Nét văn hóa mới trong mùa lễ báo hiếu của đồng bào Khmer ngày nay

VOV.VN - Hằng năm, cứ vào trung tuần tháng tháng 8 âm lịch, nhà nhà lại chuẩn bị thức ăn, bánh trái, hoa tươi mang đến chùa để nhà sư tụng kinh hồi hướng phước báo cho các bậc tiền nhân quá cố. Đó là Lễ Sen đôn ta - Pchum bân.

Tại Trà Vinh, tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em được lan tỏa trong từng hoạt động, sự kiện văn hóa diễn ra trong cộng đồng. Các ngày lễ, Tết của bà con người Kinh, Hoa hay Khmer đều là ngày lễ tết của nhau. Niềm vui, cũng như những khó khăn đều được cùng chung vui hay chia sẻ, giúp đỡ.

Những ngày này, tại các chùa Khmer có khá đông bà con người Kinh đến chùa lễ Phật. Ông Thạch Dên, ở Phường 9, TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cho biết, các lễ hội của dân tộc Khmer bây giờ, các anh em dân tộc khác cùng chung sống trên địa bàn đều tham gia, đặt biệt những bà con người Kinh theo đạo Phật cũng mang cơm dâng nhà sư, sẵn sàng quyên góp ủng hộ tiền, vật chất để tổ chức lễ tại chùa.

“Anh em cùng chung sống trong cộng đồng rất đoàn kết, trong dịp lễ cũng tham gia tổ dâng cơm Sen đôn ta, tham gia nấu nướng, vệ sinh chùa… Đặc biệt, những ngày lễ tết tại chùa thường tổ chức văn nghệ, múa hát với nhau thì cả thanh niên Kinh - Khmer đều tham gia. Đây là đều rất mới trong những năm gần đây”, ông Thạch Dên nói.

Bảo tồn bản sắc văn hoá không có nghĩa là lưu giữ phát tán những hủ tục lạc hậu - đó là điều mà đông đảo bà con Khmer ở tỉnh Trà Vinh nhận thức ngày càng sâu sắc hơn. Từ đó, từng bước giảm bớt hoặc bỏ đi những thủ tục vừa mất thời gian, vừa tốn kém. Một ví dụ dễ thấy là hiện nay rất nhiều chùa đều rút ngắn thời gian cúng cơm lễ chùa, lược bỏ những nghi thức không cần thiết, để giảm bớt chi phí cũng thời gian của bà con phật tử.

Ông À cha Thạch Phe, thành viên Ban quản trị chùa Phường P9, TP. Trà Vinh cho biết: “Mặc dù rất bận việc nhưng dịp lễ cổ truyền Sen đôn ta, con em bổn sóc đều thu xếp thời gian cùng cha mẹ đến chùa kính sư bái phật và thắp hương cho ông bà đã quá cố. Nhà nhà tổ chức mâm cơm cúng riêng theo phong tục, để hồi hướng cho cha mẹ, ông bà đã quá vãng”.

Còn ông À cha Dương Tấn Phú, thành viên Ban quản trị chùa Đa Cần, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành cho biết, ngày xưa lễ Sen đôn ta thường được tổ chức trong thời gian nửa tháng. Tuy nhiên, ngày nay nhiều nơi chỉ tổ chức trong thời gian một tuần, đặc biệt có chùa chỉ còn 3 ngày để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có. Trong đó nghi thức cúng đưa ông bà không còn mấy người thực hiện nữa. Giờ mọi người chủ yếu đến chùa và làm các nghi thức, gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng.

"Ngày xưa lễ Sen đôn ta được thực hiện trong 15 ngày, nhưng hiện nay có nhiều thay đổi cho phù hợp với cuộc sống, do đó nhiều nơi được giảm bớt còn 1 tuần. Theo triết lý Phật giáo quan trọng nhất là nghi thức đặt cơm bát, cúng dường trai tăng để hồi hướng đến ông bà quá vãng. Điều đặc biệt lễ Sen đôn ta ở Nam bộ là gắn với nghi thức cúng ông bà, do đó dù có mang lễ vật, trai tăng cúng dường nhà sư nhiều người vẫn làm mâm cơm cúng ông bà tại gia đình” - ông À cha Dương Tấn Phú chia sẻ.

Một điểm mới nữa diễn ra trong mùa báo hiếu ở tỉnh Trà Vinh hiện nay, phần lớn những chùa có điều kiện đều tổ chức hoạt động biểu diễn, giao lưu văn nghệ. Trước khi lễ Sen đôn ta chính thức bắt đầu, thanh niên nam nữ trong xóm, ngoài tranh thủ trang hoàng nhà cửa còn cùng nhau đến làm vệ sinh khuôn viên chùa, trang hoàng ngôi chùa cho thêm tươi tắn, sạch đẹp. Những chùa có điều kiện còn tổ chức chương trình văn nghệ, giao lưu nghệ thuật truyền thống theo tinh thần “cây nhà lá vườn”. 

Chị Thạch Thị Bu Pha là phật tử chùa Xoài Xiêm Mới, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú - nơi có đội văn nghệ phục vụ dịp lễ tết cho biết, hơn tuần nay chị cùng nhóm tập múa, dù mệt nhưng ai nấy đều thấy vui. Hơn nữa đã lâu rồi không được họp mặt đông đủ như thế này nên ai cũng phấn khởi: “Được tham gia chương trình văn nghệ (Khmer) là cơ hội tốt đối với em, vì em nghĩ được góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Vì vậy được tham gia em vô cùng phấn khởi, dù có mệt, tốn thời nhưng em vẫn thấy vui và tự hào. Em mong muốn góp phần nhỏ để gìn giữ bảo tồn văn hóa dân tộc mình”.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhưng lễ Sen đôn ta truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer vẫn luôn được gìn giữ và phát huy, để nhắc nhớ mọi người về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tri ân những bậc tổ tiên đã đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Hòa cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, lễ Sen đôn ta của người Khmer Nam bộ góp chung vào sự đa dạng, đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên