Nghề làm hương thơm, giấy bản của người Tày
VOV.VN - Những ngày tháng Chạp, xóm Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng nhộn nhịp hơn bởi những thương lái đến thu mua giấy bản và hương thơm làm từ các loại vỏ cây rừng - những sản phẩm độc đáo của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.
Từ bao đời nay, nghề làm giấy bản và hương bán vào dịp Tết đã giúp người dân có thêm thu nhập lúc nông nhàn và cũng là cách để họ lưu giữ nghề truyền thống của cha ông.
Những người già ở Nà Mạ cũng không rõ nghề làm giấy bản, loại giấy được dùng để viết câu đối treo trong dịp Tết có từ bao giờ. Người già cũng chỉ biết lúc còn bé đã thấy người lớn trong bản, trong làng làm giấy bản, làm hương thơm bán trong dịp Tết... và họ cũng biết làm nghề lúc nào không biết.
Đi dọc con suối, rất dễ để nhận thấy những bể ngâm bột giấy được làm bằng đá, trong đó có những bể tuổi đời hàng trăm năm. Chị Hoàng Thị Thức cho biết: Làm giấy bản cần rất nhiều công sức. Trước hết phải lên rừng tìm cây giấy dó, tước vỏ phơi một ngày rồi lại ngâm nước một ngày. Sau đó, đem vỏ cây về ngâm vôi, cuốn thành cục rồi nung trong một ngày. Nung xong lấy ra rửa sạch rồi lại ngâm cho mềm, tiếp đó mang đập cho nhũn ra. Công đoạn tiếp theo là đổ nguyên liệu xuống bể đá chứa nước, quấy cho tan và phải trộn với cây nhớt. Khi bột giấy đã nhuyễn thì múc tráng lên khuôn, mỗi khuôn là một tờ giấy. Công đoạn cuối cùng là ép khô tấm giấy rồi dính lên tường nhà cho khô hẳn.
"Làm giấy bản nói chung làm rất nhiều công đoạn. Cái khó nhất khi làm giấy bản là công đoạn lúc cuốn vỏ cây với vôi rồi đập cho đến khi nó tan ra thành bột giấy.", chị Thức chia sẻ.
Giấy bản khi thành sản phẩm đạt yêu cầu có màu vàng nhạt, mỏng vừa và dai, được đóng thành tệp hai chục tờ rồi mang bán trong những ngày chợ phiên. Giấy bản làm thủ công được người Tày, người Nùng sử dụng để ghi chép gia phả dòng họ, truyện cổ dân gian và các tác phẩm thơ ca bởi giấy dai và thấm mực, chữ viết không bị phai màu. Ngoài ra, giấy bản còn được sử dụng cắt giấy tiền, vàng mã; nhuộm màu để dán bàn thờ, trang trí nhà cửa trong dịp Tết...
Với cách làm thủ công truyền thống, giấy bản của người Tày, Nùng để được rất lâu, có thể tới vài chục năm nếu bảo quản tốt nên rất được đồng bào ưa chuộng. Vậy nhưng để làm được ra tờ giấy bản truyền thống đòi hỏi nhiều thời gian và sự cần cù, tỷ mỉ. Không những thế, nhu cầu sử dụng giấy bản thường chỉ vào dịp cuối năm nên nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một. Bà Hoàng Thị Khoày, một người đã có vài chục năm theo nghề làm giấy lo lắng:
"Giấy bản thì mình lấy về để thờ cúng ngày Tết, lấy về cắt thành tiền giấy để đốt cúng cho tổ tiên... Nghề này muốn giữ thì cũng muốn giữ, nhưng chỉ sợ người ta không mua thì mới không làm được thôi, sợ làm rồi không có ai mua thì lại bỏ không.", bà Khoày nói.
Cùng với giấy bản, hương thơm làm từ các nguyên liệu tự nhiên cũng là nghề mang lại thu nhập cho đồng bào dịp cuối năm hay khi nông nhàn. Nghề làm hương không đòi hỏi nhiều công sức như làm giấy bản, nhưng cũng đòi hỏi sự cần cù tỉ mỉ. Trước hết, phải lên núi tìm những khúc gỗ mục của cây mai rừng và lá keo, mang về phơi khô rồi nghiền thành bột. Sau đó đun nước sôi trộn với bột đã nghiền thành hỗn hợp đặc sệt. Công đoạn khó nhất là bao bọc lớp hỗn hợp này quanh tăm tre được chẻ sẵn, lăn qua mùn cưa cho khỏi dính rồi phơi khô để có sản phẩm hoàn chỉnh. Trước kia cây hương đều được làm thủ công, muốn nghiền gỗ hay lá keo thành bột, chỉ có cách giã trong những chiếc cối đá lớn vừa mất nhiều sức, vừa hao hụt nguyên liệu. Hiện nay, công đoạn này đã có máy nghiền đảm nhận nhưng việc bao lớp áo hương vẫn được làm thủ công. Chị Sầm Thị Bời, người làm hương ở xóm Nà Mạ cho biết: Cây hương làm thủ công thường to, khi đốt thì tỏa mùi hương dịu nhẹ, dùng quen thì càng dùng càng thích:
"Sản phẩm của làng khác với sản phẩm của nơi khác, hoàn toàn tự nhiên ở trong rừng. Người dùng thử sản phẩm hương thì nhận xét hương không có mùi hắc hắc một số sản phẩm khác nên dễ chịu hơn. Cây hương hoàn toàn được làm từ nguyên liệu tự nhiên, không độc hại gì.", chị Bời chia sẻ.
Giấy bản hay hương thơm làm từ nguyên liệu tự nhiên, không độc hại của đồng bào Tày, Nùng nói chung và người dân xóm Nà Mạ nói riêng hiện chủ yếu được tiêu thụ tại chợ phiên với sản lượng không cao và chưa trở thành nguồn thu nhập chính, ổn định cho kinh tế gia đình. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến mối lo về sự mai một của các nghề truyền thống, bởi người già thì không thể làm mãi, người trẻ lại có cơ hội để tìm kiếm nghề thu nhập cao hơn.
Chính vì vậy, cùng với việc thay đổi, cải tiến các sản phẩm để có tính thương mại, phù hợp với thị hiếu khách hàng, các nghệ nhân của các làng nghề truyền thống đều mong muốn có sự hỗ trợ từ chính quyền bằng các biện pháp như mở các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm; tổ chức các ngày hội, hội chợ triển lãm dành riêng cho sản phẩm làng nghề truyền thống..., bởi những sản phẩm này không chỉ giúp nâng cao cuộc sống người dân mà đây còn là những giá trị văn hóa của cả một tộc người./.