Người nhạc sỹ say mê với giai điệu núi rừng
VOV.VN -Các nhạc phẩm do nhạc sĩ Mùi Hái sáng tác mang sức sống mãnh liệt, tựa những đóa lan rừng bung nở giữa đại ngàn Tây Bắc.
Sinh ra, lớn lên nơi rừng xanh núi biếc, thấm đẫm tình yêu về cuộc sống dung dị, chân tình, mộc mạc của đồng bào dân tộc thiểu số miền sơn cước, nhạc sỹ Mùi Hái – người con của xứ Mường Phù Yên, tỉnh Sơn La đã cho ra đời nhiều ca khúc trữ tình, dìu dặt. Các nhạc phẩm do ông sáng tác mang sức sống mãnh liệt, tựa những đóa lan rừng bung nở giữa đại ngàn Tây Bắc.
Nhạc sĩ Mùi Hái |
Bài hát “Bến vạn tình yêu” với giai điệu thiết tha, trữ tình này từ lâu đã quen thuộc với tất cả những ai yêu quý nhạc sỹ Mùi Hái – người có những sáng tác đa dạng về màu sắc và mang âm hưởng dân ca các dân tộc, dễ đi vào lòng người.
Sinh ra và lớn lên ở xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, từ nhỏ, nhạc sỹ Mùi Hái đã bị hút hồn bởi những điệu nhạc, câu “đang”, lời “khắp” của núi rừng quê hương: "Gia đình tôi có các chị hoạt động văn hóa văn nghệ, cả ông nội rất say mê nhạc cụ dân tộc, nhất là khèn bè, chắc tôi ảnh hưởng từ lòng say mê đó. Dần dần tôi lớn lên tự học, rồi tự xem các chị biểu diễn hát Đang, nghe ông già thổi khèn… nó ăn vào tâm trí của tôi; đi đâu nghe được tiếng khèn bè là tôi sướng lắm".
Là người dân tộc Mường, song nhạc sỹ Mùi Hái vẫn được bà con các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú…coi là người con của dân tộc mình, bởi ông có những sáng tác “để đời” về dân tộc của họ, như “Tình ca Hưn Mạy” – tác phẩm đầu tay của mình là ông viết về dân tộc Khơ Mú, “Hương chè Tà Xùa” là ca khúc mang đậm chất văn hóa Mông…
Ông bảo, muốn sáng tác được các bài hát, điệu múa về dân tộc nào thì nhất định phải hiểu sâu, hiểu kỹ nét văn hóa của dân tộc đó. Và phải sống với đồng bào, sinh hoạt cùng đồng bào thì mới có thể cảm nhận được và nói được tiếng lòng của họ.
"Sáng tác cho người Mông thì phải làm đúng chất liệu của người Mông, người Khơ Mú cũng thế, người Mường cũng thế, người Thái cũng thế. Ví dụ nói về âm hưởng của dân tộc Thái chẳng hạn, mình phải nắm được người Thái có những đặc trưng gì, hát theo thể loại nào. Mà người Mông luyến khác, ngưới Thái luyến khác, người Mường luyến khác. Ví dụ người Mông luyến ớ ơ hớ, nhưng người Thái lại luyến ơ hớ…nó có khác nhau, nên phải nắm được cái đó, muốn viết nó mới ra được, mới có tác phẩm hay" - Nhạc sĩ Mùi Hái chia sẻ.
Nhạc sỹ Mùi Hái bắt đầu bước vào con đường sáng tác nghệ thuật từ những năm 1970, lúc 20 tuổi, ông tham gia lớp âm nhạc ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái và sau này là lớp trung cấp sáng tác ở Hòa Bình. Ra trường năm 1980, ông về công tác tại đoàn ca múa tỉnh Sơn La, nay là Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Sơn La. Năm 1992, nhạc sỹ Mùi Hái tiếp tục theo học tại khoa sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội và ông là một trong số ít các sinh viên người dân tộc thiểu số theo học tại trường khi đó.
Hơn 10 năm nay, sau khi nghỉ công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Sơn La, ông chuyên tâm vào việc sáng tác và dàn dựng các bài nhạc múa cho các chương trình lớn của Sơn La và các tỉnh Khu vực Tây Bắc. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sỹ Mùi Hái đã cho ra đời gần 200 tác phẩm âm nhạc, với hơn 150 bài hát và gần 50 bản nhạc múa. Những sáng tác của ông mang đậm hơi hướng dân ca, gần gũi với chính cuộc sống của đồng bào, nên được nhiều người yêu thích.
"Tôi thực sự rất thích nghe các bài hát mà nhạc sỹ Mùi Hái sáng tác. Nó có cái gì đó mà khi nghe, người ta cảm nhận được sự khỏe khoắn, cái trong trẻo, hồn nhiên của người vùng cao; hay những nét đẹp văn hóa các dân tộc được nhạc sỹ khắc họa rất rõ nét", "Nhạc sỹ Mùi Hái đúng là người con của núi rừng Tây Bắc. Nghe các bài hát ông sáng tác, mọi người sẽ thấy yêu hơn, quý hơn nét đẹp văn hóa dân tộc, cũng như bản làng mình, quê hương của mình".
Đó là 2 trong số nhiều người yêu thích âm nhạc của Nhạc sỹ Mùi Hái sáng tác. Còn với nhạc sỹ Mùi Hái thì luôn trăn trở: hiện tại, đội ngũ sáng tác người dân tộc thiểu số quá ít, nhiều tác phẩm do các bạn trẻ sáng tác chỉ có tính chất hô hào, rồi chìm vào quên lãng. Vì vậy, ông mong muốn có nhiều hơn những người tâm huyết với việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa của dân tộc; các nhà quản lý, các nhà trường cũng cần ưu tiên đào tạo những người dân tộc có năng khiếu về sáng tác, giúp họ có những tác phẩm hay về núi rừng, về con người Tây Bắc tươi đẹp và nên thơ…"./.