Catherine Karnow: “Tình yêu Việt Nam trong tôi khó diễn tả bằng lời”
Sau 25 năm gắn bó với Việt Nam, nhiếp ảnh gia Mỹ bỏ tiền túi, thời gian và tâm sức thực hiện triển lãm đầu tiên ở Hà Nội.
PV: Tới Việt Nam từ năm 1990 và trở lại nhiều lần để sáng tác ảnh, vì sao đến nay bà mới thực hiện triển lãm đầu tiên?
Catherine Karnow: Đó cũng là điều tôi tự hỏi mình trước khi bắt tay vào thực hiện triển lãm này. Hàng chục năm qua, tôi đi khắp các quốc gia để sáng tác, trong đó, Việt Nam là nơi tôi gắn bó rất nhiều với 15 lần đến, mỗi lần là một chuyến đi dài. Sự bận rộn và công việc cứ thế cuốn lấy tôi.
Cho đến năm ngoái, khoảng tháng 4/2014, tôi có dịp quay lại Việt Nam chụp một seri ảnh đẹp quảng bá du lịch Việt cho National Geographic. Ngắm lại những bức ảnh, tôi chợt nhận ra Việt Nam đang ngày càng thay da đổi thịt. Ngoài ra, dù tôi làm việc nhiều, tham gia giảng dạy tại nhiều workshop, tôi chưa từng có cho mình một cuốn sách, một triển lãm nào... Điều này càng thôi thúc tôi phải thực hiện một triển lãm cá nhân giới thiệu hình ảnh Việt Nam thay đổi, đan cài giữa nét cũ và nét mới, hiện đại.
PV: Từ ý tưởng đến khi biến triển lãm thành hiện thực, bà phải làm việc như thế nào?
Catherine Karnow: Từ tháng 12/2014 tôi bắt đầu để tâm đến việc tìm địa điểm tổ chức. Tôi còn nhớ khi đi công tác ở Hà Nội, tôi tìm gặp Suzanne Lecht - Giám đốc nghệ thuật của Art Vietnam Gallery - để đặt vấn đề cho một cuộc triển lãm ảnh ở đây. Gallery lúc đó rất bận rộn với một triển lãm lớn. Và dù bận rộn như thế, Suzanne Lecht ngay sau đó viết mail cho tôi chia sẻ bà rất sẵn lòng, và rất vui khi dành không gian của gallery cho những tác phẩm của tôi. Khi tận mắt nhìn không gian trưng bày, tôi thấy mình là người phụ nữ may mắn nhất thế giới.
Để thực hiện triển lãm, tôi phải bỏ tiền túi ra vì không tìm được nhà tài trợ. Chỉ tính riêng chi phí in ấn cho bộ catalogue, mỗi cuốn dày 240 trang với nhiều bức ảnh và những chia sẻ về khoảnh khắc chụp ảnh, cùng 39 bức khổ lớn trưng bày là 10.000 USD. Nhưng dự án này là trái tim, tình cảm của tôi vì thế tôi rất hạnh phúc khi thực hiện nó.
PV: Qua những lần đến Việt Nam, bà cảm nhận gì về sự thay đổi của con người, đất nước này?
Catherine Karnow: Từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam thật sự có rất nhiều thay đổi, nâng cấp hình ảnh đất nước theo chiều hướng tốt đẹp. Những ấn tượng ban đầu về sự đổi thay là: xuất hiện rất nhiều nhà cao tầng, cao ốc, hàng hóa đa dạng, xe hơi đầy phố, giao thông tấp nập, nhà hàng, khách sạn, resort sang trọng... Tôi cũng nhận thấy quan niệm và cách nhìn nhận của mọi người về cộng đồng người đồng tính rất đáng kể. Cộng đồng người đồng tính được thừa nhận.
Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất đó chính là sự thay đổi của con người Việt Nam, nhất là giới trẻ Việt Nam. Ví dụ, để tìm nhà thiết kế cho triển lãm của tôi lần này, tôi được giới thiệu làm việc với anh Tạ Quốc Kỳ Nam - một nhà thiết kế còn rất trẻ. Tôi ấn tượng về anh khi đọc hồ sơ về chuyên môn của anh trên mạng Internet. Nhưng khi làm việc trực tiếp, tôi thật sự kinh ngạc.
Kỳ Nam hoàn thành cuốn catalogue nhiếp ảnh của tôi với tất cả sự sáng tạo và tỉ mỉ như thực hiện một cuốn sách ảnh thực thụ. Tôi chỉ có thể nói cậu ấy là nhà thiết kế giỏi nhất từ trước đến nay mà tôi từng làm việc chung. Kỳ Nam là hình ảnh rất gây thiện cảm cho tôi về lớp trẻ Việt Nam có năng lực, giỏi nghề, ham học hỏi, sáng tạo, luôn sẵn sàng chịu thử thách bản thân, chịu khó làm việc và có khả năng hội nhập môi trường quốc tế cao.
Bên cạnh đó, tôi vẫn có riêng trong mình một hình ảnh Việt Nam mà tôi muốn được giữ gìn mãi, không muốn thời gian làm phôi pha vẻ đẹp đó. Chẳng hạn tôi rất yêu phố cổ Hà Nội. Mỗi lần về Hà Nội tôi lại tận hưởng cảm giác dạo quanh nơi này. Tôi luôn thiết tha những gì thuộc về nét đẹp văn hóa, di tích, lịch sử ấy được trân trọng và gìn giữ.
PV: Điều bà mong đợi nhất ở triển lãm lần đầu tiên của mình là gì?
Catherine Karnow: Triển lãm này chưa hẳn là một cái nhìn toàn diện, hoàn chỉnh về con người, đất nước Việt Nam. Nhưng tôi thật sự yêu quý những tác phẩm của mình. Tôi hạnh phúc và mong chờ ngày khai mạc trong tâm trạng hồi hộp, háo hức như cô dâu về nhà chồng vậy.
Tôi còn đùa với mọi người là trong thời gian triển lãm diễn ra tôi sẽ dọn đến phòng trưng bày ngủ với các bức ảnh. Bởi tình yêu của tôi dành cho Việt Nam đôi khi không chỉ diễn đạt bằng lời mà thông qua các tác phẩm. Với tôi, nhiếp ảnh là nghệ thuật của sự chia sẻ cảm xúc, kết nối con người. Và tôi thật sự trải nghiệm điều này khi bắt tay vào thực hiện dự án của mình. Triển lãm này, trước hết là một món quà tôi dành cho chính bản thân mình, đồng thời là sự tri ân cha mẹ của mình - những người luôn dành mối quan tâm đến Việt Nam.
Qua những bức ảnh, tôi có thêm bạn bè và khán giả Việt Nam. Những bức ảnh không chỉ là cách để người ta giữ gìn, ghi nhớ về quá khứ mà còn tạo cảm hứng để người ta cùng hướng đến một tương lai tích cực, tươi mới hơn.
Tôi hy vọng triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên của mình ở Hà Nội là cánh cửa rộng mở để tôi ngày càng gắn bó hơn với Việt Nam thông qua nhiều dự án lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận, công việc như giảng dạy - một công việc tôi đã thực hiện nhiều năm qua, với chi phí không quá cao dành cho sinh viên. Tất nhiên là sau triển lãm tôi còn trở lại tìm thêm cảm hứng sáng tác. À, mà còn một điều nữa, nếu tôi bán được tác phẩm của mình tại triển lãm thì càng tốt (cười)./.