Nghệ sĩ vùng mỏ, hạnh phúc có thật đủ đầy?

VOV.VN - "Nếu mà được diễn cho khán giả xem cho nhân dân xem thì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ mà điều đó bây giờ tôi đang mong ước"

Ngày 14/3 vừa qua tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 năm 2018, trong đợt này chỉ duy nhất một nghệ sĩ được vinh danh xét duyệt và nếu được sự thông qua thì đây là NSƯT trẻ nhất của Quảng Ninh từ trước đến nay. Đó là nghệ sỹ Hoàng Cao Khải, thuộc Đoàn kịch nói Quảng Ninh. 

Hoàng Cao Khải sinh năm 1983, anh đến với nghiệp diễn bởi đam mê. Năm 2002 thấy có thông báo tuyển diễn viên, anh đăng ký dự tuyển và trở thành diễn viên của đoàn kịch Quảng Ninh. Trong suốt khoảng thời gian dài theo nghiệp diễn của mình, Hoàng Cao Khải đã đạt được không ít các giải Vàng, Bạc, Đồng cùng bằng khen trong các liên hoan, hội diễn nghệ thuật toàn quốc.

Hoàng Cao Khải cùng bạn diễn trên sân khấu.

Là diễn viên được tuyển dụng trực tiếp vào đoàn, không qua đào tạo cơ bản từ đầu nhưng bằng nỗ lực không ngừng học hỏi, vươn lên, giờ đây Cao Khải đã có những thành công nhất định trên con đường nghệ thuật.

Hẹn gặp nhau ở một quán cà phê, tôi bất ngờ khi anh đến trên một chiếc taxi do tự mình cầm lái. Câu chuyện càng về cuối, những nụ cười hạnh phúc, mừng vui khi được xét tặng danh hiệu dần nhường cho những cái cau mày, gương mặt trầm buồn của người nghệ sỹ.

Hỏi mới biết, do chủ trương của tỉnh Quảng Ninh, đơn vị phải cắt giảm biên chế và tự chủ tài chính, lương của cán bộ, nghệ sỹ cắt giảm còn 50% từ năm 2015 và tới năm 2018 các diễn viên trực thuộc đoàn không còn có lương và tự đóng bảo hiểm. Để đảm bảo thu nhập, chăm lo cho bản thân và gia đình, anh bàn với vợ vay người thân, vay ngân hàng mua chiếc xe trả góp để chạy taxi.

Cao Khải nói chạy taxi như anh còn sướng chán, nhiều anh chị em nghệ sỹ khác còn khổ lắm, người bỏ nghề đi làm hướng dẫn viên du lịch, người làm MC chủ hôn đám cưới, có anh, chị ngâm mình trong nước lạnh quanh năm múa rối kiếm cơm, có người đi làm nhân viên massage chân phục vụ khách du lịch.

Anh cùng các đồng nghiệp trong đoàn kịch Quảng Ninh đạt thành tích cao năm 2015.

NSƯT Từ Diệu Hương, Trưởng đoàn kịch Quảng Ninh chia sẻ: "Để các nghệ sĩ sống mà không phải làm thêm công việc ngoài thì quả thật rất khó, công việc của cơ quan vẫn có nhưng nó ở trong một chừng hạn vừa phải chứ để có cuộc sống sung túc, rộng rãi cho một gia đình thì không thể có được, bắt buộc người nghệ sĩ phải có một công việc làm thêm".

Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015, đoàn kịch Quảng Ninh đạt thành tích vang dội với 1 Huy chương vàng, 4 Huy chương bạc với tác phẩm “Lính Trận” của nhà văn Chu Lai.

Nhưng cũng từ sau hội diễn đó vì lý do kinh phí, đoàn cũng chưa thể dựng thêm được vở kịch nào nữa để phục vụ nhân dân ngoài 2, 3 tiểu phẩm hài vui ngày Tết. Không thể dựng vở dài, không thể đi dự các liên hoan bởi đơn giản không có kinh phí nên nhiều người nói “Cao Khải là NSƯT trẻ nhất mà cũng có thể là NSƯT cuối cùng trong 3 đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, bởi không còn được đi diễn, lấy đâu ra thành tích mà xét danh hiệu”.

Gia đình hạnh phúc của người nghệ sĩ.

Cuộc sống của người nghệ sỹ thuộc các đoàn nghệ thuật của tỉnh Quảng Ninh thật sự khó khăn, bà Từ Diệu Hương cho biết: "Nhiều lúc tôi nghĩ giá như mình tài giỏi, kiếm được nhiều đơn hàng cho anh em, cho nghệ sĩ của mình thì các em không phải vất vả, không phải bươn chải, lăn lóc ở ngoài đời kia, nhưng mà biết làm sao được.

Nếu như các đoàn nghệ thuật trên cả nước mà rơi vào tình trạng như chúng tôi hiện nay, cắt 100% kinh phí như này thì có lẽ rất nhiều đồng chí đứng đầu các đoàn nghệ thuật sẽ giống như tôi chứ không riêng gì một mình tôi. Tôi cảm thấy có điều gì đó chạnh lòng".

Hoàng Cao Khải có thể được vinh danh và tới đây trở thành NSƯT trẻ nhất của Quảng Ninh, anh hạnh phúc với gia đình nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười. Anh hạnh phúc khi những nỗ lực đã được công nhận, hạnh phúc khi những gian khổ đã được đến đáp nhưng hạnh phúc đó có thật sự đủ đầy? 

Thu nhập chính của người nghệ sĩ hiện tại dựa vào việc lái taxi.

"Tôi có niềm hạnh phúc của gia đình, của bố mẹ, của vợ và các con, có niềm hạnh phúc ở cơ quan, có các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, Sở hay Đoàn rất ưu ái và quý mến. Nhưng, tôi vẫn thấy thiếu đi một niềm hạnh phúc. Người nghệ sĩ luôn mơ ước được đứng trên sân khấu diễn cho khán giả xem. Nếu mà được, tôi phải dùng từ nếu, nếu mà được diễn cho khán giả xem cho nhân dân xem thì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ mà điều đó bây giờ tôi đang mong ước", anh Hoàng Cao Khải chia sẻ.

Khi câu chuyện vẫn còn dang dở, Cao Khải chia tay tôi, hòa mình vào với dòng người hối hả ngoài kia, tiếng bộ đàm báo nổ địa chỉ trên xe taxi liên tục vang lên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

479 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú
479 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú

VOV.VN - Trong đợt phong tặng lần này, có 102 nghệ sỹ được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân và 377 nghệ sỹ được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú.

479 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú

479 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú

VOV.VN - Trong đợt phong tặng lần này, có 102 nghệ sỹ được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân và 377 nghệ sỹ được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú.