Rớt nước mắt trước câu chuyện chưa bao giờ kể về NSƯT Trần Hạnh
Mới đây, diễn viên Tùng Dương đã chia sẻ một câu chuyện đầy xúc động về “bố” Trần Hạnh trên phim trường “Tình đời”.
Những ngày qua, thông tin NSƯT Trần Hạnh đã cao tuổi nhưng hàng ngày phải ngồi một góc vỉa hè bán giày dép, mũ bảo hiểm… để mưu sinh đã khiến cho không ít người xót xa. Nhiều người thậm chí còn liệt ông vào hàng những nghệ sĩ Việt có cuộc sống khốn khó khi về già.
Tuy nhiên, thực tế, khi trò chuyện với phóng viên, NSƯT Trần Hạnh đã rất nhiều lần phủ nhận câu chuyện này. Ông cho biết, cuộc sống của ông không tới mức khốn khó như mọi người đồn đại mà chỉ là ông muốn có một cuộc sống giản dị và không phô trương khi đã ở tuổi xế chiều.
Bản thân chị Hồng - con dâu của NSƯT Trần Hạnh cũng cho biết, hàng ngày nghệ sĩ ra cửa hàng của chị chơi với con cháu cho khuây khoả chứ không phải ra để bán hàng. Mỗi lần ra cửa hàng, ông đều được cháu nội đưa đón bằng xe máy. Hàng tháng ông có lương hưu và nhiều khi ông còn cho tiền cháu nội.
NSƯT Trần Hạnh và con dâu. Ảnh: LT. |
Dẫu vậy, chuyện cuộc sống khi về già của nghệ sĩ Trần Hạnh vẫn được đưa ra bàn tán khá nhiều trên mạng xã hội. Mới đây, diễn viên Tùng Dương đã có những chia sẻ khá xúc động về nam nghệ sĩ này.
Diễn viên Tùng Dương cho biết, lứa diễn viên cùng thời với anh, trước anh một chút và cả thế hệ sau này đều yêu quý gọi NSƯT Trần Hạnh là bố. Người bố ấy trong mắt các diễn viên lúc nào cũng giản dị, gần gũi và hiền lành. Suốt mấy thập kỷ, hình ảnh của ông luôn bất biến khi gặp ai cũng thường trực một nụ cười hiền hậu hoặc 5 đầu ngón tay phải nhuốm vàng hơn so với 5 đầu ngón tay trái...
“Có lẽ những kỷ niệm mà tôi nhớ nhất về bố là vào khoảng thời gian đầu năm 1998, cách đây vừa tròn 20 năm. Ngày đó tôi làm tổ chức sản xuất cho bộ phim “Cô gái phòng 307” (khi phát sóng thì phim đổi tên thành “Tình đời”) của đạo diễn NSƯT Đỗ Thanh Hải, quay ở thành phố Bắc Giang. Các diễn viên trong phim gồm có bố Hạnh, NSND Hoàng Dũng, tôi và vợ tôi ngày đó là NSƯT Hoa Thuý.
Có một đêm đoàn quay khá khuya, bối cảnh ngay tại khách sạn đoàn ở. Thuý hồi đó đang có thai bé Búp tháng thứ 4, phải làm việc muộn nên cô ấy khá mệt, nôn oẹ liên tục, mặt xanh lét. Thấy vậy anh Hoàng Dũng bảo: “Thôi dừng đoạn này, quay đoạn khác cho con Thuý nó nghỉ đi, không ổn đâu”.
NSƯT Trần Hạnh dù trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời vẫn luôn giữ nụ cười hiền hậu. Ảnh: LT. |
Đạo diễn đồng ý, đoàn chuyển xuống dưới sảnh lễ tân quay đoạn khác, định quay xong cả đoàn sẽ đi ăn cháo đêm một thể. Tôi đưa vợ lên phòng nằm nghỉ xong vội quay xuống để tiếp tục triển khai cảnh quay thì cả đoàn ngơ ngác vì không thấy bố Hạnh đâu.
“Quái, bố đi đâu mà chả nói với ai”. Trong lòng tôi như lửa đốt, muốn quay cho xong nốt đoạn này để còn mua cháo mang lên cho vợ ăn, mà giờ thế này thì... bố Hạnh này lẩm cẩm thật, tuổi cao sức yếu muốn nghỉ thì cũng phải nói với đạo diễn hoặc tổ chức sản xuất là tôi chứ, ai đời lớn tuổi rồi mà lại làm ăn thế bao giờ?
Cả đoàn nháo nhác chia nhau đi tìm, phi lên cả phòng bố mà cũng không thấy. Đang lúc cơn bực bốc hoả đùng đùng trong đầu thì tôi nghe có tiếng gọi khe khẽ đằng sau: “Này, Dương!.. Dương cò lả!...”. Tôi vội ngoái lại thì thấy cái đầu bố lấp ló phía sau cột tường gần cổng sảnh, bàn tay bố khẽ thò ra vẫy tôi như không muốn ai nhìn thấy. Sau mấy giây định thần, tôi liếc nhìn xung quanh thấy mọi người đang chúi đầu vào Monitor để xem lại đoạn vừa quay.
Tôi lẳng lặng đi đến chỗ bố, miệng đã thường trực sẵn những câu trách móc phê bình về sự vô kỷ luật của bố nhưng vừa định mở mồm thì thấy bố giơ trước mặt tôi một bịch nilon, bên trong là dăm hộp sữa và mấy chiếc bánh ngọt: “Suỵt! Đừng nói gì, mang ngay lên cho vợ mày nó nạp, đàn bà có thai đừng để nó đuối sức, đoàn quay còn khướt mới xong, chờ cháo của đoàn thì vợ mày nó ngất từ đời tám hoánh nào rồi!”.
Trong phút chốc, tôi đơ mặt ra nhìn bố, chẳng nói được câu gì. Hoá ra từ nãy tới giờ, bố “biến mất” là vì lọ mọ đi mua sữa và bánh cho vợ tôi. Tôi thật sự xúc động không thốt nên lời dù chỉ là hai từ “cám ơn”...
Thấy tôi vẫn đứng ngây ra với vẻ mặt đần thối, bố ấn bịch sữa vào tay tôi: “Lên ngay đi đứng đây làm gì, thằng hâm!”. Bố đẩy tôi về phía cầu thang rồi hai tay đút túi quần, lững thững bước từ chỗ khuất về phía sảnh, nơi mọi người vẫn đang túm tụm.
Tôi sải bước phi lên cầu thang hai bậc một, còn nghe tiếng cái Phượng “ớt” thư ký ông ổng phía dưới: “Ơ bố Hạnh, bố đi đâu mà để cả đoàn tìm loạn khắp nơi?”. Tiếng bố đủng đỉnh trả lời “À, bố đi tìm mua bao thuốc lá ấy mà, không có thuốc không nhớ được thoại...”.
Đúng, không có thuốc thì bố đứng ngồi không yên thật, bố nghiện thuốc lá rất nặng, gần như điếu Thăng Long lúc nào cũng đỏ lửa trên môi, điếu này chưa tàn đã châm điếu khác. Nhưng cách đây ít phút tôi vẫn thấy hai bao thuốc đầy nguyên nằm trong hai túi ngực của chiếc áo bộ đội sờn cũ mà bố đang mặc.
Bố luôn phòng thủ rất chu đáo và tôi chắc chắn một điều rằng, bố không đi mua thuốc lá mà chỉ đi mua sữa và bánh cho vợ tôi, bằng sự quan tâm của người cha đối với những hậu bối mà bố coi như con...
Rồi sáng hôm sau, bối cảnh chuyển ra vỉa hè gần cổng khách sạn, quay cảnh tiệm bơm vá xe của ông Hoà (nhân vật mà bố đóng). Trong lúc cả đoàn còn đang lúi húi với một đống máy móc dây dợ thì bố đã chân đất, quần sắn ống lợn ngồi bệt ở vỉa ba toa với chiếc bơm và một thùng gỗ chứa toàn cờ lê mỏ lết đinh đầy dầu mỡ.
Và khi cảnh quay chưa bắt đầu thì một tình huống được dự báo trước đã xảy ra, một anh thanh niên mặc đồng phục công nhân lếch thếch dắt chiếc xe đạp xịt lốp tiến đến chỗ bố. Dường như không nhận ra bố là diễn viên và gần đó là máy quay phim, anh công nhân hồn nhiên vật chiếc xe xuống đất, hất đầu về phía bố: “Bị cắn đinh, ông vá dùm đi, nhanh lên con đang vội”.
Bố nhìn anh thanh niên, nhoẻn miệng cười, rồi ngay lập tức lôi các dụng cụ từ trong chiếc hòm gỗ, lúi húi tháo săm ra khỏi lốp xe, không quên kéo chiếc ghế con dưới mông ra mời anh thanh niên ngồi.
Thấy tình huống phát sinh có nguy cơ làm chậm tiến độ sản xuất của đoàn, thằng cu Tuấn - trợ lý của tôi tiến về phía cậu thanh niên. Dường như hiểu ý đồ của Tuấn, bố quay ra xua xua tay miệng oang oang: “Cơm hả? Cứ ăn trước đi, bố làm 5 phút xong ngay đây rồi!”.
Tuấn ngơ ngác, gãi đầu gãi tai nhìn về phía tôi. Tôi khẽ gật đầu, ra hiệu cho Tuấn ra khỏi hiện trường, không nỡ vì nhanh vài phút mà phá đi niềm vui nhỏ nhoi được giúp đỡ người khác của bố...”, diễn viên Tùng Dương kể.
Theo diễn viên Tùng Dương, đã 20 năm trôi qua nhưng hình ảnh của bố Hạnh trong anh vẫn giản dị như ngày nào. Vẫn với bộ quần áo sờn cũ, nụ cười tủm tỉm, vừa hiền lành, vừa tinh quái luôn thường trực trên môi. Có khác chăng là ông đã bỏ thuốc lá vì lý do sức khỏe và các nếp nhăn nhiều hơn đôi chút trên gương mặt khắc khổ, ám màu thời gian, ám màu theo những kỷ niệm mà anh không thể nào quên mỗi khi nghĩ về người bố đáng kính của mình. Một người nghệ sĩ của nhân dân và là một người bố trong lòng mỗi diễn viên thế hệ hậu bối như các anh./.