Khai hội chùa Vĩnh Nghiêm năm 2023

VOV.VN - Lễ hội Chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức từ ngày 12 đến 14/2 âm lịch hàng năm với những nét độc đáo thể hiện ở cả phần lễ và phần hội.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 3–5/3/2023 (tức ngày 12 – 14/2 năm Quý Mão). Việc tổ chức lễ hội nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo của di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm. 

Đây là dịp để người dân cả nước nói chung và tỉnh Bắc Giang, huyện Yên Dũng nói riêng về chiêm bái, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di tích, di sản và nâng cao ý thức làm du lịch của nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của Huyện ủy, UBND huyện về phát triển du lịch.

Lễ khai hội sẽ diễn ra vào sáng ngày 3/3 với các hoạt động chính như: Rước lễ vật theo nghi lễ nhà chùa (lễ rước ba La), dâng hương Tam bảo, chương trình nghệ thuật chào mừng… Trong những ngày tiếp theo sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc gồm: Tổ chức giải Vật dân tộc cấp tỉnh; tổ chức giải Kéo co cấp huyện; tổ chức các trò chơi dân gian (đánh đu, bịt mắt đập niêu, đi cầu cần...); tổ chức chương trình văn nghệ đặc sắc gắn với chùa Vĩnh Nghiêm.

Theo Ban tổ chức lễ hội, dự kiến Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm năm 2023 sẽ đón khoảng 150.000 lượt du khách. Để đảm bảo công tác tổ chức lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, khơi dậy truyền thống và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của nhân dân trong huyện, Ban tổ chức đã có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, tổ chức tuyên truyền rộng rãi trước, trong và sau lễ hội.

Bên cạnh đó, huyện Yên Dũng cũng chủ động kết nối, phối hợp với chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên) và Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (huyện Sơn Động) để tạo thành vòng tròn kết nối du lịch tâm linh cho các du khách khi đến với Bắc Giang.

Chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Đặc biệt, chùa lưu giữ được kho Mộc bản kinh Phật với 3.050 bản khắc ván chữ Hán được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên