PV: Đã thành thông lệ hàng năm, anh cùng các họa sĩ trong nhóm G39 thực hiện triển lãm tranh con giống cho Tết. Năm Nhâm Dần sắp đến, các họa sĩ đã chuẩn bị như thế nào?

Hoa sĩ Lê Thiết Cương: Triển lãm tiễn năm cũ đón năm mới là thông lệ của nhóm G39, đến nay đã được đến 6,7 năm rồi. Như mọi năm, nhóm họa sĩ 39 chúng tôi đều tổ chức triển lãm trực tiếp. Thế nhưng vì năm nay dịch Covid-19 nên không triển lãm “Tiễn Sửu đón Dần” theo lối truyền thống nữa, tức là ở một phòng tranh nào đó, mà đành phải triển lãm trực tuyến.

Thực ra cái gì cũng có hai mặt, truyền thống cũng có cái hay của nó, và trực tuyến cũng có cái hay của nó. Mọi người ngồi nhà nhưng vẫn có thể thấy mùa xuân, thấy Tết qua từng bức tranh của nhóm.

Cho nên những người bạn ở Sài Gòn và ở nước ngoài đều gọi cho tôi nói: “Đấy nhá, nếu mà không bị dịch thì có phải chúng tôi không được xem tranh của các triển lãm năm nào nhóm họa sĩ G39 cũng làm”.

Qua đó mình cũng thấy đúng là trong cái không may cũng có cái may, trong có có không, trong không có có, trong được có mất, trong mất có được, trong âm có dương, trong dương có âm.

PV: Anh đánh giá về các tác phẩm của nhóm tham gia trong triển lãm năm nay như thế nào?

Hoa sĩ Lê Thiết Cương: Dù năm qua đại dịch cản trở và ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhưng các họa sĩ vẫn có năng lượng sáng tạo để tham gia. Có những người tham gia 2 bức, có những bạn góp 5,6 bức.

Tranh triển lãm đón năm mới, tiến năm cũ không nhất thiết phải là con giáp. Các tác phẩm mang nhiều chủ đề như về thiên nhiên, mùa xuân, tĩnh vật, hoa xuân, phố mùa xuân… với các bảng màu rực rỡ, tươi trẻ, sống động mừng Xuân mới.

Song đặc biệt xuất hiện nhiều là các tác phẩm vẽ về hổ - con vật biểu trưng cho năm Dần trên rất nhiều chất liệu như lụa, khắc gỗ, bột màu- báo cũ, sơn dầu trên vải,…

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương mặc mẫu sweater "Hổ phụ sinh hổ tử" (giữa) và các mẫu áo in tranh hổ.

PV: Năm Nhâm Dần cũng là năm tuổi của anh, vậy đối với cá nhân anh có cảm xúc gì đặc biệt?

Hoa sĩ Lê Thiết Cương: Năm nào tôi cũng tiễn năm cũ đón năm mới nhưng năm nay là năm tuổi nên có lẽ cũng đặc biệt hơn. Như năm ngoái là năm Sửu thì tôi vẽ ít, ‘năm nay thì không những vẽ 24 bức tranh con hổ, là con vật biểu tượng của năm 2022, tôi còn làm mấy lọ gốm Bát Tràng vẽ hình con hổ để cắm cành đào, làm cả áo phông, túi vải in tranh hổ.

Vì tranh tức là độc bản, mà không ai cũng có thể sở hữu được nên tốt nhất là mình biến nó thành những cái áo phông, những cuốn lịch để bàn, thiếp chúc tết, bao lì xì.

Đó là một trong những cách để mỹ thuật ứng dụng, hay bây giờ người ta còn gọi là công nghiệp văn hóa.

Tranh hổ của họa sĩ Lê Thiết Cương trên bao lì xì.

PV: Trong 12 con giáp, chắc hình tượng hổ có ý nghĩa đặc biệt với anh?

Hoa sĩ Lê Thiết Cương: Trong 12 con giáp, hổ là con duy nhất mang trong mình hai biểu tượng. Một là biểu tượng cho sức mạnh, sức khỏe, dũng mãnh. Biểu tượng thứ hai là sự linh thiêng, bởi con hổ còn để thờ. Như trong tranh Hàng Trống thì Hổ để thờ. Ở đình, đền, chùa, ở cổng tam quan cũng có hình hổ, phù điêu hổ chầu. Còn ở đầu đốc, đầu hồi của các ngôi đình, đền thì cũng có mặt hổ phù. Hoặc ví dụ trong các đồ án trang trí sơn son thiếp vàng là mặt hổ phù ngậm chữ Thọ.

Vậy nên người ta nói, trong 12 con giáp, con rồng chỉ biểu tượng của sự linh thiêng vì rồng đứng đầu trong tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), nhưng hổ vừa để thờ, vừa linh thiêng, sức mạnh, còn tất cả các con giáp còn lại thì không có điểm đặc biệt đó.

Hoặc như con hổ trong Thập nhị địa chi (biểu tượng của 12 con giáp), tuy là đứng sau Tý, Sửu nhưng lại là đứng đầu, bởi vì Dần là tháng Giêng. Tháng 11 là tháng Tý, tháng Chạp là tháng Sửu, và tháng Giêng (tháng Tết) là tháng Dần.

PV: Trong quan niệm của mọi người, hổ là loài vật hung dữ, với người Việt gần như chỉ được dung trong tín ngưỡng, tâm linh, vậy làm thế nào để tạo hình Hổ mang không khí Xuân?

Hoa sĩ Lê Thiết Cương: Không phải như con trâu, tạo hình hổ rất khó, vậy nên bằng chứng là năm nay không nhiều họa sỹ vẽ Hổ. Thêm nữa là trong lịch sử mỹ thuật truyền thống của người Việt thì hình tượng con hổ rất là phong phú.

Từ con hổ trên mặt trống đồng, trong gốm hoa nâu thời Trần thế kỷ 13, gốm Chu Đậu thế kỷ 15, trong điêu khắc đình làng (ví dụ là đình Lỗ Hạnh- Hiệp Hòa, Bắc Giang, đình Thổ Tang- Vĩnh Phúc, đình Chảy- Nam Định), hay hổ ở trong tranh dân gian Đông Hồ, tranh dân gian Hàng Trống.

Cho nên khi một người họa sĩ mà muốn vẽ về tranh hổ thì làm sao phải tránh được tất cả những cái đó, phải tìm một con đường riêng để tạo hình hổ.

Riêng tôi là một họa sĩ đi theo quan niệm nghệ thuật tạo hình tối giản, năm nay là lần đầu tiên thể nghiệm là tối giản đồng hiện nghĩa là thể hiện các nhân vật xuất hiện và hành động ở những không gian, thời gian khác nhau trong cùng một bức tranh theo phong cách tối giản.

Ví dụ một bức tranh hổ, trong mình con hổ là cả một đầm hoa sen, với ý nghĩa như Phật Thích Ca đã nói là: “Đến ngọn cỏ còn có Phật tính, huống hồ là con hổ”. Hoa sen, màu vàng là biểu tượng của nhà Phật, và Phật quan niệm rằng; “Sinh tử là một”, cho nên bức tranh có bông hoa sen chưa nở, có bông hoa sen còn cái đài, có bông hoa lại mới nở được một cánh, và có bông đã tàn.

Hay bức tranh con hổ với chìa khóa, bức tranh hổ với cái bát, cái đũa, tượng trưng cho “của ăn của để”. Hổ với mặt trời bắt đầu mọc, nhú lên khỏi đường chân trời; hay bức tranh hổ phụ sinh hổ tử bắt nguồn từ một câu thành ngữ của người Việt.

PV: Hình tượng hổ trong các tác phẩm của anh thay đổi thế nào qua các năm?

Hoa sĩ Lê Thiết Cương: Cách đây 12 năm thì tôi cũng đã vẽ tranh hổ, nhưng chủ yếu vẽ trên lọ gốm, đĩa gốm chứ không phải là trên tranh. Năm nay mới là năm vẽ Hổ nhiều, cũng có lẽ là tuổi 60 cũng khiến bản thân nghĩ ngợi, thấy vui, thấy cũng đi qua được 60 năm mà ông Trời đã cho mình được làm người, cũng làm được nhiều việc, cho nên là năm nay mới vẽ tranh, làm tượng, làm gốm, áo, túi,…

Bức tranh "Cầu nguyện".

PV: Được biết anh có đấu giá bức tranh “Cầu nguyện” trong 24 bức tranh hổ để ủng hộ cho dự án trồng, phục hồi rừng đầu nguồn. Lý do nào khiến anh quyết định tham gia dự án này và vì sao anh chọn bức tranh “Cầu nguyện”?

Hoa sĩ Lê Thiết Cương: Vì ngày hôm nay không còn khái niệm tôi hạnh phúc, mà hạnh phúc nằm ở việc cho tất cả. Bạn tham gia, bạn đóng góp một cái cây ở Quảng Bình thì nó cũng có tác động đến bạn, đến với tất cả mọi người. Tất nhiên sự tác động của một cái cây bị chặt, bị chết, tác động của một cái cây được trồng, nó không thấy ngay và lập tức, nhưng nó có tác động lâu dài. Nên đó là ý nghĩa tại sao tôi muốn tặng cho tổ chức đó một bức tranh để họ bán đấu giá, và số tiền đó để dùng để trồng cây.

Thứ nhất là nó có ý nghĩa cầu nguyện mùa xuân, mùa xuân năm nay năm Dần, tháng tết là tháng dần, cầu nguyện cho một mùa xuân mới, một năm mới mọi sự tốt lành, mọi người có sức khỏe, như là con Hổ. Bởi vì ai cũng biết đại dịch khủng khiếp trong hơn 2 năm vừa rồi, thì mình cầu là cầu sức khỏe, sức mạnh như con hổ để vượt qua đại dịch.

Thứ hai, mùa xuân là mùa cây cối đâm chồi, nảy lộc. Bởi vậy tôi quyết định ủng hộ số tiền bán đấu giá bức tranh này để trồng, phục hồi rừng đầu nguồn.

PV: Thông qua các tác phẩm, anh có ước vọng gì vào một năm Dần sắp tới?

Hoa sĩ Lê Thiết Cương: Khác với những năm Dần khác, có một cái độc đáo là năm Nhâm Dần có hai lần dương, Dần là dương, Nhâm là số 9 (trong Thập thiên can), là số lẻ và là dương. Vậy nên, vẽ tranh về con hổ trong năm Nhâm Dần là lời cầu chúc mọi người khỏe hai lần khỏe, mạnh hai lần mạnh, để vượt qua đại dịch.

PV: Cảm ơn họa sĩ Lê Thiết Cương!./.


Thứ Ba, 08:05, 01/02/2022