Nhạc kịch "Những người khốn khổ" và sự đột phá táo bạo của sân khấu Việt
VOV.VN - Nhạc kịch "Những người khốn khổ" là bước đi táo bạo của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, một thử thách lớn để nâng tầm nghệ sỹ Việt, và cũng chứng tỏ gu thâm mỹ của bộ phận khán giả ngày càng cao với thể loại hàn lâm.
Kết thúc đêm công diễn vở nhạc kịch "Những người khốn khổ", những tràng pháo tay nổi lên khắp 3 tầng khán đài Nhà Hát Lớn. Hầu hết khán giả đều cảm thấy hài lòng và choáng ngợp với những gì vừa được chứng kiến. "Quá tuyệt vời", một nữ khán giả trẻ không giấu được cảm xúc. "Bọn em đã chờ đợi đêm diễn này lâu lắm rồi. Đặt vé từ cách đây 1 tháng và đã đi từ Hạ Long lên đây chỉ để xem vở nhạc kịch này".
"Nếu so với các phiên bản nước ngoài mà em đã xem thì em thấy, bản của Việt Nam cắt đi một số đoạn, ví dụ đoạn Jean Valjean nâng cột cờ. Em hơi tiếc đoạn đấy nhưng về cơ bản thì vở diễn rất ổn", một khán giả khác cho hay.
Có thể nói, thành công lớn nhất của “Những người khốn khổ” phiên bản Việt Nam là phần âm nhạc do hơn 50 nhạc công Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh. Những bản nhạc kinh điển như “Look down”, "Do You Hear The People Sing?" hay "One Day More", "I Dreamed A Dream"… được trình diễn với sự chính xác tuyệt đối. Với nền tảng là những nhạc cụ bộ dây, bộ hơi, bộ gõ, thỉnh thoảng điểm xuyết chút âm thanh của đàn accordion, đàn hạc… vở nhạc kịch đã đem lại cảm xúc thăng hoa cho người nghe.
Để có được thành quả đó, các nghệ sĩ VNOB phải miệt mài tập luyện suốt 6 tháng qua, có những giai đoạn tập cả buổi tối và cuối tuần. “Vở diễn này, ngoài các nhạc công và ca sỹ người Việt còn có cả những người nước ngoài tham gia". Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chia sẻ. "Điều đó nói lên rằng, đây là vở diễn mang tính quốc tế, không chỉ diễn ra ở Việt Nam hay nước Pháp - nơi ra đời tác phẩm, mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Chúng ta, dù ở đâu thì cũng đều như nhau, có lúc giàu sang có lúc nghèo hèn, đều hít thở chung một bầu không khí, đều có thể nhìn thấy nhau, nhất là trong những lúc Covid như thế này, mọi người hãy đoàn kết nhau lại, yêu thương và chia sẻ với nhau nhiều hơn”.
Một điểm thể hiện tính “quốc tế hóa” là toàn bộ phần ca từ của vở nhạc kịch đều được các diễn viên thể hiện bằng tiếng Anh, có phần phụ đề cho khán giả Việt. Đây là một thách thức cho các nghệ sỹ, nhưng hầu hết đều vượt qua. Sự góp mặt của các giọng ca Opera nổi tiếng của Việt Nam hiện nay như: Đào Tố Loan, Huy Đức, Trần Trang, Bùi Trang... cùng dàn hợp xướng của VNOB, kết hợp với các nghệ sĩ nước ngoài của Hợp xướng Quốc tế Hanoi Voices đã làm nên thành công cho phần ca của vở diễn.
Nổi bật nhất là nghệ sỹ Thế Tùng Lâm, với chất giọng vang rền, ấm cùng lối diễn xuất tự nhiên đã hóa thân rất thành công vào vai Jean Valjean. Khó khăn lớn nhất với Tùng Lâm là khoảng cách tuổi tác giữa anh và nguyên mẫu. “Mình thấy nhân vật này với mình cũng có nhiều nét tương đồng. Đây là một người rất cao thượng, sẵn sàng nhận phần thiệt về mình vì lợi ích của người khác. Nhân vật của mình là 1 người trên 50 tuổi, rất trải đời và nhiều kinh nghiệm, mình lại còn khá trẻ nên đã phải đọc tác phẩm kỹ, tìm hiểu bối cảnh thế kỷ 19 và nhiều yếu tố khác để hóa thân vào nhân vật”- nghệ sĩ Tùng Lâm chia sẻ.
Phần vũ kịch và các động tác múa cũng khá ấn tượng. Nếu có một chút lấn cấn thì chính là phần thiết kế phục trang và đạo cụ sân khấu chưa thực sự nổi bật, nhưng đó là điều có thể thông cảm trong bối cảnh mức độ đầu tư cho một vở diễn tại Việt Nam hiện nay chưa nhiều, nên khó có thể có những bộ trang phục đúng như của một sĩ quan Pháp thế kỷ 19.
“Chúng tôi đã tập vở này 6 tháng rồi. Một sản phẩm vũ kịch và nhạc kịch thì thời gian tập luyện không thể ngắn được", NSUT Trần Ly Ly, giám đốc VNOB, tổng đạo diễn vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" chia sẻ. "Từ chép những nốt nhạc đầu tiên, phân phổ, tổng phổ đến bè bối, nhân lực vật lực của Việt Nam không thể đáp ứng được. Nhưng tôi nghĩ vở diễn ra mắt lúc này có điểm rơi tuyệt vời. Trong bối cảnh dịch Covid-19, những giá trị nhân văn, thấu hiểu, sẻ chia sẽ dễ tìm được sự đồng cảm từ khán giả”.
"Những người khốn khổ" thực sự là một bước đi táo bạo của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trong bối cảnh sân khấu hiện nay. Vở diễn không chỉ đánh dầu lần đầu tiên 1 vở nhạc kịch chuẩn Broadway xuất hiện trên sân khấu, mà còn là một thử thách lớn để nâng tầm trình độ của các nghệ sỹ và vũ công Việt Nam. Việc vở diễn cháy vé và phải lên kế hoạch diễn tiếp cũng chứng tỏ sự ủng hộ của công chúng với một thể loại sân khấu hàn lâm, là tín hiệu mừng đối với gu thẩm mỹ của khán giả Việt Nam./.