Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật 50 năm sau ngày đất nước thống nhất
VOV.VN - Ngày 12/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc "Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển".
Vẫn chưa xứng tầm vị thế
Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển, đồng thời cũng mở ra cho văn hóa, văn nghệ nước nhà một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển và từng bước hoàn thiện theo xu hướng hoà hợp dân tộc, chủ nghĩa xã hội.
50 năm cũng là khoảng thời gian cho phép chúng ta nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về những ưu điểm, kết quả, thành tựu và những hạn chế, bất cập, non kém của đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà, trong đó có công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
"Tổ chức cuộc Hội thảo khoa học tầm vóc quốc gia, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương mong muốn huy động được tâm sức, trí tuệ, trách nhiệm và sự đóng góp của giới nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn nghệ nhằm bổ sung hệ thống luận cứ khoa học và thực tiễn, từ đó, tư vấn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà; phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn" - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, phê bình văn học, nghệ thuật đã góp phần phát hiện, giới thiệu với công chúng nhiều tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật hay; phát hiện cái hay, cái đẹp về nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật; hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật; tạo cầu nối giữa văn nghệ sĩ với công chúng; động viên, khích lệ những tìm tòi, sáng tạo.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Xuân Thắng, trong thời gian qua, đời sống văn nghệ vẫn chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao còn khiêm tốn; lý luận, phê bình văn học nghệ thuật chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng của đời sống tinh thần và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Những hạn chế, bất cập này cần được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, hiệu quả để khắc phục, điều chỉnh kịp thời.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thời kỳ mới
Hội thảo đã nhận được 103 tham luận của các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ; các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật công tác ở các cơ quan trung ương, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu; các chuyên gia, văn nghệ sĩ, có cả chuyên gia nước ngoài. Hầu hết các tham luận đều phân tích những ưu điểm, thành tựu; chỉ rõ những hạn chế, bất cập của văn hóa, văn nghệ nước ta, trong đó có lĩnh vực lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất và đề xuất định hướng, giải pháp xây dựng, phát triển.
Tham luận tại Hội thảo, TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng hiện nay, văn học nghệ thuật phát triển theo hướng đa phương tiện nên hoạt động lý luận, phê bình cũng cần tiến tới mở rộng, nhiều góc nhìn, nhiều cách tiếp cận để truyền bá giá trị, quan điểm định hướng giá trị thẩm mỹ đến công chúng.
Đánh giá riêng ở lĩnh vực điện ảnh TS Ngô Phương Lan cho biết: "Nếu không có các tác phẩm có sức nặng, công việc lý luận phê bình cũng sẽ bị hạn chế. Các tác phẩm ra rạp mùa lễ Tết chỉ chiếu một thời gian ngắn rồi rút khỏi rạp, không để lại nhiều giá trị. Chúng ta cần chia rõ, có các tiêu chí để phân biệt các dòng sản phẩm, đâu là các tác phẩm thương mại, tác phẩm nghệ thuật, hay tác phẩm nhà nước đặt hàng".
Ở lĩnh vực sân khấu, theo NSND Lê Tiến Thọ, công tác lý luận, phê bình dường như đang đứng ngoài cuộc, có rất ít các bài viết đánh giá chất lượng các liên hoan, cuộc thi sân khấu, rất ít ý kiến nhận xét về chất lượng giải thưởng, chất lượng công tác tổ chức, thành phần ban giám khảo… Bên cạnh đó là thực trạng những người có kinh nghiệm được đào tạo tại các nước có nền văn học nghệ thuật phát triển đã cao tuổi, lớp trẻ không sống được bằng nghề nên thiếu vắng, khiến cho đội ngũ những nhà phê bình sân khấu trong những năm gần đây "mỏng".
Để giải quyết vấn đề này, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, cần phải xác định rõ vai trò quan trọng của lý luận phê bình trong đời sống văn học nghệ thuật, có đề án quy hoạch và phát triển công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật để có cơ sở đào tạo đội ngũ lý luận phê bình có đủ trình độ năng lực gánh vác trọng trách nặng nề; có chính sách đầu tư, chế độ nhuận bút, giải thưởng cho tác phẩm, công trình chất lượng...
Trong lĩnh vực âm nhạc, theo nhạc sĩ Trần Lệ Chiến tính phản biện giữa các nhà lý luận, phê bình âm nhạc thông qua các công trình, các bài nghiên cứu dường như còn vắng bóng, nếu không muốn nói là thiếu tính phản biện trong phê bình âm nhạc. Điều đó cũng làm giảm đi tính cấp tiến trong công tác lý luận, phê bình, không theo kịp với xu thế phát triển. Mặt khác, đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu phê bình, lý luận ngày càng thưa vắng do không được đầu tư thỏa đáng, đầu ra cho các công trình khó khăn, khó tìm người trao truyền, nhất là trong lĩnh vực nhạc cổ.
Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến đề xuất cần xây dựng và có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu lý luận, nhất là các công trình nghiên cứu về văn hóa, âm nhạc dân gian. Trong lĩnh vực đào tạo báo chí, cần có sự liên kết giữa Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương với các trường đại học để nghệ thuật và âm nhạc trở thành môn học giúp các nhà báo tương lai tiệm cận gần hơn với văn học, nghệ thuật, âm nhạc...
Sau Hội thảo, Hội đồng lựa chọn các tham luận có chất lượng cao để biên tập, in kỷ yếu. Đây là tài liệu tham khảo giá trị, hữu ích cho những người làm công tác quản lý văn hóa, văn nghệ các cấp, các ngành liên quan đến văn học, nghệ thuật, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ.