Hà Nội sống và yêu: Đặc sản tiếng rao...
VOV.VN - Những thanh âm của phố phường Hà Nội từ xưa đến nay đã tô điểm cho Hà Nội thêm phần thi vị, trong đó có thanh âm của những tiếng rao. Những tiếng rao cất lên từ những con người mưu sinh rong ruổi trên phố phường Hà Nội.
Hà Nội ngàn xưa vốn là nơi kinh kỳ Kẻ Chợ, thu hút mọi tầng lớp đến mưu sinh. Các ngành nghề, phường buôn bán lần lượt ra đời và theo đó các hàng quán ăn uống cũng nảy nở và phát triển để phục vụ, đáp ứng nhu cầu của những thợ thuyền nơi phố thị. Cũng từ đó, tiếng rao đã ra đời.
Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, từ những năm 1928, trong cuốn sách của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương xuất bản các tranh của sinh viên vẽ về người bán rong. Không chỉ vẽ tư thế, vẻ mặt, động tác của họ, các thày Tây còn ghi lại tiếng rao của họ theo cách ghi nhạc, để lưu lại bằng hình ảnh và âm thanh một nét sinh hoạt đặc thù của Hà Nội.
"Theo thời gian tiếng rao đó kéo dài tới tận ngày hôm nay. Từ những câu dao rất thực tế đơn điệu, dần dần người ta chuyển qua thơ, rồi người ta lên giọng xuống giọng, rồi đặt ra những câu rất vui tai hài hước để thu hút những người muốn mua hàng. Thế thì dần dần nó trở thành đặc sản của một đô thị, và người ta hay nói tiếng rao là một món quà âm thanh miễn phí".
Thế nhưng, những thanh âm miễn phí đó không phải lúc nào cũng đều như nhau. Trên những con phố cổ Hà Nội cách đây khoảng 5-7 năm, sẽ dễ dàng để bắt gặp người bán hàng rong tự rao hàng. Lạ một cái, hôm nào bán tốt thì tiếng rao sẽ hào sảng hơn, hôm nào không may mắn thì sẽ rời rạc hẳn như chia sẻ của ông cụ bán nộm tên Hào – đã quen thuộc với những người dân phố cổ suốt mấy chục năm:
"Tiếng cắt này mỗi người gõ một kiểu khác nhau chứ nó không có một nhịp điệu rõ ràng gì cả, trong lòng mình nghĩ gì thì gõ ra thế. Chẳng hạn như tôi gõ như tiếng trống sư tử. Lúc nào ế hàng quá thì rời rạc hơn".
Cầm chiếc kéo bản to, mũi bằng, được thửa riêng theo kiểu để đi bán nộm bò khô, ông Hào kể, mình đã rong ruổi ở các phổ cổ Hà Nội mấy chục năm nay. Dù không cất tiếng rao, nhưng những tiếng kéo gõ nhịp vào nhau của ông đã để lại dấu án rất riêng với ai sinh sống ở phố cổ.
Tiếng rao hàng ở đâu cũng có, không riêng Hà Nội. Họ rao lên với mong muốn người nghe biết được mặt hàng mình đang bán, đơn giản như vậy. Nhưng tại sao ở Hà Nội, tiếng rao lại trở thành đặc sản?
"Bởi vì từ xưa đến nay HN vừa là kinh đô vừa là thủ đô, ở đó rất là nhộn nhịp. Nếu anh nói một cách đơn giản chưa chắc người ta đã nghe thấy bởi âm thanh phố lớn quá thì tiếng rao chìm đi. Nên anh phải tìm một cách rao khác để thu hút người nghe, để người ta biết anh bán cái gì, như thế mới thu hút được người xung quanh trong một đô thị ồn ào".
Chắc bởi vậy, tiếng rao của Hà Nội cũng quyến rũ hơn, nhiều kiểu cách hơn ở vùng thôn quê – nơi không có nhiều ồn ào, náo nhiệt:
"Ở Hà Nội thì tiếng rao đêm với chúng tôi rất quen thuộc và gần như là nếu không có thì rất nhớ. Vì đêm đến là chí mà phù đây, bánh khúc nóng đây, bánh mì giòn đây. Lúc đấy cảm thấy rất vui. Tuy rằng nằm trong chăn nhưng rất muốn dậy ăn".
"Nghe đến tiếng rao em có thể biết đâu là ngô nướng, sắn nướng hay là bánh bao, bánh khúc. Những tiếng rao của Hà Nội gợi cho em một nét rất riêng của Hà Nội, nó tạo nên 1 cái gì dấy rất là cổ của Hà Nội".
Thời gian dần trôi theo năm tháng, từ những ngày phục hồi kinh tế thị trường (đổi mới) những tiếng rao xưa cũng thưa dần rồi biến mất, thay vào đó những tiếng rao thời @ được thu sẵn cứ đều đều, lặp đi lặp lại một cách vô hồn từ những chiếc loa phường, giúp người bán đỡ nhọc nhằn và tiếng rao cũng vang xa hơn. Với những ai hoài cổ, yêu những âm thanh bình dị của phố phường Hà Nội, chắc hẳn sẽ luyến tiếc:
"Những câu dao rất là đơn giản và những câu dao đó cũng không cầu kì bởi vì tất cả mọi cái đều nhờ cái loa đấy. nên rao bây giờ chỉ thông báo rằng tôi bán cái này. Chứ nó không có ý nghĩa mua vui bằng âm thanh cho người nghe nữa, thành ra nó nhạt nhẽo đơn điệu. Đây là điều đáng tiếc".
Sống ở Hà Nội
Hiện không có con số thống kê bao nhiêu người sống ở Hà Nội bị bệnh phổi, mắt do bụi mịn gây ra nhưng sẽ là con số không nhỏ vì nhiều năm nay nồng độ bụi mịn Hà Nội luôn trong tình trạng cao hơn nhiều mức cho phép.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, 57% bụi thô, bụi mịn ở đô thị phát sinh từ giao thông, 32% từ các công trình đang xây dựng, còn lại do hoạt động của những cơ sở công nghiệp. Thế nhưng có đô thị không khí không ô nhiễm song có đô thị nồng độ bụi mịn quanh năm cao hơn mức cho phép
Cũng như một số thành phố ở Châu Á, chất lượng không khí Hà Nội thường xuyên trong tình kém, xấu do ô nhiễm tự sinh và ô nhiễm thụ động. Hà Nội có số lượng xe máy, ô tô nhiều thứ 2 sau thành phố Hồ Chí Minh.
Liên tục trong 24 giờ trên các tuyến đường lớn nhỏ xe cộ nối đuôi nhau, chỉ một sự cố nhỏ là xảy ra ùn tắc. Lưu lượng xe nhiều nên khí CO2 thải ra rất lớn, nhất là ở ngã ba, ngã tư. Khi hàng vạn chiếc xe di chuyển, lốp xe đã cọ xát vào mặt đường, tải trọng lớn đã nghiền bụi thô thành bụi mịn.
Các lốp cao su và mặt đường nhựa cũng bị bào mòn do ma sát đã sinh ra bụi mịn. Nếu đường bê tông thì bụi mịn còn nhiều hơn. Chất lượng đường kém thì nồng độ bụi càng lớn. Khi xe chuyển động hay ống xả thải ra khí đã làm bụi mịn bay lên không trung, gặp gió bụi được lên cao hơn.
Hiện, khu vực nội đô Hà Nội có ít cơ sở công nghiệp lớn nhưng lại là thành phố có rất nhiều công trình đang xây dựng, nhiều nhà cải tạo sửa chữa nên bụi thô, bụi mịn sinh ra từ đây.
Vì sao TP.HCM có lượng phương tiện giao thông lớn hơn Hà Nội và thành phố này cũng rất nhiều công trình xây dựng song chất lượng không khí lại không kém, không xấu như Hà Nội?
Đó là vì yếu tố khí hậu ở thành phố Hồ Chí Minh có hai mùa, mùa mưa bụi sẽ bị nước đưa xuống đất còn mùa khô gió đã phân tán bụi đi các nơi. Hà Nội khí hậu 4 mùa, vào đầu mùa đông hay mùa xuân, trời sương mù lại không có gió nên khi bụi mịn từ mặt đất bay lên gặp sương sẽ đọng lại lơ lửng trên không trung.
Xưa Hà Nội ít xe cộ, lại nhiều hồ ao, khi gió đông bắc hay đông nam thổi bụi mịn sẽ tán ra nhiều nơi hoặc rơi xuống hồ và chìm xuống nước sẽ làm giảm lượng bụi tái sinh. Nhưng ngày nay, ao hồ Hà Nội bị lấp nhiều vì thế bụi rơi xuống mặt đất khi có gió nó lại bay lên không trung.
Ngoài bụi thô, bụi mịn tự sinh thì Hà Nội nằm giữa đồng bằng nên gió sẽ đưa bụi từ nơi khác đến và Hà Nội có nhiều nhà cao tầng, những nhà này sẽ ngăn lại khiến bụi rơi xuống nhưng có cơ hội nó lại vút lên cao.
Thực ra đã có những văn bản pháp luật qui định các công trình xây dựng phải che chắn xung quanh, xe chở vật liệu vào công trường khi ra đường phố phải được phun xịt nước, thế nhưng không thấy công trình nào thực hiện.
Xe tải chở vật liệu, chất thải phải được che kín tránh rơi vãi ra đường song vẫn thấy xe vi phạm trên các phố. Luật pháp cũng qui định ô tô, xe máy quá hạn không được lưu thông nhưng rất nhiều xe cứ vô tư trên phố.
Hiện không có con số thống kê bao nhiêu người sống ở Hà Nội bị bệnh phổi, mắt do bụi mịn gây ra nhưng sẽ là con số không nhỏ vì nhiều năm nay nồng độ bụi mịn Hà Nội luôn trong tình trạng cao hơn nhiều mức cho phép.
Chúng ta bất lực trước thời tiết nhưng hoàn toàn có thể hạn chế được ô nhiễm nếu thực hiện nghiêm luật pháp, muộn còn hơn đê bụi mịn hoành hành.
Tin yêu
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, Sở VH&TT Hà Nội phát động Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Hà Nội mở rộng và Cuộc thi sáng tác ca khúc "Thanh âm Hà Nội". Ban tổ chức nhận tác phẩm từ nay đến hết 30/7, chấm chọn trong tháng 8 và tổng kết, trao giải vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024 với chủ đề "Thăng Long Hà Nội, Thủ đô quyến rũ" sẽ diễn ra từ ngày 25 - 28/4 tại Công viên Thống Nhất. Đây là hoạt động kích cầu du lịch thường niên, được tổ chức quy mô, khuyến khích người dân và du khách đi du lịch tới các điểm hấp dẫn của Hà Nội như phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, Vườn quốc gia Ba Vì, làng gốm Bát Tràng, khu du lịch Sóc Sơn,…
Trong tháng 4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động tháng 4 với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Đặc biệt trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 Âm lịch, tức ngày 18/4/2024), Làng tăng cường các hoạt động hướng tới ngày Giỗ Tổ và các hoạt động điểm nhấn tôn vinh Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4.
Lễ hội Tổng Nam Phù là lễ hội truyền thống đặc sắc của huyện Thanh Trì và Thủ đô Hà Nội, hiện đang được xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn của hai vị công chúa con vua Lý Thánh Tông đã có công dựng chùa, bỏ tiền bạc mua ruộng, dạy nghề cho Nhân dân diễn ra vào các ngày từ 14 - 16/3 âm lịch hàng năm.
Hội sách chào mừng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba sẽ diễn ra tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) từ ngày 17 đến hết ngày 21/4. Hội sách sẽ gồm các hoạt động trưng bày mô hình sách, giới thiệu quảng bá sách của các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp công nghệ. Dự kiến có 60 đơn vị tham gia, với khoảng 40.000 tựa sách.