VOV.VN - Chiều 7/12 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Kỷ niệm 55 năm Thành lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (8/12/1965 - 8/12/2020).
Tham dự buổi lễ có đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên Hiệp các hội VHNT Việt Nam, bà Trần Thị Thu Đông – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, bà Nguyễn Lan Hương – Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, NSNA Chu Chí Thành - nguyên Chủ tịch Hội khóa VI, NSNA Vũ Quốc Khánh – Nguyên Chủ tịch Hội khóa VII, VIII cùng nhiều đại biểu đến tham dự.
Buổi lễ tập hợp các bài tham luận, trao đổi của các nghệ sĩ nhiếp ảnh là những người từng là lãnh đạo cấp cao của Hội, những người hoạt động lâu năm và những người tâm huyết với nền Nhiếp ảnh Việt Nam. Những bài tham luận bao quát được hầu hết các lĩnh vực của Hội NSNA trong suốt quá trình 55 năm vừa qua, hiểu thêm được phần nào các thành tựu và mặt hạn chế của Hội qua các thời kỳ.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Thu Đông – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, "Đây là thời điểm quan trọng để đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh cả nước tự hào nhìn lại, đánh giá về chặng đường nhiếp ảnh 55 qua, chuẩn bị cho những bước đi quan trọng mới trong thời gian sắp tới. 55 năm qua là quãng thời gian để lại nhiều dấu ấn, thành quả đáng trân trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam".
Trải qua 55 năm hoạt động, với 9 kỳ đại hội, từ 71 hội viên của Đại hội I, đến nay Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã có hơn 1.000 hội viên, trải đều trên khắp 63 tỉnh, thành phố. Hội viên là anh chị em làm báo, phóng viên ảnh, người làm văn hóa ở các đơn vị nhà nước, những người kinh doanh, chụp ảnh và từ nhiều ngành nghề khác nhau ở mọi miền đất nước, yêu nghệ thuật nhiếp ảnh. Số lượng nghệ sĩ - hội viên được phát triển đông đảo khẳng định tính hấp dẫn của nghệ thuật nhiếp ảnh và thành công của việc chỉ đạo, điều hành của Hội hơn nửa thế kỷ hoạt động.
Trong giai đoạn chiến tranh, các hội viên của hội đã dấn thân vào cuộc sống sản xuất, chiến đấu của nhân dân ở mọi miền đất nước, ở hậu phương miền Bắc lẫn tiền tuyến lớn miền Nam để ghi lại những hình ảnh hào hùng, oanh liệt của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến gian khổ mà anh dũng. Nhiều bức ảnh sinh động, phản ánh trung thực đời sống chiến đấu, sản xuất của nhân dân Việt Nam là những thông tin bằng hình quan trọng, góp phần động viên đồng bào cả nước và nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm, giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Những tác phẩm giá trị của các nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp trong giai đoạn này để lại là những một bộ tư liệu ảnh quý báu, mang tính lịch sử. Tên tuổi các nghệ sĩ nhiếp ảnh đi trước đã làm rạng danh nền nhiếp ảnh Việt Nam cũng như đặt nền móng xây dựng và phát triển Hội, tạo lập vị trí, vai trò xứng đáng của Hội ở trong nước và quốc tế.
Sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng nhiếp ảnh cách mạng hai miền đã phát huy những thành tựu đạt được, hướng vào tình cảm thống nhất dân tộc, tập hợp đội ngũ, đoàn kết rộng rãi các nghệ sĩ nhiếp ảnh ở mọi vùng miền, nhất là các vùng mới giải phóng với nguyện vọng cùng nhau làm nghề và sáng tác ảnh.
Nhiều năm qua, Hội đã tổ chức đều đặn Liên hoan ảnh nghệ thuật 8 khu vực; 30 cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc và 11 cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế, định kỳ 2 năm/lần. Các sự kiện nhiếp ảnh này đã thu hút sự tham gia đông đảo giới nhiếp ảnh cả nước. Cuộc thi ảnh quốc tế đã thu hút ngày càng đông các nhà nhiếp ảnh quốc tế, sự bảo trợ nghệ thuật của các tổ chức nhiếp ảnh quốc tế. Đề tài, phương thức tổ chức luôn đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại nên tính hấp dẫn và chất lượng ngày càng cao. “Sân chơi” này khẳng định sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Nhiếp ảnh Việt Nam.
Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam còn bảo trợ nghệ thuật, phối hợp, giúp đỡ các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành, đơn vị tổ chức, cá nhân tổ chức nhiều cuộc thi và triển lãm ảnh để đẩy mạnh phong trào nhiếp ảnh trên phạm vi toàn quốc./.