Hành động để công nghiệp văn hóa Việt Nam "cất cánh"

VOV.VN - Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, những gì chúng ta chứng kiến qua sự kiện BlackPink biểu diễn tại Hà Nội vừa qua cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp văn hóa như thế nào.

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa đã được Đảng ta đề ra tại Nghị quyết Đại hội XII. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam".

Trước đó, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ khẳng định "Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân".

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, trong các lĩnh vực hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Dân Vận Trung ương Triệu Tài Vinh đánh giá công nghiệp văn hóa là một điểm sáng: “Nguồn thu từ công nghiệp văn hoá ngày càng nhiều, khẳng định rõ nét tiềm năng của công nghiệp văn hoá trong bức tranh phát triển kinh tế chung của đất nước”.

Ngành kinh tế đặc biệt

Thực tế, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam như: điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, sách, tranh, hàng thủ công mỹ nghệ... Song song với thị trường trong nước, thị phần xuất khẩu hàng hóa văn hóa của Việt Nam ra thế giới cũng đạt kết quả tốt với nhiều sản phẩm có chất lượng. Các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đang dần được coi là một động lực, góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội.

Chúng ta có nhiều nghệ sĩ tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, thiết kế thời trang, ảnh nghệ thuật... đã được giải cao ở các sự kiện khu vực và quốc tế. Trong năm 2023, nhiều bộ phim Việt như “Nhà bà Nữ”, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”, “Siêu lừa gặp siêu lầy” ... thậm chí có doanh thu hơn hẳn so với những bộ phim bom tấn của Mỹ. Những sản phẩm âm nhạc “made in Việt Nam” của Hoàng Thùy Linh, Sơn Tùng M-TP… được khán giả toàn cầu yêu thích. Các không gian sáng tạo, sự kiện văn hóa nghệ thuật bùng nổ ở các đô thị và được xem như một tiêu chí của một thành phố đáng sống.

GS.TS. Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đánh giá: “Văn hóa từ một lĩnh vực vốn được coi là vũ khí tư tưởng, công cụ giáo dục con người, một ngành “chỉ biết tiêu tiền”, sống dựa vào bao cấp của các ngành khác đã trở thành một ngành “làm ra tiền”, có tiềm năng, giá trị kinh tế và có thể có đóng góp thiết thực vào GDP của đất nước”.

Theo TS Lê Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM, công nghiệp văn hóa sớm được coi là một ngành kinh tế đặc biệt bởi những minh chứng từ các nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển mang lại siêu lợi nhuận, sản phẩm công nghiệp văn hóa cơ bản chính là sự kết tinh từ sáng tạo văn hóa và khoa học - công nghệ, vận dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin để có thể góp phần bảo vệ phát huy và quảng bá nền văn hóa của các quốc gia ra thế giới. Nếu chúng ta có khả năng nắm bắt và làm chủ kỹ năng kinh doanh sẽ mang lại thành công trong ngành này, bởi công nghiệp văn hóa với tư cách là một lĩnh vực công nghiệp nên lợi ích kinh tế được chú trọng quan tâm.

Thách thức và hành động

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, chúng ta coi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một trong những đột phá không chỉ cho sự phát triển văn hóa, mà còn cho sự phát triển chung của đất nước. Những gì chúng ta chứng kiến qua sự kiện BlackPink biểu diễn tại Hà Nội vừa qua cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp văn hóa như thế nào. Tuy nhiên, kỳ vọng và thực tế phát triển công nghiệp văn hóa ở ta đúng là có những khoảng cách nhất định.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ ra những lý do chính: đầu tiên là hiện nay, việc quản lý sự phát triển của lĩnh vực văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng, có liên quan đến nhiều ban ngành, nhiều khi chồng chéo trùng lặp về chức năng nhiệm vụ dẫn đến câu chuyện văn hóa không chỉ là thẩm quyền riêng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà cần sự hiệp lực tổng hợp của nhiều bộ ngành khác.

“Trong 12 ngành công nghiệp văn hóa chỉ có 5 ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL, trong khi đó 7 ngành khác ở các bộ, ngành không đã không được quan tâm một cách đầy đủ. Ngay ở tại Bộ VHTTDL, việc đặt quản lý các ngành công nghiệp văn hóa thuộc phạm vi của Cục Bản quyền tác giả cũng tạo ra mâu thuẫn khi công nghiệp văn hóa rộng hơn bản quyền tác giả. Tình trạng “mẹ ở trong con” khiến việc định hướng phát triển, quản lý công nghiệp văn hóa gặp nhiều lúng túng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, một lý do nữa là tiếp cận nguồn tài chính khó khăn do năng lực quản lý yếu kém và kỹ năng trong các hình thức kinh doanh sáng tạo. Nhận thức không cao về tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp văn hóa ở các nhà đầu tư, có các nguy cơ rõ ràng về sự thất bại của thị trường bởi vi phạm bản quyền, các vấn đề về phân phối sản phẩm nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Chi phí khởi động một doanh nghiệp thấp nhưng thủ tục hành chính còn phức tạp. Việc nhiều doanh nghiệp, tổ chức văn hóa nghệ thuật, không gian sáng tạo không được hưởng các ưu đãi về thuế, đất đại, địa vị pháp lý phù hợp với tính chất đặc thù của văn hóa cũng ảnh hưởng đến sự quan tâm của toàn xã hội đối với lĩnh vực này.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kém phát triển, hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá nhìn chung vẫn ở tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Năng lực, kỹ năng, trình độ chuyên môn ở mức độ thấp trong trong toàn bộ các ngành công nghiệp văn hóa. Mối quan hệ giữa các cơ quan giáo dục và doanh nghiệp còn yếu, dẫn đến sự chênh lệch giữa đào tạo và nhu cầu thực tiễn.

“Thị trường yếu trong một số lĩnh vực nhất định – ví dụ như trong thiết kế, tạo dựng thương hiệu, các dịch vụ và sản phẩm sáng tạo bền vững về môi trường. Điều này tác động tiêu cực tới chất lượng và tính cạnh tranh. Một phần là do tầng lớp trung lưu nhỏ; nhưng đồng thời nó cũng là hệ quả của một thị trường tổng thể kém phát triển”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá.

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, chúng ta thiếu sự hợp tác kinh doanh giữa khu vực công và các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức ngoài công lập. Điều này bởi nhiều lý do, trong đó có những vấn đề liên quan đến chính sách, luật pháp như đã trình bày ở trên, cũng còn bởi nhận thức, tâm lý, thói quen văn hóa chưa thay đổi kịp với kinh tế thị trường.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, thị trường văn hóa nhìn chung mới tập trung nhiều ở các thành phố lớn trong khi tại các vùng nông thôn thị trường văn hóa chưa phát triển, chủ yếu là tiêu thụ văn hóa qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các thiết chế văn hóa cổ truyền. Phát triển các không gian sáng tạo và kết nối mạng lưới sáng tạo còn kém phát triển khi so sánh với các quốc gia khác.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, chúng ta thiếu một hệ sinh thái sáng tạo tổng thể - các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ, không làm việc hợp tác cùng nhau nhằm nuôi dưỡng các tài năng sáng tạo.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, thời gian tới, để phát huy hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta cần thực hiện tốt những giải pháp như: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, bộ, ngành về vai trò của nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

“Cần xác định nguồn lực bao gồm nguồn lực vật chất và phi vật chất; chúng cần được quan tâm, phát huy đồng thời, đồng bộ và tối ưu hóa. Đồng thời, quan tâm cả nguồn lực bên trong và nguồn lực từ bên ngoài; nhưng cần xác định nội lực là chính, trước hết, từ nội lực mạnh để kết nối, phát huy ngoại lực, phải nội lực hóa các nguồn ngoại lực”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà nhận định.

Tiếp theo là hoàn thiện thể chế, rà soát, quy hoạch tổng thể nguồn lực; kết hợp định tính với định lượng trong đánh giá nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Có kế hoạch khai thác, sử dụng, dự trữ, tái tạo các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu trước mắt và lâu dài. Phát triển kết cấu hạ tầng và liên kết vùng phục vụ cho việc khai thác, bảo tồn nguồn lực tài nguyên một cách hợp lý. Phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế so sánh các nguồn lực của mỗi vùng/địa phương trong cả nước để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tránh tình trạng để các nguồn lực manh mún, bị xé nhỏ. Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường nguồn lực khoa học và công nghệ trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, chúng ta cần tập trung phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực có tầm quan trọng bao trùm - bởi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Chú trọng đến đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật, như đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ nhân dân gian - những báu vật sống của nền văn hóa nước nhà; có chế độ đặc thù cả về lương, thưởng và trao tặng danh hiệu, để họ có thể tập trung nghiên cứu, truyền nghề cho thế hệ sau.

Nguồn lực tài chính cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng cần được tang cường, đặc biệt là những ngành mang tính đặc thù, số lượng người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ văn hóa còn thấp, do đó kinh doanh không có lãi, nhưng chúng ta cần bảo tồn, giữ gìn những ngành nghề đó, như âm nhạc dân gian, thủ công mỹ nghệ…, bởi đây là một trong những phương thức bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, thứ mà chúng ta không thể đánh mất. Để làm được điều này, cần thiết tăng ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cùng với một số lĩnh vực liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, từ các doanh nghiệp và cá nhân thông qua các cơ chế ưu đãi về đầu tư, vốn, thuế, lãi suất, hợp tác công - tư… đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, chúng ta cần bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa, bởi đây là yếu tố cấu thành nguồn lực phi vật chất quan trọng của đất nước, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong việc phát huy nguồn lực trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của các quốc gia trên thế giới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp 7% GDP vào năm 2030
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp 7% GDP vào năm 2030

VOV.VN - Thế giới đang đứng trước dấu mốc lịch sử mang tính thời đại, với sự phát triển của kinh tế tri thức, kinh tế số thay vì mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, qua đó, cũng xác định những giá trị mới của văn hóa thời đại mới.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp 7% GDP vào năm 2030

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp 7% GDP vào năm 2030

VOV.VN - Thế giới đang đứng trước dấu mốc lịch sử mang tính thời đại, với sự phát triển của kinh tế tri thức, kinh tế số thay vì mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, qua đó, cũng xác định những giá trị mới của văn hóa thời đại mới.

Công nghiệp văn hoá không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền”
Công nghiệp văn hoá không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền”

VOV.VN - Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa mang lại nhận thức mới về vai trò, giá trị nội sinh của văn hóa: Đây không phải là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi sản xuất, phi lợi nhuận; không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền”.

Công nghiệp văn hoá không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền”

Công nghiệp văn hoá không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền”

VOV.VN - Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa mang lại nhận thức mới về vai trò, giá trị nội sinh của văn hóa: Đây không phải là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi sản xuất, phi lợi nhuận; không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền”.

Ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có thể phát triển nhanh
Ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có thể phát triển nhanh

VOV.VN - Ông Nguyễn Xuân Thắng nhận định, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ra đời muộn hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác nhưng lại là ngành có nhiều dư địa phát triển, có thể phát triển nhanh.

Ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có thể phát triển nhanh

Ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có thể phát triển nhanh

VOV.VN - Ông Nguyễn Xuân Thắng nhận định, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ra đời muộn hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác nhưng lại là ngành có nhiều dư địa phát triển, có thể phát triển nhanh.