Đề Ngoại ngữ: “Không đánh đố, nhưng khó để đạt điểm tối đa”

VOV.VN - Thầy Đỗ Minh Trung, giáo viên tiếng Anh, đề thi Ngoại ngữ phân hóa rõ ràng trình độ của học sinh trung bình, khá và giỏi.

Đánh giá về đề thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, thầy Đỗ Minh Trung, giáo viên tiếng Anh cho rằng, đề thi năm nay tương đương so với đề năm ngoái. Đề thi theo sát chương trình mà Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã công bố hồi tháng 3/2020. 

Theo thầy Trung, các dạng câu hỏi trong đề thi đều quen thuộc với học sinh đã học chắc chương trình phổ thông và ôn tập kĩ trong thời gian vừa qua. Đề tương đối dễ lấy điểm đối với các thí sinh chỉ có mong muốn đạt điểm đỗ tốt nghiệp hoặc để đạt 5-6 điểm.

Thầy Đỗ Minh Trung (giữa) cùng các học sinh.

"Khi đọc đề các em sẽ tự tin làm bài vì các dạng đề này được thầy cô ôn tập kĩ trên lớp, đề bám sát cấu trúc đề minh hoạ của Bộ GD-ĐT và các đề mà Sở GD-ĐT của các tỉnh, các trường ĐH lớn đã đưa ra trong thời gian vừa qua (không có phần câu hỏi trong phần tinh giảm)", thầy Trung cho biết.

Đề thi năm nay chủ yếu tập trung vào các cấu trúc ngữ pháp, từ vựng và kiến thức ở cả chương trình PTTH, bao gồm: Phần ngữ âm có 4 câu (2 câu trọng âm và 2 câu phát âm); ngữ pháp và từ vựng có 18 câu (bao gồm 2 câu đồng nghĩa và 2 câu trái nghĩa); chức năng ngôn ngữ và giao tiếp có 2 câu; bài đọc và điền từ có 18 câu; bài viết có 5 câu, còn lại 3 câu là bài sửa lỗi sai.

Đề đã phân hóa rõ ràng trình độ của học sinh trung bình, khá và giỏi, số lượng câu nâng cao phân loại học sinh khá và giỏi tập trung chủ yếu bài đồng nghĩa, trái nghĩa và một vài câu ở phần từ vựng và một số câu hỏi ở bài đọc số 2.

Các câu trọng âm, phát âm; câu có thành ngữ, cụm động từ, cụm danh từ, hoặc giới từ đi kèm… đều nằm trong chương trình phổ thông và các thí sinh đều đã được gặp rất nhiều trong các đề luyện thi, các sách tham khảo. Vì vậy, các em thuộc khối thi có môn tiếng Anh sẽ làm nhanh hơn bởi đã quá quen thuộc, còn các thí sinh còn lại cần thời gian nhiều hơn để nhớ lại kiến thức mình đã học. Tuy nhiên, muốn đạt điểm trên 9.0 thí sinh phải cẩn thận và đọc kỹ từ cùng với vốn từ vựng và ngữ pháp rất chắc.

Phần bài đọc hiểu gồm: bài điền từ gồm 5 câu hỏi, trong bài này các em cần phải nắm chắc ngữ pháp, cấu trúc, sẽ nhanh chóng tìm ra đáp án và lấy trọn điểm bài này. Đối với bài đọc số 1 gồm 5 câu hỏi, đây là bài chỉ cần đòi hỏi học sinh với vốn từ vựng nhất định, đọc kỹ nội dung của bài và nội dung câu hỏi là có thể hoàn thành bài một cách dễ dàng.

Riêng đối với bài đọc số 2 là bài phân loại thí sinh, học sinh gặp rất nhiều từ mới và một số câu hỏi khó, cần suy luận nhiều khi làm. Vì vậy, để có thể trả lời đúng tất cả các câu hỏi bài này, học sinh cần phải có một vốn từ vựng tốt hoặc phải suy luận nhiều, phải cẩn thận dùng phương pháp loại trừ đáp án sai. Có thể phân loại được học sinh giỏi đối với bài này.

Phần từ đồng nghĩa trái nghĩa, những bạn học sinh trung bình hoặc khá chỉ có thể làm được 2 câu, 2 câu còn lại dành cho các thí sinh muốn đạt điểm trên 8.0, vì đây là những từ khó đoán, lạ và ít gặp, nên muốn làm đúng các câu này các bạn thí sinh phải ôn rất kĩ dạng bài tập này.

“Đề thi năm nay đã phân loại rõ được các nhóm học sinh chỉ cần điểm trung bình để đỗ tốt nghiệp, học sinh muốn điểm khá (từ 6-8 điểm) để vào các trường top 3, 4. Còn lại những học sinh muốn vào được các trường top 1, 2 (đạt được điểm từ 8 điểm đến trên 9) phải thực sự là học sinh giỏi và phải ôn luyện rất kỹ. Nhìn chung đề thi có độ khó vừa phải, bám sát cấu trúc đề thi minh họa, ma trận chặt chẽ và độ khó của các mã đề tương đương nhau, tạo sự công bằng cho các thí sinh. Đồng thời, đề cũng rất hay là đã đưa ra câu hỏi liên quan đến tình hình thời sự nóng hổi đó là vấn đề về dịch bệnh Covid-19”, thầy Trung nhận xét./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên