Xuân Nghị: "Tôi từng làm dọn phòng, bị ốm không có tiền mua thuốc"

VOV.VN - Xuân Nghị từng 2 lần thi trượt trường Sân khấu điện ảnh vì không có ngoại hình sáng, từng phải làm dọn phòng, phục vụ quán nhậu...

Trượt 2 lần trường Sân khấu-Điện ảnh vì không có ngoại hình

PV: Từ “Mr Cần Trô” của “Ngày ấy mình đã yêu” đến Cao Minh Bách của “Nhà trọ Balanha”, chỉ cần Xuân Nghị xuất hiện đã khiến khán giả bật cười. Anh dụng công xây dựng chất hài riêng của mình như thế nào?

Xuân Nghị: Diễn hài quan trọng nhất là nhịp thoại, cảm nhận và suy nghĩ về tình huống. Ví dụ một đoạn thoại muốn gây hài cho khán giả thì phải nhấn đúng cái tích tắc đó, nếu nhấn sai sẽ không đạt hiệu quả. Tôi thích hài phải có chiều sâu, chứ hài “chọc lét” chỉ có tác dụng gây cười cho khán giả trong chốc lát thôi.

PV: Vì sao sau “Ngày ấy mình đã yêu”, nhận được sự yêu mến lớn nhưng anh không “thừa thắng xông lên”?

Xuân Nghị: Thực ra sau “Ngày ấy mình đã yêu”, tôi mất một thời gian dài loay hoay và cảm thấy mình chưa vượt qua được cái bóng của “Mr Cần Trô”. Chỉ khi đến với “Nhà trọ Balanha, tôi mới thấy Cao Minh Bách là một vai diễn phù hợp với mình.

Tôi bỏ hết công việc ra Hà Nội quay phim hơn nửa năm trời, cát-sê cũng không nhiều, sống xa nhà khá vất vả nên bị sụt ký. Nhưng tôi coi đó là sự đánh đổi cần thiết của một người nghệ sĩ.

Đi quay cả ngày, buổi đêm tôi thường ngồi đọc hết các tin nhắn, bình luận về phim, về nhân vật của mình. Tự dưng bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết.

PV: Vai diễn Cao Minh Bách trong phim có nhiều sự tương đồng với Xuân Nghị hay không?

Xuân Nghị: Con đường Cao Minh Bách trùng hợp đến 80% con đường tôi đi, cũng bắt đầu từ rất nhiều khốn khó, cùng cực, cũng khởi nghiệp từ những vai diễn nhỏ đi lên.

Cao Minh Bách còn giống tôi ở ngoài đời là người hài hước, lạc quan, giàu tình cảm, luôn yêu quý mọi người.

PV: Xuân Nghị đến với nghề diễn như thế nào?

Xuân Nghị: Mọi chuyện bắt đầu với cái đài cát-sét mẹ mua cho tôi. Tôi thích nhất những tiểu phẩm hài của các anh chị Xuân Bắc, Tự Long, Minh Nhí, Hồng Vân…Tôi thường thu lại các tiết mục Gala cười, đêm về nghe đi nghe lại.

Năm lớp 8, khi xem tôi diễn một tiểu phẩm hài ở trường, một chị làm ở cơ quan Thông tin lưu động “bắt” tôi lên thành phố diễn một tiết mục về phòng chống ma tuý. Năm đó, tôi mới 15 tuổi và đoạt cả 2 giải “Diễn viên nhỏ tuổi nhất” và “Diễn viên diễn xuất tốt nhất”.

Biểu cảm hài hước của Xuân Nghị.

Sau đó tôi khăn gói đi thi trường Sân khấu - Điện ảnh. Năm đầu tiên tôi thi diễn viên, trượt. Thực ra tôi diễn được nhưng hồi đó trường cần diễn viên nam có ngoại hình. Thấy khó khăn quá, năm sau bèn đổi thi đạo diễn, cũng trượt nốt (cười). Sau đó, tôi đầu quân vào lớp diễn viên của Sân khấu kịch Hồng Vân.

Thời điểm đó, nhà tôi rất khó khăn. Khi tôi chuẩn bị vào TP.HCM học, bố tôi lại bị mất việc, gia đình cố lắm mới cho được 2 triệu đồng một tháng. Để có tiền mưu sinh, tôi đi đóng vai quần chúng.

Dậy từ 5giờ sáng, ra ngoại thành quay tới tối khuya được cát-sê 120 nghìn đồng. Rồi tôi đi lồng tiếng quần chúng, mà không phải dạng thoại có vai đâu, chỉ được vỗ tay, dậm chân, hay la hét thôi. Kiên trì thì tôi được “nâng cấp” lên vai xe ôm, có thoại 1-2 câu.

Cát-sê bèo bọt, tôi phải làm thêm ở quán nhậu, bán đá lạnh ở quán bia, làm nhân viên dọn nhà nghỉ. Mỗi tháng chăm chỉ đi dọn phòng tôi cũng kiếm được 1,6 triệu đồng; làm từ đêm đến sáng rồi đi học, chiều tối tập kịch rồi lại lao đi dọn phòng.

Quá lao lực, tôi bị sốt xuất huyết mà cũng không có tiền để mua thuốc uống, may mắn rồi cũng khỏi. Sau đận đó, tôi quyết định không đi làm thêm nữa, nhưng cũng không biết làm gì để kiếm tiền. Đó có lẽ là thời điểm khó khăn, tăm tối nhất trong cuộc đời. Yêu ai cũng bị chê nghèo, chê xấu, không ai dám yêu.

 

Không có tiền mua thức ăn, tôi đành uống nước cầm hơi. Cầm cố được một ngày một đêm, rồi may mắn tôi được gọi đi quay phim sitcom, nhận cát-sê 500 nghìn. Số tiền đó đủ để cầm cự được một tuần trời, rồi như được “trời thương” mà tôi trúng liên tiếp nhiều lời mời. Cuộc sống dần dà cũng đỡ hơn.

Đến bây giờ, nghề đã giúp tôi mua được nhà. Tôi từng ở trong những nhà trọ ẩm thấp, không có nhà vệ sinh, tiến đến thuê chung nhà trọ khá hơn với bạn bè, rồi ở nhà trọ riêng, sau đó thuê chung cư, rồi mua chung cư trả góp. Thời gian tới, tôi sẽ đổi sang căn chung cư rộng rãi hơn.

PV: Từng bị thi trượt trường Sân khấu-Điện ảnh, Xuân Nghị có bao giờ tự ti về vẻ ngoài của mình không?

Xuân Nghị: Hồi đó tôi rất tự ti, vì ngoại hình mà tôi rớt. Còn bây giờ tôi lại tự tin về những gì mình đang có, tự tin về khuôn mặt, ánh mắt, về cái chau mày, cơ mặt tôi đang sở hữu. Chính những cái đó khiến tôi diễn được nhiều biểu cảm, tạo nét riêng của Xuân Nghị.

Trào nước mắt khi diễn cảnh làm chó trong "Nhà trọ Balanha"

PV: Đã bao giờ Xuân Nghị nghĩ đến việc bỏ cuộc?

Xuân Nghị: Có thời gian, tôi chán nản bỏ về Nhà Trang làm thêm hướng dẫn viên du lịch, MC đám cưới…Nhưng các thầy bắt không được bỏ nghề. Thầy Hữu Châu mắng: “Mày mà bỏ nghề thì đừng gọi tao là thầy nữa”.

 

Trong quá trình quay “Nhà trọ Balanha”, có cảnh giả làm chó, phân đoạn đó khiến tôi chạnh lòng bởi thấy giống mình ngày xưa quá, khi diễn chỉ thấy muốn trực trào nước mắt. Lúc đó, tôi phải xin đạo diễn ngưng lại 5 phút để tĩnh tâm.

PV: Trải qua quá khứ khó khăn, mưu sinh cơ cực, Xuân Nghị của ngày hôm nay như thế nào?

Xuân Nghị: Tôi quý trọng đồng tiền làm ra, cái gì đáng chi thì mới chi. Bản thân tôi thích âm thanh nên cũng mua cho mình cái loa, cái tai phone để thư giãn. Chứ tôi không bao giờ tiêu xài phung phí.

PV: Sau “Nhà trọ Balanha”, Xuân Nghị có kế hoạch gì chưa?

Xuân Nghị: Tôi sẽ nghỉ ngơi một thời gian. Sau hơn nửa năm trời hoạt động liên tục từ sáng đến tối thì nguồn năng lượng của mình cũng bị suy giảm. Tôi sẽ dành thời gian tập gym, thay đổi hình ảnh, chú ý đến phong cách ăn mặc hơn một chút và cả học tiếng Anh nữa.

PV: Xin cảm ơn Xuân Nghị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên