Nghệ nhân ưu tú K’Tiếu – người níu giữ âm vang cồng chiêng cho buôn làng

VOV.VN - Với sự kiên trì, tận tình truyền dạy của già làng K’Tiếu, đến nay, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh đã có hơn 200 người biết đánh thành thạo cồng chiêng, trong đó có hơn 30 người là thanh viên của Câu lạc bộ cồng chiêng tại địa phương.

Mặc dù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, song trước thời buổi phát triển kinh tế thị trường, không gian văn hóa cồng chiêng ở Tây nguyên vẫn luôn đối mặt với nguy cơ bị mai một. Trước thực tế này, tại một buôn làng xa xôi thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, già làng K’Tiếu, một người dân tộc thiểu số K’ho tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn không ngừng miệt mài mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. 

Tiếp chuyện với chúng tôi tại nhà riêng ở thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh (Lâm Đồng), già làng K’Tiếu (71 tuổi) vừa tranh thủ lau chùi bộ chiêng quý và bố trí không gian để kịp truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho một nhóm trẻ là con em người dân tộc thiểu số K’ho tại buôn làng. Ông cho biết mình phải tranh thủ thời gian ít ỏi của kỳ nghỉ hè này để cho các cháu được tiếp cận, làm quen dần với nhịp điệu và âm vang của tiếng cồng chiêng.

Già làng K’Tiếu kể, ông bắt đầu tìm hiểu và học cách đánh các bài cồng chiêng từ năm 14 tuổi. Lúc bấy giờ, khi nghe ở buôn làng nào có lễ hội dù xa mấy ông cũng tìm đến để nghe và học tập. Nhờ niềm đam mê lớn đó đã giúp ông nhanh chóng nắm vững và sử dụng thành thạo các nhịp điệu, âm vang của cồng chiêng. Cách đây hơn 20 năm, nhận thấy văn hóa cồng chiêng của buôn làng mình bị quên lãng, ông đã đứng ra vận động mọi người ôn luyện, trực tiếp hướng dẫn với người lớn tuổi và mở lớp truyền dạy cho con cháu trên địa bàn xã.

“Những ngày đầu khó khăn lắm vì chẳng có ai quan tâm. Người ta chơi trên mạng Internet, chơi game đủ thứ nên không có mấy người để ý đến cồng chiêng. Trong buôn cũng không có ai biết đánh cồng, đánh chiêng như thế nào cho nó bài bản. Vì vậy, mình phải giải thích, phải đi tuyên truyền, nói lại lịch sử của cồng chiêng. Tôi đang rất kỳ vọng, kỳ vọng nhất là các cháu lớp 7, lớp 8, vì mình dạy tụi nhỏ tiếp thu nhanh lắm, còn người lớn tuổi thì khó tiếp thu hơn. Cũng đang tập trung truyền cho con cháu trong mùa hè này, rảnh rỗi thì kêu gọi thêm những người ở lớp cũ đến ôn lại mỗi tháng hai, ba lần để không quên, nếu không thì sẽ bỏ quên hết”, ông kể.

Với sự kiên trì, tận tình truyền dạy của già làng K’Tiếu, đến nay, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh đã có hơn 200 người biết đánh thành thạo cồng chiêng, trong đó có hơn 30 người là thanh viên của Câu lạc bộ cồng chiêng tại địa phương. Theo ông M Hiu Nguyên, Bí thư Chi bộ thôn Duệ, xã Đinh Lạc, chính sự tận tâm của già làng K’Tiếu đã truyền lửa, thôi thúc cộng đồng người K’ho ở nơi đây cùng nhau nỗ lực học tập, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng của dân tộc, trong đó có bản thân mình. Ông M Hiu Nguyên cho biết, cả 3 thành viên trong gia đình gồm ông, vợ và con gái đều lần lượt được tham gia các lớp học đánh cồng chiêng do già làng K’Tiếu truyền dạy: “Ông đã truyền dạy rất nhiệt tình. Chúng tôi cảm nhận được điều đó và cố gắng học tập thật tốt để nắm bắt được, hiểu được tất cả các bài chiêng. Các em học sinh cấp II, cấp III, trong đó có con gái tôi, kể cả vợ tôi cũng đi học. Sau này, đóng  góp phần nào đó gìn giữ, bảo tồn lại nét văn hóa đặc sắc riêng của đồng bào K’ho mình, để tiếng cồng, tiếng chiêng không mai một theo thời gian”.

Theo ông Trương Quốc Phương, Phó chủ tịch UBND xã Đinh Lạc, chính nhờ sự đóng góp không ngừng nghỉ của già làng K’Tiếu, hàng năm các lớp truyền dạy cồng chiêng tại địa phương luôn được duy trì đều đặn. Từ đó, các lễ hội truyền thống như lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới, những bài diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, kể khan... gắn với chuỗi hoạt động thể thao, ẩm thực dân gian của người dân tộc bản địa đã từng bước được khôi phục. Trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019, xã Đinh Lạc đã tự đứng ra tổ chức thành công 2 lần giao lưu văn hóa cồng chiêng với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Những thành quả này có sự đóng góp rất quan trọng của già làng K’Tiếu.

Ông Trương Quốc Phương nói: “Già làng K’Tiếu là một người có uy tín trong cộng đồng, có đóng góp rất lớn bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên. Rất nhiều lớp truyền dạy ở địa phương được mở ra nên vai trò của già làng rất quan trọng. Ông là người vừa truyền dạy, vừa truyền lửa, vừa là người đi tuyên truyền, vận động các thế hệ tham gia, là người rất tích cực đưa cồng chiêng vào trường học. Đinh Lạc cũng đã có định hướng là tiếp tục gìn giữ một số nét văn hóa truyền thống khác như trang phục, làng nghề rượu cần, làng nghề đan lát. Đây là việc hết sức thuận lợi bởi có sự kết hợp giữa không gian văn hóa cồng chiêng với các làng nghề, có cơ hội để bà con nâng cao thu nhập”.

Với sự đóng góp tích cực của mình trong việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, các năm qua, già làng K’Tiếu đã nhận được rất nhiều bằng khen của huyện Di Linh và tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, trong năm 2022, già làng K’Tiếu vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Ngoài ra, Nghệ nhân ưu tú K’Tiếu là một trong 31 cá nhân vừa được Thủ tướng Chính phủ có quyết định tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước; là điển hình tiên tiến của tỉnh Lâm Đồng được giới thiệu tham dự hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc nhân dịp 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/06/1948 – 11/06/2023)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cuộc sống khởi sắc của bà con bản Chiềng sau 4 năm có cầu vượt lũ
Cuộc sống khởi sắc của bà con bản Chiềng sau 4 năm có cầu vượt lũ

VOV.VN - Từ khi có cây cầu bê tông vững chãi bắc qua suối Tìm, bà con bản Chiềng (Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa) đã không còn bị cô lập trong mùa mưa lũ. Đi lại thuận tiện, giao thương phát triển nên kinh tế ngày càng khởi sắc, cuộc sống của bà con khấm khá, đủ đầy hơn.

Cuộc sống khởi sắc của bà con bản Chiềng sau 4 năm có cầu vượt lũ

Cuộc sống khởi sắc của bà con bản Chiềng sau 4 năm có cầu vượt lũ

VOV.VN - Từ khi có cây cầu bê tông vững chãi bắc qua suối Tìm, bà con bản Chiềng (Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa) đã không còn bị cô lập trong mùa mưa lũ. Đi lại thuận tiện, giao thương phát triển nên kinh tế ngày càng khởi sắc, cuộc sống của bà con khấm khá, đủ đầy hơn.

Đắk Lắk đưa văn hóa cồng chiêng vào giảng đường đại học
Đắk Lắk đưa văn hóa cồng chiêng vào giảng đường đại học

VOV.VN - Để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, nhiều năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng tại các buôn làng, trường học. Tại Trường Đại học Tây Nguyên, một số lớp truyền dạy cồng chiêng cho sinh viên đã được mở, giúp cho các sinh viên được trực tiếp tham gia, từ đó lan tỏa thêm tình yêu văn hóa cồng chiêng.

Đắk Lắk đưa văn hóa cồng chiêng vào giảng đường đại học

Đắk Lắk đưa văn hóa cồng chiêng vào giảng đường đại học

VOV.VN - Để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, nhiều năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng tại các buôn làng, trường học. Tại Trường Đại học Tây Nguyên, một số lớp truyền dạy cồng chiêng cho sinh viên đã được mở, giúp cho các sinh viên được trực tiếp tham gia, từ đó lan tỏa thêm tình yêu văn hóa cồng chiêng.

Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy làng Roộc Răm
Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy làng Roộc Răm

VOV.VN - Lễ hội là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo của cộng đồng người Thái ở xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh nói riêng và các bản của người Thái ở miền núi Thanh Hóa nói chung.

Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy làng Roộc Răm

Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy làng Roộc Răm

VOV.VN - Lễ hội là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo của cộng đồng người Thái ở xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh nói riêng và các bản của người Thái ở miền núi Thanh Hóa nói chung.