Nhạc sĩ Giáng Son: Nổi loạn để khán giả nhận ra mình
VOV.VN - "Khi sáng tác, điều đầu tiên Giáng Son chú ý chính là tác phẩm muốn nói tới điều gì".
PV: Xin chào nhạc sĩ Giáng Son. Những người yêu thích các sáng tác của chị đều nhận định rằng âm nhạc của chị rất nữ tính và nét nữ tính ấy là một điểm đặc trưng để nhận diện. Chị có ý kiến thế nào về nhận định này?
Nhạc sĩ Giáng Son: Mình cảm thấy rất vui vì nhận định đó của mọi người. Dẫu gì Giáng Son cũng là phụ nữ, nếu những sáng tác của mình được nhận xét là nữ tính thì dĩ nhiên là cảm thấy vui rồi. Nếu “được” nhận xét là nhạc của mình nam tính quá thì mới là điều đáng lo ngại phải không? (cười)
Nhạc sĩ Giáng Son |
PV: Điều đó có liên quan gì đến tính cách của chị không?
Nhạc sĩ Giáng Son: Có lẽ là liên quan. Vì với nhạc sĩ, âm nhạc chính là con người họ, biểu hiện họ ra sao. Bạn bè Giáng Son cũng nhận xét rằng Giáng Son rất nữ tính và hiền đấy chứ!
PV: Không chỉ cá tính trong chất liệu âm nhạc, nhiều bài hát của Giáng Son còn rất ấn tượng ở cách đặt tên, những cái tên rất ngắn chỉ có một từ như : “Sóng”, “Anh”, “Mưa”,… và gần đây là “Chạm”. Tại sao Giáng Son lại đặt tên các bài hát theo cách như vậy? Đó có phải là cách để Giáng Son tạo ấn tượng?
Nhạc sĩ Giáng Son: Thực ra, cách đặt tên này đã có từ khi Giáng Son bắt đầu chập chững bước vào nghiệp sáng tác, khi đó Giáng Son mới chỉ 16 tuổi. Bài hát đầu tên Giáng Son viết có tên là “Mưa”. Tiếp đó là “Sóng”, rồi “Anh”, “Em”. Đến bây giờ vẫn tiếp tục là bài hát “Chạm”, rồi “Khát”, “Tìm”… Giáng Son luôn tâm niệm rằng với mỗi bài hát, chỉ 1 từ thôi cũng là quá đủ để có thể nói hết được chủ đề của bài và ý đồ của mình rồi. Vì thế, Giáng Son chỉ cần 1 từ đặt tên cho mỗi bài hát.
PV: Khi sáng tác, Giáng Son quan tâm đến yếu tố gì nhất?
Nhạc sĩ Giáng Son: Khi sáng tác, điều đầu tiên Giáng Son chú ý chính là tác phẩm muốn nói tới điều gì. Và điều thứ 2 quan trọng không kém chính là giai điệu của bài hát đó. Giáng Son nghĩ rằng giai điệu hay thôi chưa đủ, mà còn phải gây được xúc cảm đối với người nghe. Có như vậy, xúc cảm mới từ trái tim mình đến với trái tim người khác được.
PV: Các sáng tác của chị thường có sự kết hợp với nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến về phần lời ca. Có vẻ như chị rất đồng điệu về tâm hồn với Nguyễn Vĩnh Tiến ?
Nhạc sĩ Giáng Son: Trong một số bài hát, Giáng Son thường viết phần nhạc trước, rồi sau đó đề nghị anh Tiến cộng tác về phần lời. Tức là anh Tiến viết lời trên phần nhạc của Giáng Son. Phải nói rằng, anh Tiến là một trong số những nhà thơ đồng điệu nhất với âm nhạc của Giáng Son.
Sự đồng điệu này cũng khó giải thích lắm, nó được thể hiện qua ca khúc của mình. Ví dụ, mọi người nghe đều cảm thấy giữa nhạc và thơ có sự “ăn xăm”, đồng điệu với nhau. Có thể nói, anh Tiến là một người mở khóa âm nhạc của Giáng Son rất giỏi. Có thể, các nhà thơ khác họ sẽ mở khóa nhạc của mình theo một cách khác nhưng Giáng Son nghĩ anh Tiến mở khóa nhạc của mình là hợp lý nhất.
PV: Thời gian trước, khi còn là một thành viên của nhóm nhạc Năm Dòng Kẻ, những sáng tác của chị đã được đánh giá cao, và thậm chí có ý kiến cho rằng những sáng tác của chị đã xác lập ngôn ngữ âm nhạc riêng cho nhóm thời điểm ấy. Chị nghĩ như thế nào về điều này?
Nhạc sĩ Giáng Son: Quả thực là thời gian còn ở nhóm Năm Dòng Kẻ, chỉ có mình Giáng Son là người có khả năng sáng tác. Sau này, đến khi Bảo Lan vào nhóm thì cô ấy cũng đã có sáng tác rồi nhưng vẫn chưa nhiều lắm. Thời gian đó, nhóm toàn biểu diễn những ca khúc của Giáng Son là chính. Có lẽ thế mà nhóm cũng đã có được một màu sắc riêng, lúc đó nhóm lại vào miền Nam phát triển sự nghiệp nên rất cần có những ca khúc của riêng mình. Nếu như chỉ hát lại những ca khúc của nhóm khác đã hát, của những nhạc sĩ khác thì nhóm đâu còn màu sắc của riêng mình nữa.
PV: Có thể nói, Năm Dòng Kẻ là một nhóm nhạc nữ đạt được nhiều thành công lớn. Vậy, chia tay với nhóm Năm Dòng Kẻ có phải là một khó khăn với chị không? Có khi nào chị cảm thấy tiếc vì điều ấy?
Nhạc sĩ Giáng Son: Đương nhiên sự chia tay nào cũng rất khó khăn. Giáng Son vào nhóm khi còn là một sinh viên trẻ, đầy nhiệt huyết và muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực. Bản thân mình lại có khả năng sáng tác, những người bạn của mình là ca sĩ, điều đó tạo nên điều kiện tốt khi mình đứng chung với họ và cũng được gọi là ca sĩ.
Thế nhưng, qua năm tháng, Giáng Son nhận ra rằng mình không phải là ca sĩ, mình chỉ là nhạc sĩ đứng chung nhóm với các ca sĩ thôi. Đến khi nhóm đã trưởng thành, đồng thời, Giáng Son cũng đã tốt nghiệp chuyên ngành sáng tác, trở thành giảng viên của trường sân khấu điện ảnh, đó là lúc Giáng Son đã phải quyết định con đường sự nghiệp của mình như thế nào. Và Giáng Son đã quyết định trở về với chính mình – một người nhạc sĩ sáng tác như bây giờ.
PV: Những sáng tác của chị luôn được các bạn trẻ lựa chọn để thể hiện, đặc biệt là trong những cuộc thi âm nhạc. Kể cả những ca sĩ có tên tuổi cũng muốn thử sức với những bài hát nữ tính của chị. Với vai trò là tác giả, chị cảm thấy như thế nào?
Nhạc sĩ Giáng Son: Có lẽ các ca khúc của Giáng Son rất có duyên với các cuộc thi, vì bài hát của mình có quãng rộng để các bạn có thể khoe được giọng hát. Tuy nhiên, Giáng Son có một chia sẻ với các bạn. Đó là trước khi hát, các bạn nên tìm hiểu về bài hát của Giáng Son một chút để biết được bài hát nói về điều gì, tâm tư tình cảm của nó ra sao. Khi biết rồi, các bạn có thể hát ca khúc được hay hơn, thể hiện cái hồn bài hát rõ nét hơn, từ đó đem tới thành công nhiều hơn cho các bạn.
PV: Những sáng tác của nhạc sĩ Giáng Son không phải dễ thể hiện và chắc chắn không phải ai thể hiện cũng khiến tác giả hài lòng. Chị cảm thấy thú vị với những giọng ca nào đã thể hiện bài hát của mình?
Nhạc sĩ Giáng Son: Có rất nhiều ca sĩ hát những ca khúc của Giáng Son mà mình cảm thấy tâm đắc như: Tùng Dương, Nguyên Thảo, Hà Linh, Khánh Linh, Mỹ Lệ…và một số ca sĩ trẻ như Văn Mai Hương. Một số các bạn trẻ tham gia các cuộc thi âm nhạc cũng có cách thể hiện khá độc đáo. Tuy trải đời chưa nhiều nhưng các bạn lại có nhiệt huyết tuổi trẻ - điều mà nghệ thuật rất cần ở các bạn.
Nhạc sĩ Giáng Son: Có nhiều người không học sáng tác một ngày nào cả nhưng họ vẫn sáng tác được ca khúc. Chỉ cần có một chút năng khiếu, chút tình yêu âm nhạc và chút cảm xúc là họ có thể viết được ca khúc. Có nhiều người học sáng tác lâu năm trong trường nhưng vẫn chưa có được một tác phẩm nào được công chúng yêu thích và biết đến cả. Vì thế, điều đầu tiên trong hành trang đó chính là các bạn phải có năng khiếu.
Năng khiếu này phải xem trời có cho mình không đã, nếu không cứ cố viết thì… cũng viết ra bài thôi. Nhưng bài sẽ không hay, mà không hay thì sẽ để đấy, mà để đấy rồi thì ai biết đến, ai nghe đến được. Điều đáng nói còn là sự rèn luyện và không ngừng học hỏi. Học bằng cảm quan, tư duy của mình là quan trọng nhất, dù có qua trường đào tạo hay không.
Nhạc sĩ Giáng Son: Tất nhiên là khác chứ. Khi sáng tác, mình hoàn toàn có thể “đầu bù tóc rối”, quay cuồng với những nốt nhạc của mình, điên cuồng thả ngón tay trên phím đàn, chẳng ai bên cạnh cả, muốn làm gì thì làm. Còn khi lên lớp, Giáng Son lại là một cô giáo nghiêm nghị, khiến các bạn sinh viên cũng sợ!
PV: Một Giáng Son của đời thường liệu sẽ có tràn đầy lãng mạn và nữ tính như những tác phẩm của chị không?
Nhạc sĩ Giáng Son: Điều này có lẽ phải để người ngoài nhận xét, chứ để Giáng Son tự nhận xét mình thì không được khách quan cho lắm. Khi về đến nhà, mình cũng như bao người phụ nữ khác trong gia đình, cũng bận rộn với cơm nước, việc gia đình… Mình nghĩ là chẳng có gì khác cả.
PV: Cảm ơn Giáng Son. Chúc chị luôn thành công./.