Giám đốc Liên đoàn Xiếc: Choáng ngợp về đất nước Triều Tiên từ 25 năm trước

VOV.VN - NSND Tạ Duy Ánh không giấu được xúc động khi kể về chuyến biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật Mùa xuân Bình Nhưỡng, Triều Tiên cách đây 26 năm.

Triều Tiên được cả thế giới biết đến với mệnh danh “quốc gia bí ẩn nhất thế giới”. Tuy nhiên, mối quan hệ văn hoá hữu nghị giữa Việt Nam - Triều Tiên vẫn được hai nước duy trì kể từ sau cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Kể từ năm 1989 đến năm 2016, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có 5 lần tham dự Liên hoan Nghệ thuật mùa xuân Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Nhớ lại chuyến đi cách đây 26 năm, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, cảm xúc của ông vẫn ngỡ như chuyến đi mới chỉ diễn ra ngày hôm qua.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Sự choáng ngợp về đất nước Triều Tiên

"Năm 1993, tôi vinh dự là thành viện Liên đoàn xiếc được sang biểu diễn nghệ thuật tại Liên hoan nghệ thuật Mùa xuân Bình Nhưỡng. Đó là niềm hãnh diện vô cùng, vì đối với bất cứ văn nghệ sĩ nào được tới Triều Tiên, Cu Ba… là một điều rất khó khăn lúc bấy giờ", NSND Tạ Duy Ánh bồi hồi nhớ lại chuyến đi cách đây 26 năm.

Kể về lịch trình chuyến đi, NSND Tạ Duy Ánh cho biết, chuyến đi của ông dừng chuyển chặng bay ở Bắc Kinh rồi mới bay tiếp sang Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Khi đặt chân xuống sân bay, cảm xúc đầu tiên của ông là choáng ngợp bởi đất nước này quá tươi đẹp và hoành tráng.

"Đường sá ở đây rất rộng rãi, sạch sẽ, hoa được trang trí hai bên đường, xe cộ đi lại đều có hàng lối, quy củ. Về kiến trúc, thời điểm những năm 90 của chúng ta vẫn còn rất khó khăn, thì ở Bình Nhưỡng lúc đó đã có những toà nhà trên 30 tầng. Đối diện khách sạn tôi ở có toà khách sạn khác xây xong phần thô với độ cao 105 tầng", Giám đốc Liên đoàn Xiếc kể.

Về mặt tiếp đón, NSND Tạ Duy Ánh cho biết, các nghệ sĩ trong đoàn được đón tiếp rất nồng nhiệt và tận tình. Cả đoàn khoảng 300-400 nghệ sĩ ở các ngành nghệ thuật khác nhau, cùng sinh hoạt, ăn uống và trò chuyện ở một khu khách sạn 5 sao, không phân biệt dân tộc, màu da. Phía Triều Tiên dường như rất có kinh nghiệm trong khâu tổ chức các hoạt động như vậy nên không có nhiều sự cố hay vấn đề gì xảy ra trong suốt quá trình đoàn nghệ thuật tham gia Liên hoan.

"Chúng tôi được hỗ trợ và giúp đỡ mọi lúc, mọi nơi. Ngay cả giữa đêm, chúng tôi chưa chuẩn bị xong các đạo cụ biểu diễn, những người phiên dịch, hỗ trợ viên... sẵn sàng đến giúp chúng tôi để hoàn thành một cách chỉn chu. Họ sẵn sàng điều chỉnh âm thanh, ánh sáng đến khi mình cảm thấy ưng ý hay vui vẻ hỗ trợ chúng tôi tập đi tập lại nhiều lần trước buổi biểu diễn", NSND Tạ Duy Ánh nói thêm.

Nghệ thuật được đầu tư hiện đại, chuyên nghiệp

Trong lĩnh vực nghệ thuật Triều Tiên, NSND Tạ Duy Ánh cho biết, các nhà lãnh đạo cũng quan tâm, chú trọng đầu tư và rất chuyên nghiệp.

"Nghệ sĩ rất chuyên nghiệp ở tất cả các loại hình nghệ thuật. Cơ sở vật chất được quan tâm đặc biệt. Như Rạp xiếc Trung ương của chúng tôi được nhà nước quan tâm, đầu tư thì mới có rạp xiếc đúng chuẩn, lớn nhất Đông Nam Á với sức chứa 1.500 chỗ như vậy.

Nhưng khi sang đến Bình Nhưỡng, họ đã xây được một rạp xiếc lớn gấp đôi của chúng ta cách đó gần chục năm. Lúc đó, các thiết bị trong rạp cũng rất hiện đại, thang máy đã được lắp đặt để khán giả tiện di chuyển. Họ cũng đã sử dụng kỹ thuật tạo khói sân khấu từ trước những năm 1980. Có chương trình đưa ra hơn 100 nghệ sĩ biểu diễn cùng một lúc trên sân khấu thì chứng tỏ sân khấu đó lớn, hoành tráng đến mức nào", NSND Tạ Duy Ánh mô tả.

NSND Tạ Duy Ánh (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh cùng Chủ Tịch Kim Nhật Thành và đoàn nghệ sĩ.

Ông cho biết thêm, phần âm nhạc, trang phục, kỹ thuật, đạo cụ trong các tiết mục nghệ thuật cũng được trau chuốt tỉ mỉ: "Tôi đã đi rất nhiều liên hoan xiếc quốc tế, trong khoảng 20 năm trở lại đây, xiếc của Triều Tiên hầu như toàn đoạt giải Vàng, đặc biệt ở thể loại đu bay.

Xiếc của Triều Tiên đặc biệt ở chỗ họ giữ được bản sắc dân tộc trong các tiết mục biểu diễn của mình. Chẳng hạn, các diễn viên xiếc của chúng ta và nhiều nước trên thế giới thường mặc trang phục bó sát để thực hiện các động tác nhào lộn. Nhưng với nữ diễn viên xiếc của Triều Tiên, họ mặc nguyên bộ trang phục Choson-ot (trang phục truyền thống của Triều Tiên – gần giống với Hanbook của Hàn Quốc) để thực hiện các kỹ thuật nhào lộn khó, đỉnh cao".

Ấn tượng về đất nước Triều Tiên trong ký ức NSND Tạ Duy Ánh còn là tình yêu nghệ thuật của các nhà lãnh đạo và sự ngưỡng mộ của người dân với Chủ tịch Kim Nhật Thành. 

"Có lẽ niềm vinh dự nhất của tôi là biểu diễn cho Chủ tịch Kim Nhật Thành tại Liên hoan nghệ thuật Mùa xuân Bình Nhưỡng năm đó. Chương trình khá dài, kéo dài khoảng hơn 2 giờ đồng hồ nhưng ông cùng các nhà lãnh đạo vẫn ngồi từ đầu đến cuối. Thậm chí, kết thúc buổi diễn, Chủ tịch còn ở lại chụp ảnh với anh em nghệ sĩ biểu diễn", NSND Tạ Duy Ánh nói.

Ông kể rằng, sau nhiều ngày trải nghiệm ở Bình Nhưỡng, ông được đi thăm thú nhà của Chủ tịch Kim Nhật Thành, các công trình văn hoá lịch sử... Cảm nhận rõ nhất của ông về người dân ở đây là sự nghiêm túc, quy củ, tính kỷ luật cao. Đặc biệt họ luôn dành sự ngưỡng mộ, tôn vinh nhà lãnh đạo của mình.

"Đúng dịp sinh nhật Chủ tịch Kim Nhật Thành, tất cả mọi người dân cùng đến dự kín tại quảng trường rộng hơn quảng trường Ba Đình của chúng ta. Ở đó, họ cùng nhau múa hát chúc mừng sinh nhật nhà lãnh đạo. Đặc biệt, hình ảnh hàng nghìn người cùng nhau nhảy một điệu nhảy đều tăm tăm tắp như quân đội hành quân khiến tôi nhớ mãi", NSND Tạ Duy Ánh bộc bạch./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những điều ít ai biết về văn hóa đại chúng Triều Tiên
Những điều ít ai biết về văn hóa đại chúng Triều Tiên

VOV.VN - Cánh cửa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên hé mở cũng là lúc thế giới ngạc nhiên về những phát triển văn hóa xã hội ở Bình Nhưỡng.

Những điều ít ai biết về văn hóa đại chúng Triều Tiên

Những điều ít ai biết về văn hóa đại chúng Triều Tiên

VOV.VN - Cánh cửa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên hé mở cũng là lúc thế giới ngạc nhiên về những phát triển văn hóa xã hội ở Bình Nhưỡng.

“Tiếng chuông và ngọn cờ hòa bình” gửi Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên
“Tiếng chuông và ngọn cờ hòa bình” gửi Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên

VOV.VN-Chương trình nghệ thuật "Đẹp mãi Thăng Long" do thành phố Hà Nội tổ chức mang thông điệp về thành phố hòa bình góp phần thành công Thượng đỉnh Mỹ-Triều.

“Tiếng chuông và ngọn cờ hòa bình” gửi Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên

“Tiếng chuông và ngọn cờ hòa bình” gửi Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên

VOV.VN-Chương trình nghệ thuật "Đẹp mãi Thăng Long" do thành phố Hà Nội tổ chức mang thông điệp về thành phố hòa bình góp phần thành công Thượng đỉnh Mỹ-Triều.