Một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Chuyển mình với những tầm nhìn chiến lược
VOV.VN - Một năm sau khi diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa.
Nhiều địa phương đã có tầm nhìn, đi trước, vượt trước trong triển khai chính sách đặc thù về văn hóa. Những cơ chế, chính sách, nguồn lực cho phát triển văn hóa kịp thời được nhận diện, sửa đổi, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Làng Diềm, thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là quê hương cổ xưa của vùng đất Kinh Bắc, mang đậm nét lịch sử, truyền thống của làng quê đất Việt. Làng Diềm còn được biết đến với cái nôi dân ca quan họ cổ, đã được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Những ngày giáp Tết, không khí quan họ bao trùm khắp đường làng, ngõ xóm, trong từng ngôi nhà. Các liền anh, liền chị thường hẹn nhau hát canh: Vài ba đôi ngồi hát hoặc có những canh hát lớn từ 10 đến 15 đôi, để chuẩn bị cho lễ hội làng cũng như cuộc thi hát quan họ đầu xuân.
Làng Diềm là nơi duy nhất trong 49 làng quan họ gốc ở Bắc Ninh có đền thờ Thủy tổ quan họ, đây cũng là nơi được biết đến có truyền thống dân ca quan họ lâu đời nhất. Ngoài 49 làng quan họ gốc, đến nay Bắc Ninh đã phát triển hàng trăm làng quan họ thực hành. Hàng tháng, các nghệ nhân quan họ được trợ cấp, đãi ngộ, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 nhiều chính sách kịp thời động viên nghệ nhân hoạt động.
Với tầm nhìn đi trước, vượt trước trong triển khai nhiều chính sách đặc thù về văn hóa, trong một Nghị quyết chuyên đề, Tỉnh ủy Bắc Ninh xác định nâng mức đầu tư tối thiểu lên 4% tổng chi ngân sách cho văn hóa. Qua đó khích lệ, động viên các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân tích cực truyền dạy và cống hiến nhiều hơn trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Tinh thần văn hóa chấn hưng đã lan tỏa rộng khắp các tỉnh, thành phố cho đến các bản làng xa xôi. Tại Thủ đô Hà Nội, nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của cả đất nước, luôn tiên phong trong phát triển văn hóa, con người. Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó quyết định phân bổ 27.000 tỷ đồng cho 1.287 dự án tôn tạo di tích.
Với những giá trị văn hóa chốn cung đình, Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên huy động các nguồn lực thực hiện công tác hồi hương các cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam bị lưu lạc ra nước ngoài.
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết: “Kinh nghiệm của Huế trong việc huy động được một số nguồn lực xã hội hóa trong việc bảo tồn, trùng tu, huy động các nguồn lực để xã hội hóa việc kêu gọi hồi hương các di sản văn hóa thì chủ yếu là nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp. Hai là hướng lợi ích của họ gắn liền với lợi ích trong việc bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị di sản. Hai, điều đó làm thay đổi nhận thức, đặc biệt là doanh nghiệp và cộng đồng. Từ đó, người ta sẵn sàng tham gia vào quá trình vận động đóng góp để có thêm nguồn lực”.
Điều dễ nhận thấy sau 1 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc đó là chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, văn hóa đảm nhiệm trọng trách “soi đường cho quốc dân đi”. Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, đây được xem là khung chính sách rất quan trọng để định hướng, bao quát nhiều vấn đề về văn hóa như: xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng các chương trình nghệ thuật đỉnh cao hay các thiết chế văn hóa xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh... Chiến lược lớn như vậy, khi thực hiện thành công, không chỉ tạo điều kiện cho phát triển văn hóa, mà còn tạo ra hệ giá trị mới cho sự phát triển bền vững đất nước.
Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đào Duy Quát cho rằng: “Rõ nhất sau Hội nghị Văn hóa, Tổng Bí thư đã tổng kết và nâng trình độ lý luận, làm cho toàn nhận thức về văn hóa, đặc biệt trách nhiệm các cấp các ngành đối với chiến lược văn hóa đã chuyển biến. Sau Hội nghị là 1 loạt: Ban Tuyên giáo đã Hội thảo hình thành hệ giá trị Quốc gia, Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị con người Việt Nam. Hội thảo của Quốc hội là thể chế chế, cơ chế chính sách, nguồn lực... Đây là chuyển biến rõ, trước đây các Nghị quyết xong cứ im im thì lần này không chỉ quán triệt mà bằng hành động rất cụ thể ở các cấp, các ngành”.
Dù đã có những chuyển biến tích cực, song, nhìn vào thực tế ở nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa có điều kiện để phát huy vai trò, thúc đẩy các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong bối cảnh hội nhập và nhịp sống hiện đại của nhiều hệ giá trị còn bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là hệ giá trị con người với những biểu hiện cụ thể như hiện tượng xuống cấp đạo đức trong giới trẻ; những hành vi và phát ngôn lệch chuẩn của nghệ sỹ; những “rác văn hóa” tràn lan trên mạng ảo… trở thành "mặt trái" của quá trình phát triển công nghiệp văn hóa. Dù đã được quan tâm hơn nhưng đầu tư cho văn hóa vẫn còn dàn trải, chưa thật sự mang lại hiệu quả. Theo Giáo sư, TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: việc xây dựng và phát triển văn hóa là một việc vô cùng khó, phải có lộ trình cụ thể, với sự kiên trì, sáng tạo, linh hoạt.
Giáo sư, TSKH Vũ Minh Giang nói: “Dàn trải là hạn chế cố hữu. Trong đầu tư kém hiệu quả, không xác định nhiệm vụ trọng tâm, đầu tư luôn rải mành mành. Lĩnh vực nào cũng được đầu tư, nhưng không lĩnh vực nào đến đầu đến đũa. Do đó kết quả luôn luôn nửa vời. Vì vậy, bên cạnh phải có lượng định để dồn lực cho đầu tư văn hóa theo nghĩa là đầu tư cho phát triển bền vững thì còn tính đầu tư cái gì, lúc nào, một cách tập trung để tạo đột phá, chuyển biến tốt hơn tầm vĩ mô”.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và sau đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã khẳng định, phải có giải pháp để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc. Để làm được điều này, điều quan trọng là cần khởi động lại Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nhằm hiện thực hóa mục tiêu chấn hưng và phát triển nền văn hóa đất nước. Đây sẽ là chất xúc tác quan trọng, là căn cứ về chính trị, pháp lý để có những đầu tư lớn cho văn hóa, tháo gỡ về nguồn nhân lực cho văn hóa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, góp phần phát triển bền vững đất nước./.