Cố họa sĩ Lương Xuân Nhị và những bức tranh địch vận
VOV.VN - Mỗi bức tranh địch vận của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị đã tác động mạnh đến tâm lí của người lính bên kia chiến tuyến.
Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mỗi bức tranh địch vận của họa sĩ Lương Xuân Nhị được ví như một món quà nho nhỏ nhưng mang lại ấn tượng thị giác, tác động mạnh đến tâm lí của người lính bên kia chiến tuyến.
Nhiều người biết đến ông qua tranh thiếu nữ, tranh phong cảnh và là một trong những người tiên phong đưa dòng tranh sơn dầu vào Việt Nam. Thế nhưng một mảng sáng tác lặng lẽ, âm thầm không thể không kể đến là tranh địch vận ông vẽ trong thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến kể lại: "Họa sĩ Lương Xuân Nhị đã có lần tâm sự với tôi, ông đã theo dõi con đường số 5, từ Hà Nội đi Hải Phòng, đó là con đường huyết mạch từ đồng bằng đi vào Hà Nội. Trên con đường đó thời kì chống Pháp diễn ra rất nhiều chuyện chạy trốn của các hàng binh. Họa sĩ Lương Xuân Nhị được tổ chức giao cho nhiệm vụ vẽ các bức tranh để hi vọng những tác phẩm ấy sẽ đến tay những người lính".
Hai bức tranh địch vận của họa sĩ Lương Xuân Nhị là “Vì sao, vì ai” và bức tranh “Noel - Noel” hiện đang được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với bức tranh “Vì sao, vì ai” họa sĩ vẽ một người lính Pháp đội mũ sắt, quỳ xuống giơ hai tay lên, như đặt một dấu hỏi, ngầm ý phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp tại Việt Nam.
Cũng bằng những bối cảnh đầy mâu thuẫn, tác phẩm “Noel - Noel” tái hiện hai bức tranh: một bên là người lính Pháp như xác chết không còn sinh khí, tựa gốc cây bị bom napan làm trơ trụi hết cành lá. Một bên là cuộc sống xa hoa của những thanh niên Pháp mải mê dưới ánh sáng lung linh, nhảy theo điệu nhạc trong những bữa tiệc xa hoa nơi quê nhà.
Tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị không thể hiện những điều đao to búa lớn mà đánh trúng tâm lý của những người lính Pháp, với mục đích khơi gợi, vận động những tâm tư sâu lắng, thầm kín nhất của con người. Ở góc độ này, họa sĩ Lương Xuân Nhị như một nhà đồ họa chuyên tâm, khai thác triệt để ngôn ngữ đồ họa để vẽ nên những tờ tranh nhỏ xinh nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa.
Một bức tranh địch vận của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị. |
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, cháu của họa sĩ Lương Xuân Nhị cho biết: "Gợi những hình ảnh thiếu nữ và những đứa con, như gia đình của người lính chờ đợi người chồng, người bố trở về - tôi cho đó là một sự đóng góp thành công của họa sỹ Lương Xuân Nhị. Trong cuộc chiến tranh, hiệu quả của công tác binh vận hết sức quan trọng và chúng ta thành công, hoàn toàn không thuần túy chỉ là tờ truyền đơn binh vận mà nó lại như một món quà hết sức bất ngờ với người lính Mỹ. Họ có thể giữ ở trong ví hoặc túi áo một cái bưu thiếp nhỏ. Tôi tin rằng trong hành trang trở về của những người lính Mỹ, từ chiến trường Việt Nam, chắc có người vẫn giữ lại những tấm thiếp đó".
Tranh địch vận của họa sĩ Lương Xuân Nhị đến tay rất nhiều người ở hai bên chiến tuyến, nhưng người vẽ tranh lại phải âm thầm, lặng lẽ. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn còn nhớ, khi ông cùng bác của mình ở nơi sơ tán, thỉnh thoảng lại thấy xe quân đội lên đón ông về để thực hiện gấp tác phẩm. Hay có những lúc, họa sĩ Lương Xuân Đoàn thấy ông ngồi vẽ phác tại ngôi nhà lá trong một thư thái ung dung, lúc nào cũng nhẹ nhàng và yên lặng. Không lạ khi nhiều người bạn vẫn thường nói về Lương Xuân Nhị “từ đáy lòng của ông là sự ngăn nắp của tư duy, mức độ điều tiết của con người trí thức”.
Một bức tranh khác của cố họa sĩ với tên gọi "Đọc tin chiến thắng" |
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, địch vận là công việc thầm lặng, không phải tất cả họa sỹ nào cũng tham gia việc vẽ tranh địch vận. Đấy là sứ mệnh lịch sử trao cho ông. Trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của ông, một mảng đóng góp, sự cống hiến thầm lặng ấy cũng có câu chuyện riêng của nó, điểm thêm để hoàn tất chân dung con người. Cả cuộc đời của ông chỉ biết cống hiến tất cả những gì tốt đẹp nhất ở tâm hồn mình, của xúc cảm sáng tạo cho sự phát triển chung của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam.
8 năm sau ngày ông ra đi, căn gác nhỏ - nơi ông làm việc vẫn được các con giữ nguyên vẹn. Trong tâm trí họ, ông luôn là người cha nghiêm khắc nhưng đôn hậu. Trong lòng những người học trò, con người ông đánh thức khả năng của họ không phải bằng sự áp đặt. Có lẽ, bài học từ phẩm cách nghệ sỹ song hành với tài năng của ông mãi mãi chẳng bao giờ cũ. Rõ ràng nó vẫn là câu chuyện mới, thế hệ hậu sinh vẫn luôn luôn tự suy ngẫm về mình, để xác lập một phẩm cách sống và làm nghệ thuật./.