Nhạc sĩ Trần Tiến muốn mang phim về đời mình sang thế giới bên kia
Trần Tiến hạnh phúc khi bộ phim tài liệu về cuộc đời mình chính thức được công chiếu.
Sau 5 năm thực hiện, phim tài liệu "Màu cỏ úa" đã chính thức được ra mắt công chúng tối 23/11. Với thời lượng 80 phút, phim khắc họa chân thật về cuộc đời của nhạc sĩ Trần Tiến - từ thời còn là một chàng trai trẻ đam mê ca hát trong quân đoàn đến tuổi trung niên, tự do bay nhảy với âm nhạc và khi bước sang tuổi thất thập.
Phim do đạo diễn Lan Nguyên cùng ê-kíp gồm những người trẻ thực hiện. Vốn thuộc thế hệ 9X, vì yêu mến tài hoa và chất lãng du trong nhạc Trần Tiến nên nữ đạo diễn quyết định làm phim về cuộc đời Trần Tiến. Từ năm 2015, nữ đạo diễn gặp nhạc sĩ, ngỏ lời mời ông làm nhân vật chính trong câu chuyện phim của mình.
Nữ đạo diễn gọi dự án là “Cuốn phim quay dài theo năm tháng”. Trong suốt 5 năm, cô cùng đoàn quay miệt mài 15 đợt, đi nhiều tỉnh thành nơi Trần Tiến đã đặt chân qua, từ Hà Nam, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng đến Vũng Tàu – nơi nhạc sĩ ở những năm tháng tuổi già cùng vợ.
Qua góc nhìn của đạo diễn trẻ Lan Nguyên, “gã du ca” Trần Tiến lúc lãng tử, hào hoa, lúc đời thường, giản dị. Khi vui, ông ôm đàn nghêu ngao cùng bè bạn bất kể hàng quán hay góc phố, vỉa hè. Lúc nhiều nỗi niềm, nhạc sĩ tìm cho mình một góc riêng - nhưng luôn khiến người đối diện thấy được sự tự do, phiêu lãng của bản thân.
"Việc tiếp cận và đặt vấn đề thực hiện phim với nhạc sĩ Trần Tiến vừa dễ vừa khó. Ê-kíp chúng tôi phải ý thức việc gặp gỡ và quay vào thời điểm nào thích hợp, nên hỏi và chia sẻ với chú những gì... Chính bởi gắn bó thời gian quá lâu khiến chúng tôi hòa vào đời sống của chú. Có những khoảnh khắc đã được đưa vào phim nhưng cũng có những đoạn, chúng tôi giữ cho riêng mình như một kỷ niệm quý giá về nhạc sĩ", đạo diễn chia sẻ.
Theo Lan Nguyên, cô không đặt nặng yếu tố doanh thu hay kỳ vọng phim nhận được hiệu ứng đám đông. Nữ đạo diễn xem đây là món quà dành tặng cho Trần Tiến vào thời điểm ông đang dưỡng bệnh. Trước ngày công chiếu ít hôm, nữ đạo diễn đã về Vũng Tàu trao đoạn phim đến tay Trần Tiến. Vị nhạc sĩ đã xem trọn vẹn và dành những lời khen, góp ý cho ê-kíp.
"Chú Tiến bảo tôi rằng: Nếu có chuyện xấu nhất xảy ra với chú thì cháu hãy chép phim ra một bản đĩa để chú mang theo thế giới bên kia. Đây cũng là một kỷ niệm đẹp cuối đời chú. Hiện sức khỏe chú không tốt lắm nhưng chú không muốn chúng ta nhắc nhiều đến vấn đề này. Điều chú ấy muốn kể lại là hình ảnh đẹp và rực lửa, thay vì vẻ yếu ớt, bệnh tật trong mắt mọi người", Lan Nguyên kể.
Với 2 màu đen – trắng, phim mang cảm giác hoài cổ, như chiều dài suốt nhiều năm tháng mà Trần Tiến đã đi qua. Ngoài du ca, Màu cỏ úa khắc họa rõ nét 3 yếu tố: chiến tranh, Hà Nội và miền biển. Đó là cuộc đời, cũng là những yếu tố tạo nên chất nhạc và con người của nhạc sĩ tài hoa.
Ngoài Trần Tiến, nhiều người thân cận, gắn bó với ông như: NSND Trần Hiếu, nhạc sĩ Nguyễn Cường và Dương Thụ cùng ca sĩ Trần Thu Hà… cũng có mặt trong cuốn phim tài liệu. Ngoài giá trị âm nhạc, khán giả xem phim còn cảm nhận được tính cách, cái "ngông" và "phớt đời" cùng những nỗi niềm của vị nhạc sĩ phía sau những bản nhạc.
"Con người không lớn lên trong bão tố hay chiến tranh. Con người lớn lên trong chính nỗi cô đơn của mình, nếu không tuyệt vọng. Tôi ơi đừng tuyệt vọng là vậy. Tôi tự nhận mình là kẻ du ca của chiến tranh Việt Nam. Những người du ca là những người tự do, dũng cảm nhất", nhạc sĩ Trần Tiến chiêm nghiệm trong Màu cỏ úa.
Sau buổi công chiếu tại TP.HCM, phim tài liệu sẽ tiếp tục được ra mắt khán giả ngày 30/11 tại Hà Nội. Những bức thư, sổ tay ghi lại dòng chữ tình cảm khán giả dành tặng sẽ được ê-kíp và Diva Trần Thu Hà - cháu gái Trần Tiến mang đến tận nhà trao cho ông trong những ngày tới./.