Khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8
VOV.VN - Lúc 20h tối 10/3, tại Quảng trường 10/3, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2023.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk qua các thời kỳ, đại diện các đơn vị sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê trong nước và quốc tế cùng đông đảo đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh tham dự.
Sau 2 năm gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, năm nay, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức trở lại, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và du khách.
Ông Y Hoàng Anh Ayun, một người dân đến từ huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “So với các lần trước thì tôi thấy lễ hội năm nay tổ chức hoành tráng hơn, lượng khách thu hút về Đắk Lắk cũng đông, hứa hẹn một mùa lễ hội thành công. Là một người dân tại địa phương tôi mong muốn mình quảng bá được những nét đẹp của Đắk Lắk; thứ 2 nông sản của mình sẽ được nhiều người biết đến hơn, từ đó nâng được giá thành qua đó sẽ nâng mức sống của người dân được tốt hơn”.
Với chủ đề “ Buôn Ma Thuột – điểm đến của cà phê thế giới”, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 tiếp tục khẳng định và nâng tầm vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Đặc biệt, điểm nổi bật của Lễ hội lần này là chú trọng quảng bá phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam, đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Theo ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, sau 48 năm giải phóng, diện tích cà phê của Đắk Lắk đã ổn định ở mức trên 210 nghìn hec ta, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520 nghìn tấn, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê toàn quốc. Cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Riêng năm 2022, cà phê Đắk Lắk đã đóng góp phần lớn vào sản lượng 1,7 triệu tấn và doanh thu đạt hơn 4 tỷ Đô la xuất khẩu cà phê của cả nước.
“Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với nhiều kỳ vọng mới là niền tin cũng là khát vọng quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk phát huy tiềm năng nội lực, đặc biệt là tiếp nối thành công chú trọng phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản với quyết tâm đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới”, ông Phạm Ngọc Nghị cho biết.
Tại lễ khai mạc, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao những đóng góp của ngành cà phê vào sự phát triển kinh tế đất nước. Phó thủ tướng cũng ghi nhận những cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk trong xây dựng kinh tế, phát triển một ngành cà phê bền vững, góp phần tạo nên vị thế lớn của ngành cà phê Việt Nam hiện nay.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp và ngành cà phê thực hiện hiệu quả tái canh cà phê và hướng tới sản xuất quy mô lớn, tạo cơ chế chính sách cho người trồng cà phê, sản xuất chế biến cà phê, chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra những sản phẩm cà phê chất lượng, cạnh tranh lành mạnh với thị trường cà phê thế giới. Đặc biệt đưa ứng dụng công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa.
“Phải xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình. Chú trọng xúc tiến, hình thành được các mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê; phát triển thương mại điện tử, đa dạng kênh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kết nối giữa người sản xuất với thị trường tiêu dùng. Đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam với hương vị đặc biệt, đặc thù được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần này, tỉnh Đắk Lắk đón tiếp nhiều du khách trong nước và quốc tế, các vị lãnh đạo các bộ ngành, các lĩnh vực. Điều này càng khẳng định thêm vị thế của Đắk Lắk, vùng đất có lịch sử, văn hoá và địa chất từ rất lâu đời. Buôn Ma Thuột ngày nay đang khoác lên mình một diện mạo mới, vươn mình thành đô thị năng động, mang tầm vóc của đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên./.