Nhà sử học Dương Trung Quốc tiết lộ chuyện chấm thi Hoa hậu
VOV.VN - Năm 2016, nhà sử học Dương Trung Quốc làm Trưởng BGK cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016.
Là cái tên được nhắc đến nhiều trên nghị trường với những phát ngôn thẳng thắn, năm 2016, nhà sử học Dương Trung Quốc còn gây nhiều bất ngờ khi ngồi ở vị trí Trưởng BGK cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016. Ông đã có những chia sẻ thú vị cùng VOV.VN trong cuộc trò chuyện cuối năm,
Phóng viên: Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, ngoài hình ảnh của một Đại biểu Quốc hội, việc ông ngồi ghế Trưởng BGK của cuộc thi HHVN 2016 cũng ấn tượng không kém. Ông có thể chia sẻ về điều này?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đây không phải là lần đầu tiên tôi làm giám khảo của một cuộc thi hoa hậu. Nhưng với HHVN 2016 lại có một dấu ấn riêng. Ngoài lịch sử và quy mô được đánh giá cao, năm nay cuộc thi HHVN còn đánh dấu nhiều điểm mới so với trước đây.
Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Có hai yếu tố được nhắc đến nhiều đó là công nghệ làm đẹp và truyền thông. Hiện nay công nghệ làm đẹp là chính đáng. Tuy nhiên, cuộc thi HHVN lại tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên. Chính điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề. Công nghệ làm đẹp bây giờ rất tinh xảo và khó phát hiện. Ngay trong hội đồng BGK cũng chỉ có một bác sĩ nhân trắc học chứ không phải bác sĩ chuyên ngành. Có những chi tiết cần phải phân biệt và cụ thể, ví dụ như việc niềng răng, nhổ răng có bị xem là vi phạm quy chế vì can thiệp vào vẻ nguyên bản. Chưa kể, có trường hợp có người bị tai nạn và phải thay đổi bộ phận nào đó trên cơ thể. Ngồi ghế BGK HHVN năm 2016, cả tôi và các thành viên trong BTC đều nhận ra những bất cập, nhưng đã là điều lệ thì cần phải tuân thủ.
Phóng viên: Nói như thế nghĩa là điều lệ đã làm khó các thí sinh và cần phải thay đổi?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đúng là điều lệ đang làm khó cho không chỉ thí sinh mà cả BGK và BTC. Tuy nhiên, để khắc phục và thay đổi điều lệ đến đâu, đặt ra cái ngưỡng nào cho nhan sắc tự nhiên sao cho phù hợp với xu thế hiện nay là một vấn đề lớn.
Một vấn đề cũng cần được đặt ra, đó là cách xử lý truyền thông. Trong quá trình diễn ra cuộc thi, việc một vài thí sinh bị rò rỉ các thông tin đời tư đã nhiều phen khiến BGK và BTC đau đầu.
Có người đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ BGK cho vương miện hoa hậu nhưng cuối cùng bị đánh trượt chỉ vì những thông tin từ mạng xã hội. Không phải là chúng tôi chịu sức ép từ dư luận mà bởi vì những thông tin đó cuối cùng được xác nhận là đúng.
Nhà sử học Dương Trung Quốc trên ghế giám khảo cuộc thi HHVN 2016. |
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, thông tin trên mạng rất quan trọng nhưng cách chúng ta tiếp nhận và xử lý như thế nào. Một cuộc thi mang tầm quốc gia thì điều chỉnh điều lệ cần phải được cân nhắc kỹ càng. Cái ngưỡng về vẻ đẹp tự nhiên cần được đặt ra. Nhưng nhất định HHVN không thể là một cuộc thi về công nghệ làm đẹp. Hoa hậu mà làm lại cả bộ răng thì không được.
Ví dụ như gần đây có những người phản ứng với một vài phát ngôn trên mạng xã hội của hoa hậu. Chúng ta nên biết rằng, ngôn ngữ trên mạng khác với ngôn ngữ ngoài đời. Nó có một quy ước khác và nó đang có xu hướng trở thành lựa chọn của giới trẻ.
Phóng viên: Một nhà sử học chấm thi hoa hậu, ông có cảm thấy danh xưng và vai trò này lệch nhau?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nhà sử học là cách mà bạn bè và đồng nghiệp ưu ái gọi tôi thôi. Thực tế tôi chỉ là cử nhân sử học. Ai đó nhầm tôi là giáo sư hay tiến sĩ là không đúng. Theo cách hiểu của tôi, nhà sử học phải là một nhà nghiên cứu lịch sử rộng lớn, uyên bác. Danh xưng ấy có lẽ quá lớn đối với tôi. Nhưng ở một góc độ nào đó tôi là người đã truyền bá lịch sử vào đời sống xã hội. Còn việc tôi đi chấm thi hoa hậu lại xuất phát từ cái duyên. Hơn nữa tôi còn là ủy viên của Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội. Việc tôi có mặt trong những cuộc thi như HHVN chính là cách để tôi làm tốt vai trò của mình ở lĩnh vực này.
Phóng viên: Và còn bởi ông là một người yêu cái đẹp và có con mắt xanh?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cái đẹp thì ai cũng yêu, cũng rung động. Khi tham gia chấm hoa hậu, tôi đặt ra cho mình nhiều trách nhiệm hơn. Trách nhiệm tìm kiếm cô gái đẹp nhất, xứng đáng đại diện cho vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam.
Hơn nữa, mọi người đừng nghĩ rằng nhà sử học thì chỉ có râu bạc, nghiêm chỉnh và cổ kính. Điều đó không hoàn toàn đúng với tôi.
Phóng viên: Ông nghĩ sao khi có người nhận xét tân hoa hậu Việt Nam 2016 - Đỗ Mỹ Linh, không phải là cô gái đẹp nhất trong cuộc thi?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cái đẹp thì vô cùng. Ai định lượng được cái đẹp. Ai dám nói cô này đẹp nhất cô kia xấu nhất? Không khẳng định được điều này. Hoa hậu chỉ là cô gái đẹp nhất trong cuộc thi, do hội đồng BGK năm đó bình chọn. Trong từng cuộc thi, kết luận cuối cùng vẫn thuộc về hội đồng giám khảo. Và họ là người chịu trách nhiệm cuối cùng về lựa chọn của mình. Chấm thi hoa hậu, tôi và các thành viên BGK luôn cố gắng tiếp cận và tôn vinh vẻ đẹp hoàn hảo nhất. Còn dư luận xã hội thì không thể đo đếm, định lượng được. Không có chuẩn mực cho một khuôn mặt hay vẻ đẹp nào.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng Hoa hậu Việt Nam đang thiếu kỹ năng ứng xử?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đây là một vấn đề đang được tranh luận nhiều nhất hiện nay. Nhưng ngay cảchuyện này cũng chỉ là yếu tố tương đối và có nhiều góc nhìn khác nhau. Người tiền nhiệm của Hoa hậu Mỹ Linh (Hoa hậu Kỳ Duyên – PV) bị báo chí cho rằng cô ấy mắc nhiều sai sót trong ứng xử. Nhưng tôi cho rằng tai tiếng đó xuất phát từ góc nhìn quá khắt khe. Cùng một bức ảnh nhưng ở mỗi góc chụp lại có cái nhìn khác nhau. Nếu chân thành góp ý, người đối diện sẽ không chụp ảnh một người đang ngủ và tung lên mạng như thế, vô tình biến hình ảnh người khác trở nên méo mó trong mắt nhiều người. Trong trường hợp Kỳ Duyên, người chụp đã vi phạm quyền riêng tư của cá nhân. Chúng ta mong đạt đến giá trị tốt nhất nhưng cách góp ý phải hợp lý.
Phóng viên: Quan điểm về cái đẹp của ông có thay đổi theo thời gian?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Bây giờ mình nhìn một mái tóc màu mè, rối rắm thì rất nhức mắt nhưng phảichấp nhận thôi vì giới trẻ họ thích vậy. Hiện nay xã hội thay đổi nhiều đến mức chỉ cần một cuộc đời thôi là đã chứng kiến bao nhiều chuyện thăng trầm. Không giống như ngày xưa, lúc đó xã hội rất ổn định. Vì thế mới tạo ra những chuẩn mực.
Phóng viên: Vẫn làm giám khảo hoa hậu, tiếp tục một nhiệm kỳ nữa ở vị trí ĐBQH, ông có quá nhiều việc để làm thay vì nghỉ ngơi giống nhiều người ở tuổi 70?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Ai cũng muốn tuổi già để thu vén, tổng kết. Nhưng mỗi người một hoàn cảnh. Năm nay tôi 70 thì đến năm 75 tuổi mới hết nhiệm vụ của một ĐBQH. Tuổi nào rồi cũng có sự kết thúc, không thể thoái thác được. Có nhiều người lựa chọn kết thúc bằng cuộc sống “mũ ni che tai”, có người tìm sự tất yếu trong tôn giáo, có người tìm thấy sự kết thúc trong sự phiêu lưu. Tôi lại tìm sự kết thúc trong nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông./.