Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: Thuận hòa vì nghiệp lớn

VOV.VN - Nhờ biết cách vượt lên trên hiềm khích và mâu thuẫn để “kết đoàn lại chúng ta là sức mạnh” mà nhà Trần đã trở thành một trong những triều đại lập được nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhà Trần đã phải chịu không ít long đong trước khi trở thành triều đại tiếp nối nhà Lý trị vì đất Việt.  Và khi đã là hoàng tộc rồi, trong nội bộ nhà Trần cũng liên tiếp xuất hiện những mâu thuẫn lắm khi cực kỳ gay gắt. Thế nhưng, chính nhờ biết cách vượt lên trên hiềm khích và mâu thuẫn để “kết đoàn lại chúng ta là sức mạnh” mà nhà Trần đã trở thành một trong những triều đại lập được nhiều chiến công hiển hách nhất trong lịch sử nước ta.

Không cố chấp

Ngay trong triều đại đầu tiên của nhà Trần đã xảy ra một chuyện tày đình khiến vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) và người anh ruột Trần Liễu bỗng dưng phải ở vào thế rất khó nhìn mặt nhau. Số là, Trần Liễu vốn lấy vợ là công chúa Thuận Thiên (tên húy là Oanh), con gái cả của vua Lý Huệ Tông với hoàng hậu Trần Thị Dung (bà Trần Thị Dung cũng là cô ruột của Trần Liễu). Hai người đã có một người con trai tên là Trần Doãn, không rõ năm sinh (Trần Liễu còn là cha của Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung, sinh năm 1230; Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1232; Trần Thị Thiều, tức Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, vợ vua Trần Thánh Tông, mẹ đẻ vua Trần Nhân Tông).

Tới năm 1237, Thuận Thiên lại có mang một người con trai. Trong khi đó, Hoàng hậu Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng), vợ vua Trần Thái Tông, sau khi sinh được một con là hoàng tử Trần Trịnh (chết yểu năm 1233), gần 10 năm sau mà mãi vẫn không thể hoài thai lại được. Để bảo vệ quyền lợi của dòng họ, Thái sư Trần Thủ Độ cùng công chúa Thiên Cực (vốn là Hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông nhưng năm 1226 đã bị giáng xuống gả cho Trần Thủ Độ) đã bàn tính với nhau buộc Trần Liễu phải để cho Thuận Thiên (lúc này đang có mang ba tháng) trở thành Hoàng hậu, thay cho Chiêu Thánh bị giáng xuống làm công chúa. 

Tức giận vì bị mất vợ cho chính người em ruột, Trần Liễu đã dấy binh ra sông Cái làm loạn. Bản thân nhà vua cũng cảm thấy rất áy náy trong lòng, nhưng đã ngồi ngôi cao thì phải coi việc nước lớn hơn việc nhà. Dẫu vậy, vua Trần Thái Tông vẫn rất xót anh trai. Chính vì thế nên hai tuần sau đó, khi tự lượng sức mình đem trứng chọi với đá, Trần Liễu đã bí mật đi thuyền độc mộc giả làm người đánh cá tìm tới chỗ nhà vua xin “chín bỏ làm mười”, vua Trần Thái Tông đã rưng rưng nước mắt nhìn anh. Thậm chí ngay cả khi ông chú họ nghiêm khắc tới tàn nhẫn Trần Thủ Độ (cha Trần Thủ Độ là ông Trần Hoằng Nghi, là em ruột ông Trần Lý, mà ông Trần Lý lại là cha ông Trần Thừa, và ông Trần Thừa là cha của Trần Liễu và Trần Cảnh) khi hay tin hầm hầm xông tới rút gươm đòi chém Trần Liễu, vua Trần Thái Tông đã lấy thân mình ra che cho anh và tìm cách hòa giải… Rồi nhà vua còn cho anh mình lấy các vùng Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang (nay thuộc hai huyện Đông Triều và Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh) làm đất thang mộc. Trần Liễu về sau có tên hiệu Yên Sinh vương là nhờ thế.

Tất nhiên, Trần Liễu không bao giờ nguôi ngoai nỗi đau bị mất vợ cho chính người em trai, nhưng ít ra, ông đã không làm điều gì náo động thêm để ảnh hưởng xấu tới việc triều chính. Về sau, ông chỉ âm thầm thổ lộ tâm sự của mình với người con trai mà ông cho là tài ba lỗi lạc nhất của mình là Trần Quốc Tuấn.

Biết phận, không ham ngôi báu

Trở thành vợ của người em ruột chồng cũ chỉ dăm sáu tháng, cuối năm 1237, hoàng hậu Thuận Thiên đã sinh ra Trần Quốc Khang và người này được coi như là con trưởng của vua Trần Thái Tông. Tháng 9/1240, Hoàng hậu Thuận Thiên lại sinh hạ một người con trai khác với chính nhà vua là Trần Hoảng và tiếp theo, tháng 10/1281, sinh hạ Trần Quang Khải. 

Tiếng là con trưởng nhưng Trần Quốc Khang đã không được trở thành thái tử. Ngôi vị này đã được dành cho người con trai thực sự của hoàng hậu Thuận Thiên và vua Trần Thái Tông là Trần Hoảng. Năm 1258, vua Trần Thái Tông đã nhường ngôi cho thái tử Trần Hoảng, lúc này đã 18 tuổi, tức vua Trần Thánh Tông, còn mình lên làm Thái Thượng hoàng.

Sách sử chép rằng, Trần Quốc Khang trong hoàn cảnh đó đã rất hiểu đời và thời thế nên luôn cảm thấy thoải mái trong mọi mối quan hệ. Nếp sống trong gia tộc nhà Trần thời đó khá hồn nhiên và gần gũi. Quốc Khang thường cùng vua em đùa chơi ngay cả trước mặt Thượng hoàng. "Đại Việt sử ký toàn thư" kể, một lần, mùa đông tháng 10/1268, khi Thượng hoàng đang mặc áo bông trắng, Quốc Khang múa kiểu người Hồ rất duyên nên được cha cởi áo đó ban cho. Vua em thấy anh được áo cũng nhảy ra múa kiểu người Hồ để vòi Thượng hoàng “chia cho đều, kêu cho sòng”. 

Thấy vậy, Quốc Khang bèn nói: "Quý nhất là ngôi vua, tôi đã không tranh với chú hai rồi, nay đức chí tôn cho tôi thứ nhỏ mọn này mà chú hai cũng muốn cướp sao?". Thượng hoàng nghe vậy cả cười, khen Quốc Khang coi ngôi vua cũng chỉ ngang bằng tấm áo xoàng mà thôi…

Hiểu rõ năng lực và hoàn cảnh riêng của mình, nên Trần Quốc Khang không bao giờ khác ý với vua Trần Thánh Tông, mặc dù người cha thực của ông (Trần Liễu) cho tới phút lâm chung vẫn đau đáu một niềm phục hận. Vua Trần Thánh Tông cũng đánh giá rất cao thiện ý của ông anh thực chất chỉ cùng mẹ nhưng khác cha này và đã đối xử với Trần Quốc Khang một cách hậu hĩnh, dù biết rằng ông không phải là người có tài kinh bang gì nhiều lắm. Tháng 9/1269, Trần Quốc Khang được phong làm Vọng Giang Phiêu kỵ đô thượng tướng quân. Tháng 3/1270, ông được cử đi giữ việc cai trị Diễn Châu. Nghe nói, tại đó ông đã cưới một bà vợ lẽ rất đẹp. Ông mất năm 1300.

Anh em đồng chịu

Cũng phải nói rằng, dưới thời vua Trần Thánh Tông, các quan hệ trong nội tộc nhà Trần càng được chú trọng trên nguyên tắc tình anh em là trên hết. "Đại Việt sử ký toàn thư" đã chép, năm 1268, nhà vua đã nói với các tôn thất: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người được tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu, để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc”.

Và vua Trần Thánh Tông đã xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong triều để cùng nhau ăn uống một cách thân thiết với vua. Nếu hôm nay ăn xong mà trời tối rồi thì vua tôi “cùng xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Chính cách cư xử như thế đã giúp cho hoàng thân quốc thích nhà Trần “không ai là không hòa thuận, kính sợ và cũng không ai phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng” (Đại Việt sử ký toàn thư), dù có chuyện gì đi chăng nữa vẫn duy trì được các mối quan hệ anh em, cha con, họ mạc hòa thuận, chân tình. Mối thâm tình đó rất hữu ích khi xã tắc lâm nguy “ba phen chồn ngựa đá”.

Trên hết là xã tắc

Tháng 4/1251, Yên Sinh vương Trần Liễu qua đời ở tuổi 41. Khi hấp hối, ông đã dặn người con trai Trần Quốc Tuấn mà ông rất kỳ vọng và đã dày công tìm người hiền tài về dạy dỗ: “Con không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được!”. Nghe thì nghe vậy, nhưng trong sâu thẳm tâm can, Trần Quốc Tuấn lại không cho rằng đấy là việc làm đúng đắn. Đối với thiên tài lỗi lạc này, sự ổn định và phát triển của xã tắc phải là trên hết, mọi tính toán cá nhân không bao giờ được làm mờ đi cái đích chí tôn cao cả đó.

Chính vì thế nên ông rất lấy làm tâm đắc với lời của hai gia nô thân tín là Dã Tượng và Yết Kiêu, khi ông nói lại với họ lời cha trăng trối và hỏi xem có nên thừa lúc mình đang quyền cao chức trọng mà thu lấy ngôi vua vào tay mình hay không. Hai người này tâu: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời, nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu!”. 

Ông cũng đã khen ngợi người con cả Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn đã nói được câu nghĩa khí: “Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ” khi ông ướm lời giả vờ hỏi: “Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?”. Ông đã nổi giận khi nghe người con thứ là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng thốt ra lời rằng: “Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ” khi ông cũng đặt ra câu hỏi tương tự. Thậm chí ông còn mắng: “Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra” và định xuống tay với Quốc Tảng. Chỉ khi Hưng Vũ vương chạy tới khóc xin chịu tội thay em, Trần Quốc Tuấn mới tha nhưng vẫn dặn: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng!”.

Cũng chính vì biết tấm lòng trung trinh với nước, với quan gia của Hưng Đạo vương nên vua Trần Nhân Tông đã rất tin cậy ở Trần Quốc Tuấn. Tháng 10/1283, trong cuộc tập trận thủy bộ lớn để chuẩn bị kháng chiến chống quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã phong Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết chế thống lĩnh quân đội toàn quốc, quyền hành nghiêng thiên hạ. Và càng ở vị trí cao, Trần Quốc Tuấn càng tỉnh táo trong hành xử để không làm nảy sinh những hiềm nghi không đáng có trong hoàng tộc. 

Năm 1285, khi cuộc chiến đấu với kẻ thù hùng mạnh và đông đảo tới từ phương Bắc đang trong giai đoạn khó khăn nhất, gặp lúc ta yếu thế, Trần Quốc Tuấn phải xa giá nhà vua phiêu dạt trên sông, tới dòng Ba Chẽ, Quảng Ninh hiện nay. Lúc ấy chạy theo vua trong cảnh binh đao, tay ông có chống chiếc gậy có bịt sắt. Một số người thân cận ở bên vua thấy vậy có vẻ nghi hoặc và gườm gườm nhìn vào ông. Thế là Trần Quốc Tuấn đã rút ngay cái đầu sắt nhọn ném đi, chỉ còn lại cây gậy gỗ không để chống mà đi…  Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" có ghi rằng, những chuyện đại loại như thế còn nhiều…

Sử gia Ngô Sỹ Liên, người sống ở thế kỷ XV, về sau bình: “Bậc đại thần ở vào hoàn cảnh bị hiềm nghi nguy hiểm, tất phải thành thực tin nhau, sáng suốt khéo xử như hào cửu tứ của quẻ Tùy thì mới có thể giữ tròn danh dự, làm nên sự nghiệp. Nếu không thế thì nhất định sẽ mang tai họa…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sẽ có 60 chiến thuyền tái hiện màn hội quân của Hưng Đạo Đại Vương
Sẽ có 60 chiến thuyền tái hiện màn hội quân của Hưng Đạo Đại Vương

VOV.VN -Công tác chuẩn bị cho Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2019 (diễn ra từ ngày 8 đến 18/9, tức ngày 10-20/8 âm lịch) đã cơ bản hoàn tất. 

Sẽ có 60 chiến thuyền tái hiện màn hội quân của Hưng Đạo Đại Vương

Sẽ có 60 chiến thuyền tái hiện màn hội quân của Hưng Đạo Đại Vương

VOV.VN -Công tác chuẩn bị cho Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2019 (diễn ra từ ngày 8 đến 18/9, tức ngày 10-20/8 âm lịch) đã cơ bản hoàn tất. 

Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

VOV.VN - Tư tưởng giữ nước “lấy dân làm gốc” cùng những tri thức quân sự, cách dùng người và lòng trung quân ái quốc của Hưng Đạo Vương vẫn là bài học sâu sắc.

Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

VOV.VN - Tư tưởng giữ nước “lấy dân làm gốc” cùng những tri thức quân sự, cách dùng người và lòng trung quân ái quốc của Hưng Đạo Vương vẫn là bài học sâu sắc.

Lãnh đạo TPHCM dâng cúng bánh tét lên Quốc tổ Hùng Vương
Lãnh đạo TPHCM dâng cúng bánh tét lên Quốc tổ Hùng Vương

VOV.VN -Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng dẫn đầu đoàn lãnh đạo thành phố thực hiện nghi lễ dâng cúng bánh Tét lên Quốc tổ Hùng Vương.

Lãnh đạo TPHCM dâng cúng bánh tét lên Quốc tổ Hùng Vương

Lãnh đạo TPHCM dâng cúng bánh tét lên Quốc tổ Hùng Vương

VOV.VN -Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng dẫn đầu đoàn lãnh đạo thành phố thực hiện nghi lễ dâng cúng bánh Tét lên Quốc tổ Hùng Vương.