Nguyễn Thế Kỷ: Trí tuệ và tâm hồn qua một cuốn sách

VOV.VN - Nguyễn Thế Kỷ là cây bút thông tuệ và nhạy cảm, có tầm nhìn của một nhà lãnh đạo công tác tư tưởng, nhà quản lý báo chí, sự sắc sảo của một nhà báo và tâm hồn một nhà thơ.

Tôi thích thú đón nhận cuốn sách đẹp trang trọng vừa in xong của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: “Báo chí, truyền thông Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” (NXB Thông tin và Truyền thông, 2020). Một tác phẩm đồ sộ cả về hình thức và nội dung, dày hơn 500 trang khổ 19x24cm, đề cập một vấn đề lúc nào cũng nóng bỏng, do đó luôn hấp dẫn, và cũng là nỗi đam mê suốt cuộc đời tôi từ tuổi thanh xuân cho đến ngày chập choạng dưới ánh hoàng hôn.

Sách gồm hai phần: I. Hồ Chí Minh, người sáng lập, người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, và II. Báo chí, truyền thông Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn.

Nguyễn Thế Kỷ là cây bút thông tuệ và nhạy cảm, có tầm nhìn của một nhà lãnh đạo công tác tư tưởng, nhà quản lý báo chí, sự sắc sảo của một nhà báo và tâm hồn một nhà thơ. Anh dành tất cả sự ngưỡng mộ, kính yêu, biết ơn Bác Hồ như mọi người Việt Nam, cộng thêm tấm lòng của một đứa con quê hương xứ Nghệ, từng trải qua mấy năm làm Bí thư Huyện ủy huyện Nam Đàn, nơi ra đời và là nguyên quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm bài viết trong Phần I đề cập tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, đó là những công trình khoa học đồng thời cũng có thể coi như tùy bút, tản văn, “yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Đi đôi với những cảm nhận làm xúc động lòng người, là ngồn ngộn những tư liệu lịch sử, khoa học được tác giả biện giải phân minh, có thể dùng làm tư liệu tham chiếu cho những ai cần.

Phần II là bức tranh toàn cảnh của báo chí, truyền thông đương đại Việt Nam với những cống hiến, thành tựu đạt được 75 năm qua, từ ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công cho đến nay, đặc biệt trong 35 năm đổi mới, cùng những vấn đề đã và đang đặt ra trước mắt không riêng cho những người tác nghiệp mà cả các ngành tư tưởng - văn hóa, và trong chừng mực nhất định, toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước, như “Hoạch định chiến lược và chính sách phát triển”, “Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản”, “Báo chí và nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam”, rồi “Đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với báo chí trước yêu cầu mới” (đầu đề các bài viết). Phải chăng đó là một số vấn đề sẽ được Đại hội lần thứ XIII của Đảng quan tâm.

Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: Xuất phát từ vai trò to lớn, quan trọng của báo chí, xuất bản đối với đời sống xã hội, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định đảng cách mạng phải lãnh đạo báo chí, xuất bản cách mạng, đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “... Phải có lập trường chính trị vững chắc, chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Người căn dặn: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản, phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”.

Sau khi điểm lại các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước thời gian qua, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”, tác giả đề cập nhiều vấn đề cụ thể: Tính đến đầu năm 2020, nước ta có trên 850 cơ quan báo chí in, trong đó 116 báo có bản điện tử, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập, 1 hãng thông tấn quốc gia, 27 cơ quan báo chí trong lĩnh vực phát thanh truyền hình. Cả nước có trên 1.600 máy phát sóng truyền hình, 3500 máy phát sóng phát thanh qua các nền tảng kỹ thuật khác nhau.

Về đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông, cả nước hiện có trên 41.000 người, trong đó gần 20.500 người được cấp thẻ nhà báo. Phần lớn các cơ quan báo chí nước ta làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, tuân thủ định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Bên cạnh đó cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, có mặt đáng lo ngại, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nhiều cơ quan chủ quản báo chí chưa làm đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình; thiếu chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, thậm chí trông chờ, “đẩy quả bóng” cho các cơ quan chuyên ngành chỉ đạo, quản lý báo chí. Pháp luật, chính sách về báo chí chưa theo kịp sự đổi mới và đà phát triển của báo chí. Nhận thức một số vấn đề lý luận về báo chí chưa thống nhất, đặc biệt là nhận thức về mối quan hệ giữa tự do báo chí với yêu cầu bảo đảm định hướng chính trị, tư tưởng; giữa các yêu cầu đúng/sai, được/không được, nên/không nên trong thông tin.

Từ tình hình khái quát, tác giả đề cập định hướng phát triển báo chí trước mắt, trong đó có nâng cao chất lượng lãnh đạo đối với báo chí, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 theo phương án sắp xếp cụ thể.

Thay lời kết, tác giả giới thiệu kinh nghiệm của Bộ Giao thông - Vận tải ngay từ năm 2015: Từ 9 cơ quan báo chí thuộc Bộ và các Tổng Công ty, Tổng cục, Cục..., Bộ Giao thông - Vận tải quyết định cấu trúc gọn lại, tập trung toàn bộ lực lượng cho báo “Giao thông”. Quá trình sắp xếp ấy đã diễn ra khá suôn sẻ - tác giả viết.

Từ những vấn đề mang tính định hướng, tác giả đề cập, lý giải tiếp một số việc cụ thể như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản; báo chí trước nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam; vai trò của phát thanh truyền hình trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; thông tin đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của quốc gia; ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng; báo chí, xuất bản nâng cánh cho sáng tạo văn học, nghệ thuật v.v...

Nguyễn Thế Kỷ dành một số bài trong tập sách đấu tranh, bác bỏ những quan điểm sai trái về báo chí truyền thông đang lan truyền hoặc chảy như những mạch nước ngầm trong cuộc sống ngày nay, phản đối những cái gọi là “quyền lực thứ 5”, “tự do báo chí tuyệt đối” đang lưu hành tại một số nước phương Tây - họ nói vậy nhưng họ không làm như vậy - “cách mạng màu” trên thế giới và “cách mạng màu” của các thế lực chống phá Việt Nam; ... “Có những tin đồn độc hơn rắn độc” lan truyền qua các mạng bẩn... Tác giả quả quyết: “Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, thật và giả, tốt và xấu, bổ ích và độc hại... dễ được đặt cạnh nhau, đi bên nhau, u u minh minh. Mỗi người, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị nên tự trang bị cho mình và người thân khả năng đề kháng, chọn lọc, sử dụng thông tin lành mạnh, bổ ích, nhân văn; có thái độ rõ ràng, dứt khoát đấu tranh đẩy lùi những thông tin xấu độc của kẻ xấu và các thế lực thù địch” (tr.447).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ và tôi, dù cách biệt khá xa về tuổi đời, vẫn thân thiết với nhau từ lâu, hồi anh công tác ở Đài phát thanh - truyền hình  Nghệ An rồi làm Tổng Biên tập báo Nghệ An. Tiếp đó là mấy năm nhà quản lý báo chí rời tòa soạn “đi thực tế”, thực sự đó là một quãng thời gian trải nghiệm bổ ích cho anh trên cương vị Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dường như nghề báo nghiệp văn đã cuốn hút anh trở lại với nghề và nghiệp. Anh rời Nghệ An ra Hà Nội gánh vác nhiều trách nhiệm liên quan đến báo chí, truyền thông: Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (phụ trách mảng báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ); và hiện là Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Điều làm tôi hơi ngạc nhiên là trong lúc bận rộn về lãnh đạo, quản lý một lĩnh vực thường xuyên nóng bỏng, anh vẫn sáng tác đều đều, viết nhiều kịch bản sân khấu được công diễn rộng rãi, trong vòng mấy năm cho xuất bản mấy tập thơ và một tiểu thuyết.

Cho phép tôi lan man lạc xa chủ đề một bài đọc sách. Cách đây khá lâu anh tặng tôi một đĩa CD in vở kịch hát cải lương nhan đề “Mai Hắc Đế”. Trời! Riêng cái tên thiêng ấy đủ làm tôi xúc động nhớ lại như in tuổi thanh xuân của mình tại Xứ Nghệ địa linh nhân kiệt. Nhớ con đường quen thuộc chạy ven bờ sông Lam từ thượng nguồn xuôi qua Đô Lương, Nam Đàn quặt về thành phố Vinh, hoặc vào tận Yên Xuân, Đức Thọ bên bờ sông La để từ đấy ngược lên Ngàn Phố, Ngàn Sâu xẻ dọc Trường Sơn trở lại chiến trường Bình Trị Thiên. Mỗi lần đến thị xã Nam Đàn, công trình đập vào mắt tôi trước hết là ngôi điện cổ kính thờ Mai Hắc Đế, xế trước cổng lớn vào điện có cái bia đá nhỏ đề hai chữ “hạ mã”. Bất kỳ ai đi ngang qua đây, dù người ấy là một vị quan đầu triều, cũng phải xuống ngựa. Tôi chắp thay cúi đầu ngẫm ngợi truyền thống dân tộc ta tôn vinh những người con có công với nước. Nhớ làng Kim Liên, nhớ ngôi nhà cụ Nguyễn Sinh Khiêm sinh sống cho tới năm cụ lâm bệnh qua đời mà tôi từng có dịp đến thăm, nhớ mộ phần cụ thân mẫu Bác Hồ được chính quyền địa phương thường xuyên chăm chút. Nhớ làng Sào Nam quê hương chí sĩ Phan Bội Châu. Nhớ bộ quần áo nâu của cụ Hoàng Hanh, người đầu tiên được cả nước tôn vinh Anh hùng Lao động ngành nông nghiệp. Nhớ vùng đất đồi thuộc huyện Thanh Chương nơi có nhiều cơ quan của Liên khu IV đóng, nhưng cơ quan nào cũng phải thường xuyên di dời trụ sở loanh quanh, tránh bị gián điệp Pháp phát hiện rồi báo máy bay đến ném bom...

Nguyễn Thế Kỷ và tôi, hai anh em, hai chú cháu nhiều lần hẹn nhau, đích thân anh sẽ dẫn tôi trở lại vùng đất ven hai bờ sông Lam ấy tìm lại những kỷ niệm xưa, nay còn có thêm nhiều di sản văn hóa ghi công các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống dải đất này thời chống Pháp, chống Mỹ, và quảng đường tỉnh lộ nơi thực dân Pháp giết hại dân thường đi biểu tình trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930... “Ngày nay cảnh vật đổi thay nhiều lắm, không có người địa phương am tường, một mình chú không thể tìm ra cảnh cũ người xưa đâu” - Nguyễn Thế Kỷ nói.

Một lần nữa xin độc giả xá tội cho tôi đã quá miên man hoài niệm, mời bạn trở lại với cuốn sách nghiệp vụ “Báo chí và Truyền thông Việt Nam...” cái tên thoạt nhìn có vẻ khô khan nhưng nội dung cuốn hút và bổ ích, đề cập nhiều vấn đề đang được cả nước quan tâm, qua đó hiểu thêm về xứ Nghệ thân thương mà tác giả Nguyễn Thế Kỷ vinh hạnh được kế thừa phần nào truyền thống của tổ tiên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Lý luận phê bình VHNT cần rõ tính dẫn đường
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Lý luận phê bình VHNT cần rõ tính dẫn đường

VOV.VN - Kỳ trao thưởng lần này xuất hiện một số công trình tốt có thể nghiệm, tìm tòi hướng nghiên cứu rất rõ, và có sức ảnh hưởng tốt trong đời sống VHNT.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Lý luận phê bình VHNT cần rõ tính dẫn đường

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Lý luận phê bình VHNT cần rõ tính dẫn đường

VOV.VN - Kỳ trao thưởng lần này xuất hiện một số công trình tốt có thể nghiệm, tìm tòi hướng nghiên cứu rất rõ, và có sức ảnh hưởng tốt trong đời sống VHNT.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ: “Đổi mới và Đa dạng” - Cơ hội của nghề báo phát thanh
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ: “Đổi mới và Đa dạng” - Cơ hội của nghề báo phát thanh

VOV.VN - “Đổi mới và Đa dạng” là thông điệp mạnh mẽ để khuyến nghị, thậm chí là để cảnh tỉnh một số nhà báo không tự tìm tòi đổi mới cách tiếp cận thông tin.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ: “Đổi mới và Đa dạng” - Cơ hội của nghề báo phát thanh

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ: “Đổi mới và Đa dạng” - Cơ hội của nghề báo phát thanh

VOV.VN - “Đổi mới và Đa dạng” là thông điệp mạnh mẽ để khuyến nghị, thậm chí là để cảnh tỉnh một số nhà báo không tự tìm tòi đổi mới cách tiếp cận thông tin.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: "Phải vươn lên để làm chủ trận địa về tư tưởng"
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: "Phải vươn lên để làm chủ trận địa về tư tưởng"

VOV.VN - Sáng 18/6, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia, 58 Quán Sứ, Hà Nội diễn ra Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020).

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: "Phải vươn lên để làm chủ trận địa về tư tưởng"

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: "Phải vươn lên để làm chủ trận địa về tư tưởng"

VOV.VN - Sáng 18/6, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia, 58 Quán Sứ, Hà Nội diễn ra Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020).