Làng gốm Thanh Hà ở Hội An: Trả lương cho người giữ nghề

VOV.VN - Toàn bộ số tiền thu được từ bán vé ở làng gốm Thanh Hà được sử dụng để làm đẹp cảnh quan làng gốm, tôn tạo bờ kè và chi trả lương cho người làm gốm.

Đô thị cổ Hội An không chỉ quyến rũ du khách bởi những khu phố mang đậm chất Á đông mà còn bởi những làng nghề truyền thống. Trong hành trình thăm di sản Hội An, nhất định du khách phải ghé thăm làng gốm cổ Thanh Hà nằm bên dòng Thu Bồn thơ mộng (cách phố cổ Hội An khoảng 3 km). Làng gốm Thanh Hà có hơn 500 năm hình thành và phát triển. Gốm Thanh Hà đẹp bởi chính tâm hồn của con người và vùng đất nơi đây.

Gốm Thanh Hà đang sống lại và chuyển mình mạnh mẽ

Thật khó hình dung, hiếm có một làng gốm cổ nào lại có không khí tấp nập như làng gốm Thanh Hà. Từng đoàn du khách, nhất là khách Hàn Quốc xuôi ngược trong những con ngõ nhỏ. Không chỉ được hoà mình trong không gian làng quê mộc mạc, thanh bình, họ còn được trải nghiệm khi tự tay làm ra những sản phẩm gốm độc đáo, hay thích thú lựa chọn những món quà lưu niệm cho người thân và bạn bè.

Đồ gốm Thanh Hà đặc biệt bởi được làm từ loại đất sét màu nâu, đặc, dẻo và có độ kết dính cao. Nét độc đáo của gốm Thanh Hà là đất màu vàng, nung lên màu đỏ, giữ được độ ẩm rất tốt. Hoa cắm trong bình gốm Thanh Hà có thể tươi trong 1 tuần lễ. Nấu cơm, kho cá bằng nồi gốm Thanh Hà cũng rất ngon.

Tuy nhiên, trong dòng chảy của cuộc sống cùng những tiện nghi hiện đại, những mặt hàng làm từ gốm thường kén khách tiêu dùng. Nhiều làng gốm cổ đứng trước nguy cơ mai một. Làng gốm Thanh Hà cũng vậy. Có những thời kỳ tưởng chừng như nghề gốm nơi đây rơi vào quên lãng, nhưng những nghệ nhân trong làng vẫn quyết tâm gìn giữ nét đẹp cũng như hồn cốt của một làng nghề truyền thống. Và những nỗ lực đó đã được đền đáp khi nơi đây trở thành điểm kết nối du lịch không thể thiếu trong hành trình thăm đô thị cổ Hội An, đặc biệt từ sau khi Hội An được công nhận là “di sản văn hóa thế giới”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng- thành viên Ban Quản lý làng gốm Thanh Hà cho biết: Sau dịch Covid, lượng khách du lịch  quay trở lại làng gốm rất đông. Trung bình mỗi ngày, làng gốm Thanh Hà đón khoảng 1.500 du khách với giá vé 35.000đ/người. Khách du lịch đến làng gốm cổ rồi từ đây đi thuyền trên sông Thu Bồn đến Hội An, vui chơi trong đêm ở phố cổ.

“3 điểm đến được du khách ưa chuộng nhất ở Hội An là khu phố cổ, làng gốm Thanh Hà và trải nghiệm lắc thúng chai tại rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh” – ông Hùng cho hay.

Giai đoạn khó khăn nhất, làng gốm Thanh Hà chỉ còn lại đúng 8 hộ gia đình còn theo nghề gốm. Gần như các lò gốm đều đã tắt lửa. Nhiều người làm gốm bỏ nghề đi nơi khác tìm kế sinh nhai.

Khoảng 10 năm trở lại đây, du lịch Hội An bùng nổ kéo theo lượng khách khắp thế giới đổ về. Làng gốm đã thật sự hồi sinh và vươn lên mạnh mẽ.  

Trả lương cho những người giữ nghề

Nhà bà Nguyễn Thị Vân- khối Nam Diêu, phường Thanh Hà có 5 đời làm nghề gốm. Bà nội bà Vân nghệ nhân nổi tiếng Nguyễn Thị Được. Cũng như nhiều gia đình khác trong làng, cả gia đình gần 10 người nhà bà Vân sống bằng nghề gốm. Gian hàng gốm nhà bà cho khách được trải nghiệm và bán nhiều sản phẩm gốm đẹp mắt. Bà Vân và con gái biểu diễn làm gốm, chồng bà đon đả mời khách mua hàng. Chồng bà Vân có thể sử dụng 5-6 ngoại ngữ để mời khách như tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc… Mỗi thứ tiếng biết một chút, đủ để giao tiếp bán hàng.

“Nói chung, cả làng sống bằng nghề gốm và có mức thu nhập khá. Vừa bán cho khách du lịch, vừa có lương của nhà nước hỗ trợ. Nhà nước dựa trên doanh thu bán vé, trích lại cho người dân, giúp chúng tôi có cuộc sống ổn định. Như nhà tôi thì mình tôi được hưởng mức lương đó bởi tôi biết làm gốm từ bé. Nhưng cũng có gia đình, 4 người được hưởng lương. Thật sự đây là một chính sách rất hay, giúp chúng tôi phát triển nghề và phát triển du lịch”- bà Vân cho hay.

Ông Lê Hương, 65 tuổi là một thợ lành nghề. Công việc của ông là nhồi đất, phơi gốm và đưa gốm vào lò. Ông làm thuê cho lò gốm. Nếu làm đủ công thì được 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Hương cũng được hưởng lương 3 triệu/tháng để giữ nghề.  

Làng gốm Thanh Hà bắt đầu thu tiền khách tham quan cách đây 10 năm. Toàn bộ số tiền thu được từ bán vé được sử dụng để làm đẹp cảnh quan làng gốm, tôn tạo bờ kè và chi trả lương cho người làm gốm.

“Mức chi trả tùy theo số lượng vé bán ra, tháng cao thì được 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Thấp thì gần 3 triệu đồng/người. Đối tượng được hưởng lương là những người tham gia làm gốm. Hiện có 60 người trong làng gốm Thanh Hà được hưởng mức lương này, là những người trực tiếp làm gốm” - ông Nguyễn Thanh Hùng- thành viên Ban Quản lý làng gốm Thanh Hà cho hay.

Cũng theo ông Hùng, người dân có cửa hàng gốm thì vừa trình diễn nghề gốm, vừa bán sản phẩm cho khách và Nhà nước miễn thuế cho dân. Tuy nhiên, người bán tuyệt đối không được bán với giá cao vì Ban quản lý sẽ theo dõi, giám sát.

Nghệ nhân Nguyễn Lành, người chứng kiến số phận thăng trầm của làng gốm Thanh Hà cho hay, chính ông cũng nhiều lần muốn bỏ nghề bởi trong cuộc sống hiện đại, người ta không muốn sử dụng những đồ gia dụng bằng gốm.

“Rất may, từ khi đón khách du lịch, làng gốm giống như một ngọn lửa nhen nhóm và bắt đầu sáng lên. Người dân làng gốm làm ra nhiều sản phẩm để phục vụ khách du lịch, chủ yếu là các sản phẩm nhỏ gọn để khách có thể mua làm quà”- nghệ nhân Nguyễn Lành chia sẻ.

Trên dải đất hình chữ S, không ít làng gốm cổ đã và đang trăn trở tìm hướng đi. Có làng gốm đứng trước nguy cơ thất truyền, cần bảo vệ khẩn cấp. Có làng gốm chuyển đổi sang các sản phẩm sành sứ tinh sảo, hoa văn đẹp mắt để thích nghi với đời sống hiện đại. Với gốm Thanh Hà, với việc gắn kết du lịch với làng nghề, người dân đã thật sự yên tâm giữ nghề ngay chính trên mảnh đất quê hương./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phát triển du lịch cộng đồng với di sản gốm Bàu Trúc
Phát triển du lịch cộng đồng với di sản gốm Bàu Trúc

VOV.VN - Nghệ thuật làm gốm Chăm đón nhận bằng ghi danh của UNESCO là "Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp" trong dịp Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận 2023. Việc đón nhận danh hiệu này cũng đặt ra trách nhiệm không nhỏ đối với các cấp chính quyền và bà con dân tộc Chăm, nhất là ở hai làng nghề gốm nổi tiếng là Bàu Trúc (Ninh Thuận) và Bình Đức (Bình Thuận). 

Phát triển du lịch cộng đồng với di sản gốm Bàu Trúc

Phát triển du lịch cộng đồng với di sản gốm Bàu Trúc

VOV.VN - Nghệ thuật làm gốm Chăm đón nhận bằng ghi danh của UNESCO là "Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp" trong dịp Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận 2023. Việc đón nhận danh hiệu này cũng đặt ra trách nhiệm không nhỏ đối với các cấp chính quyền và bà con dân tộc Chăm, nhất là ở hai làng nghề gốm nổi tiếng là Bàu Trúc (Ninh Thuận) và Bình Đức (Bình Thuận). 

Bảo vệ khẩn cấp di sản gốm Chăm Bàu Trúc: Bây giờ hay bao giờ?
Bảo vệ khẩn cấp di sản gốm Chăm Bàu Trúc: Bây giờ hay bao giờ?

VOV.VN - Làng gốm Bàu Trúc nếu không được bảo vệ thì chắc chắn sẽ mai một trong tương lai bởi đây là di sản văn hóa phi vật thể độc nhất vô nhị, có một không hai trên thế giới.

Bảo vệ khẩn cấp di sản gốm Chăm Bàu Trúc: Bây giờ hay bao giờ?

Bảo vệ khẩn cấp di sản gốm Chăm Bàu Trúc: Bây giờ hay bao giờ?

VOV.VN - Làng gốm Bàu Trúc nếu không được bảo vệ thì chắc chắn sẽ mai một trong tương lai bởi đây là di sản văn hóa phi vật thể độc nhất vô nhị, có một không hai trên thế giới.

Tận mắt xem làm gốm Bàu Trúc thủ công truyền thống
Tận mắt xem làm gốm Bàu Trúc thủ công truyền thống

VOV.VN - Nghệ nhân của làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) chia sẻ: Nếu làm gốm Bát Tràng là xoay bằng máy thì gốm Bàu Trúc lại phải "xoay mông".

Tận mắt xem làm gốm Bàu Trúc thủ công truyền thống

Tận mắt xem làm gốm Bàu Trúc thủ công truyền thống

VOV.VN - Nghệ nhân của làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) chia sẻ: Nếu làm gốm Bát Tràng là xoay bằng máy thì gốm Bàu Trúc lại phải "xoay mông".