Những tiểu thuyết đầu tay trở thành hiện tượng xuất bản

Một số nhà văn luôn tìm cách lẩn tránh khi ai đó nói về tác phẩm đầu tay của mình. Một số cây bút khác lại gặt hái thành công vang dội từ sáng tác đầu tiên.

Có một số nhà văn, vì muốn giấu giếm những câu chuyện ngô nghê thuở mới cầm bút, đã chối bỏ một cách không thương tiếc đứa con tinh thần đầu tay của mình. Thế nhưng, có một số tác giả đã tạo được tiếng vang lớn trên văn đàn ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên. 

Mỗi khi nhắc tới những kỳ tích như vậy, độc giả thường nhớ ngay tới câu chuyện của J.K.Rowling với "Harry Potter và hòn đá phù thủy", bán ra 120 triệu bản trong lần đầu xuất bản, còn với "Chạng vạng" của nhà văn người Mỹ Stephenie Mayer thì con số này là 100 triệu bản.

Tuy không đạt được số lượng bán ra “khủng” như hai tác phẩm trên, nhưng một số tiểu thuyết đầu tay dưới đây đã tiêu thụ được hàng triệu bản trong lần đầu phát hành. Hãy cùng điểm qua những cuốn tiểu thuyết được đón nhận nồng nhiệt này.

"Eragon - Cậu bé cưỡi rồng" của Christopher Paolini

"Eragon" hay được biết đến với cái tên tiếng Việt "Eragon - Cậu bé cưỡi rồng" là phần đầu tiên của bộ tiểu thuyết "Di sản kế thừa" được sáng tác bởi nhà văn người Mỹ Christopher Paolini. Khi viết tác phẩm này, tác giả mới chỉ 15 tuổi, thế nên cậu được giới phê bình và độc giả ca tụng là “thần đồng văn học”.

Từ nhỏ, cậu bé Christopher và chị gái của mình không đến trường, mà theo học chương trình giáo dục tại nhà, do cha mẹ trực tiếp dạy. Họ cho rằng đây là phương pháp phù hợp nhất cho con cái, bởi giáo viên không thể tận tâm với lũ trẻ bằng cha mẹ chúng. Christopher Paolini lấy việc viết lách làm niềm vui khi chị gái không chơi cùng cậu.

Bố mẹ cậu là những độc giả đầu tiên của "Eragon - Cậu bé cưỡi rồng". Khi thấy nội dung câu chuyện rất thú vị, họ đã tự in ấn và phát hành mà không thông qua nhà xuất bản nào. Sau khi con trai của nhà văn Carl Hiaasen đọc được tác phẩm này, nó nhanh chóng lọt vào "mắt xanh" của NXB Alfred A. Knopf. 

"Eragon - Cậu bé cưỡi rồng" đã bán được 2,5 triệu bản trong lần phát hành đầu tiên. Tháng 8/2005, phần hai của bộ tiểu thuyết "Di sản kế thừa" với nhan đề "Đại ca", đã đánh bật Harry Potter và hoàng tử lai khỏi vị trí số một của danh sánh những cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon.

"Người đàn ông mang tên Ove" của Fredrik Backman

Cuốn tiểu thuyết này được ra mắt khi tác giả của nó bước sang tuổi 31. Khi được phát hành lần đầu vào năm 2012, "Người đàn ông mang tên Ove" đã bán được 2,8 triệu bản. Giờ đây, cuốn tiểu thuyết này đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Fredrik Backman vốn là một nhà báo, blogger trước khi bắt đầu sự nghiệp viết lách.

Trong các sáng tác của mình, nhà văn người Thụy Điển thường tập trung vào nỗi cô đơn và sự lạc lõng của những người cao tuổi, khi đang ở cuối con dốc của cuộc đời. Không hòa hợp được với thế hệ sau, họ phải chật vật tìm cách sống nốt những năm tháng cuối đời.

Ngoài "Người đàn ông mang tên Ove", độc giả Việt Nam còn biết đến Fredrik Backman qua hai cuốn tiểu thuyết khác là "Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi" và "Britt-Marie đã ở đây".

"Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất" của Jonas Jonasson 

Jonas Jonasson là đồng hương của Fredrik Backman, hai tác giả này đều đến từ Thụy Điển. "Cha đẻ" của "Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất" từng làm việc trong lĩnh vực báo chí, ông còn điều hành một công ty truyền thông có tiếng tăm tại Thụy Điển. Ngoài 40 tuổi, do áp lực công việc khiến cơ thể bị căng thẳng và suy kiệt kéo dài, đã khiến Jonas Jonasson cận kề cái chết. 

Sau cơn bệnh “thập tử nhất sinh” đó, vị giám đốc quyết định bán công ty và chuyển tới sống ở một vùng quê yên bình. Sự nghiệp viết lách của Jonas Jonasson cũng bắt đầu từ đây. Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất được phát hành năm 2009 khi tác giả của nó 48 tuổi. Tác phẩm đã nhanh chóng tạo thành hiện tượng văn học ở Thụy Điển với 3,5 triệu bản được bán ra.

Nhà văn mang tới cho người đọc một câu chuyện mang màu sắc vui tươi, xen lẫn sự trào phúng nhẹ nhàng, hài hước đặc trưng của người Bắc Âu. Nếu ông lão Ove mới gần 60 tuổi mà đã thấy cuộc đời này thật nhàm chán, thì cụ ông Allan Karlsson lại là một con người lạc quan hiếm có. Tuy đã bước sang tuổi 100, nhưng ông vẫn luôn sống với tinh thần của một chàng trai vừa tròn đôi mươi.

"Xa ngoài kia nơi loài tôm hát" của Delia Owen 

So với các tác giả ở trên, thì Delia Owen bắt đầu sự nghiệp viết lách hơi muộn. Cuốn tiểu thuyết "Xa ngoài kia nơi loài tôm hát" được phát hành vào năm 2018, khi bà đã bước sang tuổi 69. Thế nhưng, câu chuyện mà bà kể vẫn tạo được sức hấp dẫn lớn với độc giả ở nhiều lứa tuổi. Tính đến nay, cuốn tiểu thuyết này đã bán được 6,8 triệu bản. 

Delia Owen và chồng vốn là nhà nghiên cứu động vật. Những năm tháng tuổi trẻ họ đã sống giữa thiên nhiên và làm bạn với nhiều loài thú. Cây cỏ, cùng những con vật hoang dã đã trở thành người bạn thân thiết của tác giả này. Do đó, bà miêu tả chúng một cách rất tự nhiên và sống động trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ra mắt di cảo – hồi ký  “Đoàn binh Tây Tiến”  của nhà thơ Quang Dũng
Ra mắt di cảo – hồi ký “Đoàn binh Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng

VOV.VN - Có một “Tây Tiến” trong thơ và cũng có một “Tây Tiến” trong văn. Đó chính là những gì chứa đựng trong cuốn sách này!

Ra mắt di cảo – hồi ký  “Đoàn binh Tây Tiến”  của nhà thơ Quang Dũng

Ra mắt di cảo – hồi ký “Đoàn binh Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng

VOV.VN - Có một “Tây Tiến” trong thơ và cũng có một “Tây Tiến” trong văn. Đó chính là những gì chứa đựng trong cuốn sách này!

Vì sao vắng bóng đề tài nông thôn trong văn học?
Vì sao vắng bóng đề tài nông thôn trong văn học?

VOV.VN -Mảng văn chương viết về đề tài nông thôn trong những năm gần đây khá mờ nhạt. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? 

Vì sao vắng bóng đề tài nông thôn trong văn học?

Vì sao vắng bóng đề tài nông thôn trong văn học?

VOV.VN -Mảng văn chương viết về đề tài nông thôn trong những năm gần đây khá mờ nhạt. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?