"Không thể dựa vào dư luận để tước danh hiệu NSND,NSƯT của nghệ sĩ"

VOV.VN - Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, tước danh hiệu NSND, NSƯT là quy trình đã được quy định trong Nghị định và trong Luật. Không thể dựa vào dư luận để tước danh hiệu hay không tước danh hiệu mà phải dựa vào các quy định của luật pháp.

Mỗi đợt phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT không tránh khỏi ồn ào, “dậy sóng” dư luận khi những nghệ sĩ được công chúng yêu thích, ủng hộ nhiệt tình lại bị đánh “trượt” với nhiều lý do. Năm nay, đó là trường hợp của NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thoại Mỹ, Quốc Cơ, Quốc Nghiệp,... không có tên trong danh sách đề xuất danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước.

Phóng viên VOV.VN đã có trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về những bất cập dù không mới nhưng vẫn tồn tại trong việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ. 

PV: Sau khi Bộ Văn hoá công bố danh sách 139 hồ sơ đủ tiêu chuẩn để trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND thì dư luận lại “dậy sóng” vì một số nghệ sĩ xứng đáng nhưng bị loại khỏi danh sách. Câu chuyện này không còn mới nhưng đến bao giờ việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ mới hết ồn ào?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Việc vinh danh nghệ sĩ ở nước ta có đặc thù Việt Nam. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết “Văn hoá nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”.

Chính vì chúng ta luôn đề cao trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ nên mong muốn có hình thức vinh danh họ. Đó là lý do vì sao danh hiệu NSND, NSƯT vẫn là mong ước của rất nhiều nghệ sĩ và cũng là cách mà xã hội ghi danh những đóng góp của họ đối với sự nghiệp cách mạng, với sự phát triển của văn hoá nghệ thuật. Trải qua nhiều thời gian, có thể thấy rất nhiều văn nghệ sĩ được vinh danh và các tác phẩm của họ có những giá trị, còn mãi với thời gian.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, việc vinh danh này thường xuyên gặp vấn đề. Chính vì thế, trong hồi ký của mình, Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (lúc đó) Phạm Quang Nghị đã trăn trở: “Tôi luôn có cảm giác buồn và áy náy mỗi khi nhận được những lá đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo việc này việc kia sau mỗi lần xét tặng”, “qua các lần bình xét, trao giải, trong đội ngũ văn nghệ sĩ luôn có những ồn ào, so bì, thắc mắc? Có một điều chắc chắn, việc bình xét, dù là có các cấp hội đồng, nhưng kết quả không bao giờ cũng là khách quan, kịp thời, đúng đắn. Tốt hơn nên để cho công chúng và thời gian đánh giá, tôn vinh những giá trị trường tồn, đích thực của các tác giả và tác phẩm. Những người thực tài sẽ có thực danh”.

Vấn đề này đến từ khá nhiều lý do trong đó có các tiêu chuẩn xét tặng. Có những tiêu chuẩn rất rõ ràng nhưng có những tiêu chuẩn thì không rõ ràng như thế. Chính vì lý do đó nên có người có đầy đủ huy chương, giải thưởng nhưng vẫn không được phong tặng vì vướng những tiêu chuẩn khác. Cũng có những trường hợp nghệ sĩ có công trình rất xứng đáng nhưng xét ở phương diện giải thưởng lại không đáp ứng tiêu chuẩn,…

Chính vì điều này mà khiến cho những đợt phong tặng danh hiệu gặp rất nhiều xôn xao trong dư luận. Nhiều khi dư luận chỉ đánh giá trên tên tuổi, công trình của nghệ sĩ nhưng để được phong tặng, cần có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau, trải qua hội đồng khác nhau để có được danh hiệu. Bên cạnh đó, cũng có những vấn đề trong nội bộ các nghệ sĩ nữa khiến cho mỗi đợt phong tặng đều có những ồn ào. Có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan nữa.

Chúng ta mong muốn mỗi đợt xét tặng là cơ hội để vinh danh các nghệ sĩ có nhiều đóng góp với sự phát triển của văn hoá nghệ thuật nước nhà nhưng những lùm xùm, ồn ào khiến đây lại trở thành câu chuyện đáng buồn. Đáng buồn vì trên một tháp ngà nghệ thuật như vậy mà những tiêu cực của cuộc sống trần tục lại làm hoen ố những danh hiệu cao quý.

PV: Thực tế là có những người nghệ sĩ xứng đáng nhưng chưa được vinh danh, nhưng bên cạnh đó lại có những nghệ sĩ đã được vinh danh lại có ứng xử không phù hợp mà chưa bị tước danh hiệu. Ý kiến của ông về thực trạng này như thế nào?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Cống hiến cho nghệ thuật của các nghệ sĩ là một quá trình, chứ không phải đơn giản là một kết quả và dừng lại khi đã được vinh danh là NSƯT hay NSND. Điều chúng ta mong muốn sau khi vinh danh thì những nghệ sĩ đó sẽ trở thành tấm gương, lan toả thông điệp tích cực cho xã hội. Thông qua ghi nhận của xã hội thì trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ sẽ nặng nề hơn. Đó cũng là một trong những mục đích để vinh danh các nghệ sĩ để họ tiếp tục cố gắng là tấm gương “soi đường” cho công chúng.

Tuy nhiên cũng có những sự việc xảy ra sau khi có được danh hiệu NSND, NSƯT, một số người không giữ được thương hiệu, hình ảnh, sự cao quý từ danh hiệu đó. Điều đó có những lý do khác nhau. Lý do khách quan là trong cuộc sống xã hội thì phức tạp, ranh giới giữa nghệ sĩ và người dân bình thường nhiều khi cũng rất mong manh. Từ tác động của sự phức tạp trong thực tiễn cuộc sống khiến cho một người nghệ sĩ đôi khi cũng không giữ được mình. Họ nghĩ rằng mình là người bình thường và có quyền nói những gì mình nghĩ, có thể phát ngôn những điều mà người bình thường phát ngôn.

Chính vì lý do đó, với một bối cảnh xã hội, thông tin phát triển như ngày nay, đặc biệt là các trang mạng xã hội khiến cho ý kiến của họ dễ nhận được sự chú ý. Những phản ứng không thuận chiều, tiêu cực của họ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Hơn nữa, bản thân nhận thức của người nghệ sĩ cũng chưa đầy đủ khiến cho việc thể hiện trách nhiệm xã hội bị ảnh hưởng.

Nhiều khi họ không ý thức được vị trí, vai trò trong việc phải trở thành tấm gương tốt trong xã hội, phải định hướng và lan toả điều tích cực. Vì khi nghệ sĩ đã nhận danh hiệu cao quý thì không còn là người bình thường nữa. Lúc đó, nghệ sĩ càng phải giữ gìn uy tín của mình, đó là thương hiệu của họ. Nếu họ giữ gìn được uy tín, thương hiệu sẽ tốt không chỉ bản thân nghệ sĩ mà còn cho toàn xã hội.

Tước danh hiệu là quy trình đã được quy định trong Nghị định và trong Luật. Không thể dựa vào dư luận để tước danh hiệu hay không tước danh hiệu mà phải dựa vào các quy định của luật pháp. Khi các nghệ sĩ vi phạm các điều luật đó thì hoàn toàn có thể bị tước danh hiệu.

Trong thực tế thì dư luận xã hội lên tiếng rất nhiều nhưng ý kiến của dư luận xã hội không phải bằng chứng đủ thuyết phục về mặt pháp lý để tước những danh hiệu đó. Còn trong những trường hợp cụ thể chúng ta hoàn toàn có thể tước danh hiệu đó để trả lại uy tín cho danh hiệu NSƯT, NSND.

PV: Một số ý kiến cho rằng có được danh hiệu là sự động viên, khích lệ đối với người nghệ sĩ nhưng nếu không có được cũng không sao vì điều quan trọng là vị trí của người nghệ sĩ trong lòng công chúng. Theo ông, việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ có còn cần thiết?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho những ý kiến đó là hoàn toàn có cơ sở. Trên thực tế, chúng ta đang vận hành nền văn hoá nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường đó, quy luật cung cầu, quy luật giá trị là những quy luật cơ bản để điều tiết hoạt động của nghệ thuật biểu diễn.

Ở các nước trên thế giới cũng không có phong tặng NSND, NSƯT nữa. Điều này không có nghĩa chúng ta không cần danh hiệu này. Mỗi quốc gia khác nhau, do điều kiện hoàn cảnh khác nhau mà quan niệm về vai trò và vị trí của nghệ sĩ cũng khác nhau. Điều này chứng minh rằng thị trường có vai trò quan trọng trong việc tôn vinh nghệ sĩ. Khi nghệ sĩ đóng tốt vai trò của mình, có sản phẩm tốt thì sẽ được công chúng tôn vinh. Và đó là tôn vinh thực chất nhất như Bộ trưởng Phạm Quang Nghị đã nhận định trong hồi ký tôi nói ở trên: “Không có Hội đồng nào có thể làm được vai trò cao cả và khách quan thay cho xã hội và công chúng”.

Tuy vậy, theo ý kiến cá nhân tôi, đối với chúng ta vẫn cần danh hiệu này vì chúng ta đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm dẫn dắt đạo đức của nghệ sĩ. Chính vì lý do đó, danh hiệu NSND, NSƯT vẫn là danh hiệu có ý nghĩa đối với nghệ sĩ ở Việt Nam.

PV: Mặc dù tiêu chí xét tặng danh hiệu nghệ sĩ đã có sửa đổi nhưng vấn đề về thành tích vẫn còn đè nặng lên hồ sơ xét tặng?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đây là điều chúng ta vẫn băn khoăn với việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ. Vì rõ ràng có sự bất bình đẳng trong việc xét tặng. Một số loại hình nghệ thuật có nhiều cuộc thi, hội diễn,… tức là có nhiều cơ hội để có giải thưởng, huy chương hơn so với một số loại hình nghệ thuật khác. Trong cơ cấu các NSND, NSƯT, một số loại hình nghệ thuật có nhiều NSND, NSƯT còn một số khác thì không có nhiều như thế.

Không thể phủ nhận rằng, chúng ta đã tổ chức khá nhiều các cuộc thi, hội diễn, tạo điều kiện để các nghệ sĩ có được các giải thưởng, huy chương. Nếu các hội thi, sự kiện nghệ thuật này được tổ chức quy mô, có chất lượng, hướng đến khán giả, tôn vinh giá trị của nghệ thuật sẽ giúp cho nền nghệ thuật nước nhà phát triển.

Tuy nhiên, ngược lại, nếu những hội diễn, cuộc thi này chỉ được tổ chức ra để tạo ra những giải thưởng, huy chương phục vụ cho mục đích đạt được danh hiệu NSND, NSƯT thì nó là hệ luỵ rất nghiêm trọng đối với sự phát triển nghệ thuật. Đó là những điều cần phải bao quát, xử lý để trả lại những danh hiệu nhà nước như NSND, NSƯT đúng vị trí cao quý của nó.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao Quốc Cơ, Quốc Nghiệp chưa đạt danh hiệu NSND?
Vì sao Quốc Cơ, Quốc Nghiệp chưa đạt danh hiệu NSND?

VOV.VN - Chiều 28/7, Đại diện Bộ Văn hóa đã trả lời phỏng vấn của báo chí về việc các nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, Thoại Mỹ, Lê Thiện trượt danh hiệu NSND.

Vì sao Quốc Cơ, Quốc Nghiệp chưa đạt danh hiệu NSND?

Vì sao Quốc Cơ, Quốc Nghiệp chưa đạt danh hiệu NSND?

VOV.VN - Chiều 28/7, Đại diện Bộ Văn hóa đã trả lời phỏng vấn của báo chí về việc các nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, Thoại Mỹ, Lê Thiện trượt danh hiệu NSND.

Xuân Bắc, Chí Trung, Quốc Khánh được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND
Xuân Bắc, Chí Trung, Quốc Khánh được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND

VOV.VN - Nhiều nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng cũng có tên trong danh sách xét tặng dịp này: NSƯT Đức Trung, Trần Đức, Chí Trung, Xuân Bắc, Quốc Khánh, Quang Tèo, Mỹ Uyên, Trịnh Kim Chi…

Xuân Bắc, Chí Trung, Quốc Khánh được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND

Xuân Bắc, Chí Trung, Quốc Khánh được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND

VOV.VN - Nhiều nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng cũng có tên trong danh sách xét tặng dịp này: NSƯT Đức Trung, Trần Đức, Chí Trung, Xuân Bắc, Quốc Khánh, Quang Tèo, Mỹ Uyên, Trịnh Kim Chi…

Tranh cãi việc bỏ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhạc sĩ, phát thanh viên
Tranh cãi việc bỏ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhạc sĩ, phát thanh viên

VOV.VN - Trong dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV không còn nhạc sĩ, phát thanh viên cho danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú như quy định hiện hành.

Tranh cãi việc bỏ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhạc sĩ, phát thanh viên

Tranh cãi việc bỏ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhạc sĩ, phát thanh viên

VOV.VN - Trong dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV không còn nhạc sĩ, phát thanh viên cho danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú như quy định hiện hành.