NSƯT Kim Anh nỗ lực quảng bá âm nhạc dân tộc trên làn sóng VOV
VOV.VN - Từ khi trở thành biên tập viên của Hệ VOV3, NSƯT Kim Anh nỗ lực quảng bá cây đàn bầu và nhiều loại nhạc cụ dân tộc trên làn sóng phát thanh.
Từ khi tạm biệt Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, rời xa ánh đèn sân khấu, trở thành BTV của phòng Dân ca Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí Đài TNVN (VOV3), NSƯT Kim Anh nỗ lực quảng bá cây đàn bầu và nhiều loại nhạc cụ dân tộc trên làn sóng phát thanh.
Yêu đàn bầu từ lần đầu cầm que gảy
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, mẹ là NSƯT Kim Oanh, nguyên diễn viên Đoàn ca nhạc Đài TNVN, bố là nhạc sĩ Nguyễn An, nhưng vì thấm nỗi vất vả, khó khăn trong hoạt động nghệ thuật, bố mẹ không hướng cho con cái theo nghề. Thế nhưng, Kim Anh lại yêu nghệ thuật đến nỗi năm 16 tuổi, chị giấu bố mẹ nhờ bạn đăng ký dự thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Thi đỗ, chị được NSND Thanh Tâm nhận vào bộ môn đàn bầu - Khoa Nhạc cụ Truyền thống.
Tiếng đàn bầu của NSƯT Kim Anh làm đắm say bao người. (Ảnh: P.V) |
Lần đầu cầm que gảy, nghe âm thanh thánh thót vang lên, Kim Anh đã mê mẩn cây đàn độc đáo của dân tộc. Dù thời gian đầu phải học đuổi theo các bạn đã học từ sơ cấp, nhưng sẵn có năng khiếu, và niềm say mê cây đàn, Kim Anh không gặp khó khăn gì. Học đến bậc đại học, Kim Anh bắt đầu theo bạn bè, thầy cô đi biểu diễn. Chị còn cùng các bạn trong Khoa Nhạc cụ Truyền thống thành lập nhóm nhạc dân tộc trẻ mang tên “Bồ câu trắng”.
Ra trường, chị được nhận về làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Dù thường xuyên đi biểu diễn khắp mọi miền đất nước và không ít những chuyến xuất ngoại, nhưng NSƯT Kim Anh không ngại tham gia biểu diễn ở nhà hàng.
“Ngoài mục đích kiếm tiền, tôi thấy đó còn là cơ hội quảng bá nhạc cụ dân tộc. Khách ăn ở nhà hàng rất nhiều người nước ngoài, họ đặc biệt thích thú âm thanh của nhạc cụ độc đáo này, nhất là khi được nghe bản nhạc của nước họ qua cây đàn bầu. Họ thường đến hỏi han, tìm hiểu chụp ảnh, ghi âm, quay clip. Khi về nước, họ lại giới thiệu cho người thân, bạn bè. Đi diễn ở nhà hàng đã rèn cho tôi tính kiên trì, chịu khó tìm tòi. Tôi tập cho mình thói quen nghe nhạc, nghe hát ở mọi nơi, mọi lúc để đáp ứng yêu cầu công việc. Nhu cầu của khách rất đa dạng. Vì thế, mỗi thể loại âm nhạc, tôi phải thuộc, hiểu vài ba bài. Chỉ có hiểu những ca khúc ấy, tôi mới có thể thả hồn thể hiện tốt nhất những giai điệu của bài ca” - NSƯT Kim Anh chia sẻ.
Muốn quảng bá đàn bầu trên sóng phát thanh
40 tuổi, NSƯT Kim Anh quyết định về làm việc tại VOV3, Đài TNVN trong sự ngỡ ngàng của anh chị em Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và người yêu nhạc cụ dân tộc. “Tôi muốn về Đài để tiếp nối truyền thống của gia đình, cũng là để có cơ hội giới thiệu nhiều hơn các loại nhạc cụ dân tộc, nhất là đàn bầu trên sóng phát thanh” - NSƯT Kim Anh nói về lý do chị gắn bó với VOV3.
Tiếng đàn bầu có sức lay động lòng người. Không ít chuyên mục của Đài TNVN có nhạc hiệu là tiếng đàn bầu như chuyên mục Tiếng Thơ, Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, Dân ca và nhạc cổ truyền. Thế nhưng, NSƯT Kim Anh thấy rất buồn khi mang đàn bầu đi biểu diễn mà có không ít người hỏi đó là đàn gì? “Tôi muốn âm thanh của đàn bầu được lan truyền rộng hơn nữa để mỗi khi nói đến đàn bầu, mọi người hình dung được âm thanh và hình dáng của đàn bầu”- NSƯT Kim Anh chia sẻ.
Khi về phòng dân ca, NSƯT Kim Anh đề xuất xây dựng chuyên mục “Cung đàn Quê hương”. Chuyên mục giới thiệu những bản nhạc viết cho đàn dân tộc, phỏng vấn nghệ sĩ, nhạc sĩ về những bản nhạc. Sau khi nghe chia sẻ của nhạc sĩ, nghệ sĩ, thính giả lại được nghe bản nhạc, thính giả sẽ hiểu và thêm yêu những bản nhạc và âm thanh từ các loại nhạc cụ của dân tộc.
Với sự hiểu biết và tình yêu đặc biệt dành cho đàn bầu, NSƯT Kim Anh đã có nhiều bài viết giới thiệu về cây đàn bầu gây được sự chú ý của thính giả. Tại cuộc Hội thảo khoa học về cây đàn bầu tổ chức ở Hà Nội ngày 21/10/2016, NSƯT Kim Anh tham gia với tham luận: “Tiếng đàn bầu - Từ làn sóng phát thanh đến đời sống văn hóa thường ngày”, khẳng định niềm tự hào và tầm quan trọng của cây đàn bầu trên sóng phát thanh và trong đời sống.
13 năm công tác tại VOV3, điều NSƯT Kim Anh đau đáu là tiếp tục được thu thanh những bản nhạc nổi tiếng như trước. “Tôi mong công việc này vẫn được tiếp tục để làm giàu thêm kho tư liệu âm thanh của Đài” - NSƯT Kim Anh bày tỏ./.