VĂN HÓA Thứ Sáu, 07:39, 01/07/2022 Lễ cấp sắc của người Sán Chỉ ở Cao Bằng VOV.VN - Người Sán Chỉ sống chủ yếu tại các huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc của tỉnh Cao Bằng. Đồng bào vẫn giữ được nếp sống nhà sàn cùng những nét văn hóa truyền thống về trang phục, ngôn ngữ và phong tục tập quán độc đáo... Trong đó, Lễ Cấp sắc là một nghi lễ không thể thiếu trong cuộc đời người con trai Sán Chỉ với mục đích được công nhận sự trưởng thành và có tên âm khi về với ông bà tổ tiên ở thế giới bên kia. Người Sán Chỉ tổ chức nghi lễ Cấp sắc tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình và thường vào các năm tròn tuổi của người được Cấp Sắc và theo thứ bậc trong gia đình. Lễ Cấp Sắc cũng thường được tổ chức vào tháng 2 và 9 âm lịch. Theo quan niệm của người Sán Chỉ thì chỉ những người đã qua Lễ Cấp Sắc mới được coi là trưởng thành. Trong ảnh: Chàng trai Hoàng Văn Lập (16 tuổi, trú tại bản Nà Sài, xã Thái Học, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) hồi hộp khi chuẩn bị được làm lễ Cấp Sắc. Người dân trong bản đến giúp gia chủ làm đàn lễ. Gia đình người được thụ lễ cũng nhờ thầy mo chọn ngày đẹp giờ lành, hợp tuổi với con trai mình. Việc mời thầy cần ít nhất 7 ngày trước khi làm lễ để Thầy mo tìm chọn người giúp việc, xem xét đồ lễ, việc trang trí, chuẩn bị viết sớ, treo tranh thờ,… Mở đầu Lễ Cấp sắc là phần lễ trình diện. Theo phong tục của người Sán Chỉ, khi làm lễ các thầy mo và gia chủ phải ăn chay, không được sát sinh. Riêng chàng trai được làm lễ phải ở một mình trên gác, ăn kiêng trong vòng 10 ngày trước khi làm lễ và 21 ngày sau khi làm lễ xong. Trong những ngày này người thụ lễ không được sát sinh, không được làm điều ác, không nói dối... Lễ cấp sắc khéo dài khoảng 3 ngày đêm với khoảng 20 lễ lớn nhỏ như dựng đàn vũ đài, bày bàn thờ trong nhà, trình diện, lên đèn, hạ đèn, giao âm binh, lễ đặt tên âm, lễ thăm Thiên đình và lễ trình diện Ngọc Hoàng…. Lễ đội mũ áo... Lễ lên đèn... ...cùng nhiều lễ khác Các bài khấn của thầy mo được ghi trong những cuốn sách cổ. Làm lễ trong nhà xong, các thầy cầm hương trình lên đàn lễ, xin cho người thụ lễ ra ngoài Đàn để thực hiện lễ giáng sinh. Đàn lễ cao khoảng 2m ngoài bãi đất trống do các thanh niên trong bản dựng từ trước. Lễ Giáng sinh là một trong những lễ quan trọng và đặc sắc. Người được thụ lễ từ trên đàn tràng thả mình rơi xuống lớp chăm đêm dày phía dưới. Sau lễ Giáng sinh người thụ lễ mới được ăn. Lần lượt mọi người sẽ đến bón cơm và nước. Sau khi thực hiện Lễ Giáng sinh, thầy mo tiếp tục thực hiện các nghi lễ trong nhà như Lễ Cấp ấn, Cấp binh quyền. Đối với người đã lập gia đình sẽ có thêm Lễ Tơ hồng. Các lễ như đặt tên âm, lễ thăm Thiên đình và lễ trình diện Ngọc Hoàng… cũng được thực hiện. Thầy mo thay gia chủ trình báo, đồng thời cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu bình yên, mạnh khỏe. Với người Sán Chỉ, Lễ cấp sắc là sự trình báo cho tổ tiên biết một thành viên của dòng họ đã trưởng thành và có nghĩa vụ nối dõi, làm tròn bổn phận của mình. Cuối cùng là lễ hóa tiền ma. Sau đó, người thụ lễ được công nhận trưởng thành. Kết thúc phần lễ là hội múa mặt nạ gỗ và mở tiệc khao làng của gia chủ. Đây là một nghi thức độc đáo thể hiện cuộc sống cộng đồng đoàn kết của người Sán Chỉ./. CTV Mac Kham/VOV.VN