Khá “bảnh” được tung hô: Lo ngại “văn hóa hâm mộ” của giới trẻ
VOV.VN - Không cần thực tài, chỉ cần biết cách…chấp nhận thị phi, những “hiện tượng mạng” ào ào như cơn gió, chợt đến rồi chợt đi.
Khá “bảnh” và những clip triệu like
Gần đây, trong giới trẻ nổi lên một hiện tượng mạng mang tên Khá “bảnh” (tức Ngô Bá Khá, sinh năm 1993, quê Bắc Ninh). Điều khiến anh ta nổi tiếng là những clip giang hồ trên mạng xã hội Facebook, Youtube, mái tóc “bờm ngựa”, điệu múa xòe quạt trên nền nhạc “vinahouse”. Nhưng một điều kỳ lạ là “Khá bảnh”đang được rất nhiều bạn trẻ theo dõi, thậm chí còn tung hô, gọi là thần tượng.
Đầu tháng 3/2019, “hiện tượng mạng” Khá “bảnh” còn có một hành động “điên rồ” là cùng một nhóm thanh niên dàn hàng trên đường cao tốc và chụp hình. Hành vi này đã gây cản trở giao thông trên cao tốc. Bức ảnh này được đăng trên Facebook Khá “bảnh”, nhận hơn 10.000 bình luận, khoảng 6000 lượt chia sẻ. Không những không lên án hành vi vi phạm pháp luật, nhiều bạn trẻ còn tung hô Khá “bảnh” như một “người hùng” vì dám nghĩ, dám làm,…
Một điều khá bất ngờ và “dậy sóng” cộng đồng mạng khi những hình ảnh về sự “chào đón” của nhóm bạn trẻ mang đồng phục học sinh dành cho Khá “bảnh”. Họ tung hô, xin chữ ký, xin chụp ảnh cùng “thần tượng”. Thậm chí có những người còn tự hào khoe ảnh tự sướng cùng với Khá “bảnh” lên trang cá nhân và ở dưới là vô vàn những bình luận ngưỡng mộ.
Khá “bảnh” sở hữu 2 kênh Youtube lên đến 1,9 triệusubcribes. Những video “triệu views” của Khá “bảnh” xoay quanh các vấn đề về giang hồ thanh toán lẫn nhau, có những yếu tố xã hội đen, sử dụng lời lẽ tục tĩu, hình ảnh bạo lực.
Nhưng “hiện tượng” Khá “bảnh” không là cá biệt. Chỉ cần dạo 1 vòng Youtube là thấy hàng chục kênh tương tự. Có thể kể đến tài khoản thuộc về nhiều nhân vật “anh em cùng hội cùng thuyền” của Ngô Bá Khá như: Phú Lê (955.942 subscribe), "thánh chửi" Dương Minh Tuyền (425.899 subscribe), Ngân Trọc Official (159.442 subscribe),…
Cũng là một “đại ca” đến từ Bắc Ninh, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền nổi tiếng là liều lĩnh, có các clip chửi bới trên mạng xã hội và thành tích ra tù vào tội của mình; một kênh giang hồ khác là Phú Lê, cũng trở thành một hiện tượng mạng “hot” với bài hát một bộ phim về giang hồ có tên “Đời là thế thôi”, có mối quan hệ thân thiết với với các anh chị khét tiếng trong giang hồ.
Những hiện tượng mạng này lợi dụng yếu tố “xã hội đen” để thu hút hàng triệu lượt xem, gọi chung là các kênh giang hồ. Kịch bản chung của các video trên là những thứ không hay của xã hội, ngồi livestream cởi trần khoe rồng phượng xăm kín mình, ăn chơi trác táng, chửi bậy, thách thức, cầm vũ khí đi “thanh toán” lẫn nhau,… thậm chí chủ nhân nhiều tài khoản còn công khai việc mình cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bảo kê... lên mạng xã hội.
Số đông đang cổ vũ cho những “hiện tượng mạng” là ai? Là thế hệ 10X với những háo hức, tò mò. Cũng giống như một thời, các bạn trẻ đã từng “hâm mộ” Lệ Rơi, Bà Tưng hay Phú Lê… Không cần tài năng; chỉ cần một phát ngôn gây sốc, khoe thân “show hàng”, một giọng hát lệch tông, dở tệ hay khoe xe, khoe bạn gái, khoe tiền, khoe sự liều lĩnh… thế là “nổi tiếng”(!)
Người sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều thì lẽ đương nhiên, những “hiện tượng mạng” càng có cơ hội để làm mưa làm gió. Thế nên, không có gì lạ khi nhiều bạn trẻ sẵn sàng làm theo “thần tượng” từ cách ăn mặc đến kiểu tóc hay điệu nhảy…Không bỏ lỡ thời cơ, những kẻ biết kiếm tiền từ mạng xã hội đã nhanh chóng bắt tay với các “hiện tượng mạng” để sản xuất ra các kịch bản mới nhằm phục vụ nhóm người tò mò, thích sự đổi mới để từ đó kiếm bộn tiền lợi nhuận.
“Hiện tượng mạng” ào ào như cơn gió, đến rồi lại đi
Nguyễn Thị Hằng (SN 1997, quê Nghệ An) cho rằng: “Thực ra việc tung hô những thứ nhảm nhí trong xã hội hiện nay không còn hiếm và trở nên rất bình thường. Những clip thu hút triệu views của Khá “bảnh” đều không có nội dung hay thông điệp gì cả. Mọi người xem nó vì thấy vui và nhằm để giải trí chứ không có ý nghĩa gì cả”.
Đoàn Trang (SN 2000, sinh viên ở Hà Nội) cho rằng: “Mình thấy việc nhảy theo Khá “bảnh” thì hay thôi, nhưng tung hô thì hơi quá đà, như là vụ Khá bảnh mới về Yên Bái và được tung hô mình thấy hơi buồn cười.Mình nghĩ là không nên ủng hộ các hiện tượng như thế, ví dụ người ta có điệu nhảy hay bài hát vui vui thì mình theo thôi còn ủng hộ mình nghĩ là không. Việc tung hô của giới trẻ đối với những “hiện tượng mạng” như Khá “bảnh” có ảnh hưởng thực sự không tốt”.
Lý giải “hiện tượng mạng” đang nổi đình, nổi đám, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng – giảng viên văn hóa (Học viện Báo chí & Tuyên truyền) giải thích: “Hiện tượng này có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân khách quan. Đó là sự du nhập các luồng văn hóa ngoại lai trong quá trình toàn cầu hóa. Kinh tế thị trường đề cao giá trị vật chất cũng là một tác nhân quan trọng”.
“Theo tôi, các bậc làm cha làm mẹ phải coi mình như là bạn của con để hiểu chúng nghĩ gì, muốn gì. Đồng thời, các thiết chế văn hóa xã hội cũng cần phối hợp với nhà trường cần quan tâm đến giới trẻ nhiều hơn, trong đó quan trọng nhất là đổi mới phương thức tiếp cận họ”, TS Nguyễn Ánh Hồng nêu ý kiến.
Cùng với đó, bà Hồng cũng nhấn mạnh, truyền thông phải vào cuộc một cách mạnh mẽ bởi giới trẻ có xu hướng bắt chước, làm theo rất nhanh. Hơn thế, tự do tung các clip nhảm nhí trên mạng mà cơ quan chức năng không có khả năng kiểm soát cũng là một lỗ hổng.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác giáo dục, lại thường xuyên tiếp xúc với các bạn trẻ ở các trường học trên toàn quốc, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng: “hiện tượng mạng” ào ào như cơn gió, đến rồi lại đi. Chẳng phải, những “hiện tượng” một thời ầm ĩ như Lệ Rơi, Tùng Sơn hay bà Tưng,… rồi cũng trôi vào quên lãng. Những giá trị ảo sẽ bị đào thải cùng thời gian.
Nhưng, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng: Những sự việc trên cũng làm cho người lớn phải suy nghĩ. Vì sao giới trẻ lại tiếp nhận, thậm chí cổ vũ cho những hiện tượng đó. Đơn giản vì họ biết “làm mới” mình, liên tục thay đổi, đánh trúng tâm lý hiếu kỳ của đám đông. Trong khi đó, những “thiết chế giáo dục” của chúng ta như nhà trường hay đoàn thanh niên lại thường đi theo lối mòn, chậm đổi mới.
Trào lưu hâm mộ “hiện tượng mạng” cũng cho thấy khoảng trống trong đời sống văn hóa, tinh thần của giới trẻ - những người quá phụ thuộc vào mạng xã hội. Hơn thế, nếu chỉ dừng ở việc xem và “like” đã đành, sợ nhất là thói “ngông cuồng” ngày càng nở rộ và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như bạo lực trong trường học, trong gia đình…Và như thế, "văn hóa hâm mộ" của giới trẻ hiện nay, rất đáng lo ngại/.