thứ Bảy ngày 20/5 trên kênh VTV1.
Hoạ sĩ Lưu Xuân Thành tự nhận bản thân là người ít nói và có phần hơi rụt rè. Những câu hỏi trắc nghiệm nhanh về màu sắc không chỉ khiến anh tự tin hơn mà còn giúp khán giả có thêm thông tin về người hoạ sĩ 8X tài hoa này. Anh Thành cho biết, mình có thể đứng được 12 tiếng trên đôi nạng gỗ. Chia sẻ về lý do phải gắn chặt với đôi nạng ấy, giọng anh Thành có phần lạc đi: “Năm ấy tôi mới 11 tuổi, trong một lần đá bóng với bạn bè, không may tôi gặp tai nạn và bị tràn dịch khớp gối. Tai nạn ấy khiến chân tôi teo tóp, liệt dần và không thể di chuyển. Gia đình đưa tôi chạy chữa, thuốc thang khắp nơi nhưng đều không có kết quả”.
“Khi đó gia đình tôi rất khó khăn, nhìn bố mẹ chạy vạy khắp nơi, kiếm tiền chạy chữa cho mình tôi thấy rất đau lòng. Cơ thể thì bị những cơn đau dày vò, chỉ cần gió quạt cũng khiến tôi đau đớn vô cùng, có những lúc tôi không muốn tồn tại nữa” – anh Thành chia sẻ. Dù bố mẹ không hay nói những lời yêu thương, nhưng chính những lời động viên, sự quan tâm chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ đã khiến anh Thành dần bình tâm và gắng gượng sống tiếp. Trong một lần xem tivi, anh Thành đã thấy một hoạ sĩ khuyết tật vẽ tranh, khi ấy anh đã nghĩ: “Ở ngoài kia còn rất nhiều người khó khăn hơn mình, khổ sở hơn mình, họ vẫn vượt qua được nghịch cảnh. Mình còn đôi tay, tại sao mình không thử vẽ giống như họ?” Đó là khoảng thời gian 5 năm sau tai nạn. Từ ngày hôm đó, cuộc sống của anh Thành như bước sang một trang mới.
Dù đôi tay co cứng, di chuyển hết sức khó khăn, anh Thành vẫn kiên trì trên đôi nạng gỗ, vụng về những nét vẽ đầu tiên. Hàng xóm không tin anh có thể vẽ được tranh, còn mẹ anh khi ấy không chỉ là người động viên, mà còn là người tìm kiếm khắp nơi để mua đồ dùng, cọ vẽ cho con. Từ những ánh mắt hoài nghi ấy, bằng nghị lực và quyết tâm phải làm được điều gì đó có ý nghĩa, anh Thành dần vẽ nên tương lai của mình từ những cơn đau thắt hành hạ.
Cho đến thời điểm hiện tại, anh không nhớ mình đã vẽ được bao nhiêu bức tranh. Trong phòng khách căn nhà cấp 4 treo đầy tranh của Thành. Căn phòng 20m2 ở bên hông nhà chính, vừa là nơi ở, vừa là chỗ sáng tác của chàng họa sĩ 8X. Hàng chục bức tranh chì, màu nước được treo ngay ngắn trên tường. Chiếc giá vẽ đơn sơ, bộ màu nước xếp gọn gàng cùng giàn máy vi tính là gia tài của anh Thành, giúp anh đeo đuổi đam mê và giao lưu với thế giới bên ngoài.
Tháng 3/2015, anh Thành cùng 3 họa sĩ trẻ đến từ các tỉnh thành khác nhau đã mở Triển lãm tranh “Khát vọng ngày mới” và nhận được sự đánh giá rất cao từ giới chuyên môn cũng như những người yêu nghệ thuật. Trên sân khấu Trạm yêu thương, khán giả một lần nữa được chứng kiến khả năng vẽ tranh của anh Thành với những nét vẽ và cách phối màu đầy ấn tượng. “Tôi luôn muốn vẽ tặng mẹ một bức tranh để khắc họa những nét vất vả của mẹ trong những tháng ngày mưu sinh để nuôi tôi” – anh Thành tâm sự.
Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, anh Thành mong muốn có một công việc thật ổn định để có thể đỡ đần mẹ, trang trải cuộc sống và tiếp tục theo đuổi đam mê hội hoạ. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào giúp anh Thành san sẻ gánh nặng về kinh tế và tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình./.