NSƯT Văn Chương: Khi chèo là duyên nghiệp

VOV.VN -Sở hữu chất giọng ngọt ngào, ấm áp cùng lối diễn xuất tinh tế giàu cảm xúc, NSƯT Văn Chương đã tạo cho mình chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng.

Dù sinh ra trong một gia đình không có người làm nghệ thuật ở Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội), song NSƯT Văn Chương lại lớn lên trên mảnh đất Xứ Đoài mây trắng, nơi có chiếng chèo Đoài nổi tiếng và cũng là quê hương của nhiều nghệ sĩ danh tiếng. Bởi vậy, anh đã biết nghe, biết thưởng thức chèo từ khi còn nhỏ. Năm 1984, khi vừa tròn 16 tuổi, chàng trai trẻ Văn Chương háo hức thi tuyển vào Đoàn chèo Hà Tây với một niềm tin cháy bỏng sẽ theo nghiệp chèo đến trọn đời. Sau khi trúng tuyển, vừa theo đoàn tập luyện, biểu diễn, vừa tự tìm tòi học hỏi, nghệ sĩ Văn Chương dần dần đã gom góp cho mình được một vốn liếng chèo kha khá.

NSƯT Văn Chương.

Theo NSƯT Thu Trang, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, ở nghệ sĩ Văn Chương là sự hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một diễn viên chèo: “Chúng ta biết NSƯT Văn Chương khi anh còn công tác ở đoàn chèo Hà Tây ngày xưa, anh là một gương mặt sáng giá trên sân khấu chèo".

Có thể vào vai rất “ngọt” ở cả chèo cổ và chèo cải biên, song như cái duyên tiền định với nghệ thuật chèo cổ, NSƯT Văn Chương chỉ thực sự thành công với những vai diễn đậm chất chèo. Đó là một Văn Chương sang trọng, hào hoa trong các vai Hoàng tử vở: “Tấm Cám”, và trích đoạn: “Hoàng Trìu kén vợ”, đặc biệt là vai Lưu Bình trong vở: “Lưu Bình Dương Lễ”… và hàng loạt vai diễn trong những vở mang đề tài lịch sử như: Phạn Huy Chú trong vở “Dáng Trúc Sài Sơn”; ông Nghè trong vở “Truyền thuyết ông Nghè”…

NSƯT Văn Chương với vai diễn trong vở "Ngàn năm mây trắng".

Dù là vai diễn lớn hay nhỏ, NSƯT Văn Chương luôn tỉ mỉ, chỉn chu và hết mình để luyện tập không kể ngày đêm. Những phẩm chất ấy ở anh cho thấy sự chuyên nghiệp trong làm nghề và cũng là bởi anh luôn coi chèo là cái nghiệp mình theo đuổi suốt cuộc đời. Nghệ sĩ Chu Mạnh Cường, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam cảm nhận: “NSƯT Văn Chương mà ở cơ quan tôi hay gọi là chú Chương vì chú cháu rất gần gũi. Chú Chương là người đã thành danh trong nghề nhưng chú vẫn luôn luôn rèn luyện, luôn luôn dành tình yêu rất lớn cho bộ môn nghệ thuật hát chèo”.

Để trở thành một diễn viên chèo chuyên nghiệp cần phải hội tụ đủ 6 yếu tố: Thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần. Vậy nên, NSƯT Văn Chương tâm niệm chỉ có giọng hát trời cho và dáng vẻ hào hoa chưa đủ mà phải có kiến thức, phải học hỏi, phải khổ luyện mới mong tiến bộ. Hàng ngày, anh đón nghe các chương trình hát chèo, hát dân ca của Đài TNVN để học các nghệ sĩ bậc thầy về cách lấy hơi, nhả chữ, buông câu, ngắt nhịp, cách luyến láy sao cho tròn vành, rõ chữ, tinh tế và sang trọng. Khi Văn Chương hát chèo, diễn chèo, anh không chỉ hát, chỉ diễn mà còn biết thổi hồn cho nhân vật nên những bài ca và vai diễn của anh dù dài, ngắn, dù là làn điệu gì và vai diễn nào vẫn mang được hết sức nặng của nội dung, được bạn bè đồng nghiệp và khán giả đánh giá cao.

NSND Hồng Ngát, Phó Giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ: “Khi mình hát không có khán giả là điều thiệt thòi cho diễn viên, thế nhưng nghệ sĩ ưu tú Văn Chương vẫn truyền tải được tới thính giả cái hồn, cái cốt của bài hát. Khi nghe NSƯT Văn Chương hát ca ngợi về Đảng, Bác, mùa xuân, quê hương, người mẹ, người lính, ta cứ nhắm mắt mà nghe thì cũng cảm thấy nghệ sĩ đang gửi gắm tất cả tình cảm đó. Cái đó không phải bất cứ nghệ sĩ nào khi đã biết hát, biết diễn trên sân khấu mà truyền cảm được giọng hát của mình qua làn sóng được như vậy”. 

Người sành chèo, yêu chèo đánh giá NSƯT Văn Chương có một giọng hát mà ít nghệ sĩ nào có được. Giọng hát “Thổ Màu”, ấm áp, dày dặn, vang, rền và sang, cùng lối diễn đằm thắm, tinh tế đã giúp cái tên Văn Chương in dấu ấn sâu đậm trong lòng khán, thính giả yêu chèo. Với NSƯT Văn Chương, đến với chèo là cái duyên, song để theo nghiệp chèo là cả nỗ lực không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên