Livestream trái phép phim “Gái già lắm chiêu 2“: Luật sư lên tiếng
VOV.VN - Mặc dù đã có chế tài rõ ràng xong việc xử lý vi phạm bản quyền nghệ thuật tại nước ta hiện nay thường mới chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở, cảnh cáo .
NSX bộ phim “Gái già lắm chiêu” mới đây đã có những chia sẻ bức xúc khi bộ phim bị phát tán trái phép thông qua hình thức livestream lên mạng xã hội. Nam thanh niên nghi livestream trái phép phim "Gái già lắm chiêu 2" hiện sinh sống và làm việc tại TP HCM. Tại buổi gặp gỡ với đại diện nhà phát hành phim “Gái già lắm chiêu 2”, nghi phạm H.N.H (sinh năm 1996) đã thừa nhận hành vi của mình, đồng thời đại diện Nhà sản xuất bộ phim cũng giao toàn bộ việc này cho cơ quan điều tra để xét mức độ thiệt hại và xử lý.
"Gái già lắm chiêu" 2 bị livestream trái phép.
"Cô Ba Sài Gòn" cũng từng bị livestream trái phép. |
Lâu nay, tình trạng khán giả đến rạp xem phim, quay lén rồi tung lên mạng chia sẻ với bạn bè đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Mặc dù tất cả các cụm rạp đều quy định rõ, người xem không được quay phim, chụp ảnh trong phòng chiếu song các vụ việc vi phạm vẫn liên tiếp xảy ra.
Luật sư Giang Hồng Thanh.
Mặc dù đã có những văn bản pháp lý, tổ chức bảo vệ bản quyền tác phẩm nghệ thuật, bảo vệ quyền nghệ sĩ nhưng cho tới thời điểm hiện tại, vấn nạn vi phạm bản quyền dường như chưa có dấu hiệu dừng lại mà còn ngày càng tăng. Theo luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh, việc phát tán nội dung phim khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật.
Khoản 6, Khoản 10 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “hành vi xâm phạm quyền tác giả” là công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả; sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của luật này; nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Theo đó, người xâm phạm quyền tác giả sẽ bị xử phạt hành chính theo qui định tại Điều 27 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013, cụ thể như sau với hành vi xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
Ngoài ra, hành vi vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan" theo Điều 225 Bộ luật hình sự.
Mặc dù đã có chế tài rõ ràng xong việc xử lý vi phạm bản quyền nghệ thuật tại nước ta hiện nay thường mới chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở, cảnh cáo hoặc phạt tiền chứ hầu như ít có trường hợp nào xử lý hình sự khiến nạn vi phạm tiếp tục lan tràn. Bởi các thủ phạm livestream đều tỏ ra "ngây thơ" khi cho rằng, hành vi xâm phạm bản quyền phim, phát tán trên mạng xã hội chỉ nhằm mục tiêu câu like, câu view chứ không kinh doanh.
Những tấm biển này chỉ có tác dụng trang trí?
Luật sư Giang Hồng Thanh đánh giá, điều cần thiết hiện nay vẫn là nâng cao ý thức chấp hành luật pháp cho tất cả mọi người, cần có sự cảnh báo về việc không được quay phim, livestream ở những chương trình, sự kiện cấm ghi hình.
Việc tuyên truyền về vấn đề này là cực kỳ quan trọng để mọi người hiểu rõ hơn quyền, nghĩa vụ của mình. Bởi trên thực tế người dân vẫn còn chưa có nhận thức rõ ràng việc làm nào thì được phép, thế nào là hành vi vi phạm, mức độ vi phạm đến đâu thì bị xử phạt hành chính, bị xử lý hình sự…/.
Nam thanh niên thừa nhận livestream trái phép “Gái già lắm chiêu“
Ekip “Gái già lắm chiêu 2” bức xúc vì phim bị livestream trái phép