Phát hiện hang động mới có nước ngầm, thạch nhũ siêu đẹp ở Thanh Hóa
Một hang động mới vừa được phát hiện tại núi Đụn, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Hang động này dài khoảng 70m, rộng 50m và cao khoảng 40m, có 4 cửa ra vào Đông, Tây, Nam, Bắc và có suối nước ngầm chảy bên trong và nhiều thạch nhũ đá tự nhiên rất đẹp, hứa hẹn thêm địa điểm dành cho những tín đồ mê khám phá, thám hiểm.
Thanh Hóa là một trong những nơi tập trung nhiều danh lam, thắng cảnh thiên nhiên đẹp bậc nhất Việt Nam. Nơi đây được các du khách mệnh danh là “miền di sản" với nhiều di tích, hang động lớn, nhỏ vô cùng đẹp mắt, nguyên sơ có ý nghĩa khoa học và giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng to lớn. Có thể kể tới những cái tên đã vô cùng nổi tiếng như hang Con Moong, hang Ma, hang Bàn Bù, động Cây Đăng, động Tiên Sơn, động Bo Cúng, động Hồ Công…
Mới đây nhất, một hang động nữa chính thức được tìm thấy, bổ sung vào danh sách những hang động kỳ vĩ mà Mẹ thiên nhiên ban tặng mảnh đất xứ Thanh. Đó là hang động tại núi Đụn, xã Hà Long, huyện Hà Trung.
Theo khảo sát thực địa của phóng viên Văn Hóa, hang có chiều dài khoảng 70m, rộng 50m và cao khoảng 40m; có 4 cửa ra vào Đông, Tây, Nam, Bắc thông nhau, tuy nhiên các của vào hang gần như đã bị bịt kín. Lòng hang có nhiều nhũ đá tự nhiên; có nguồn nước ngầm chảy ra di tích cấp tỉnh Hồ Bến Quân. Qua tìm hiểu, núi Đụn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác mỏ đá cho Công ty TNHH Tiến Thịnh, trong diện tích mỏ được cấp có 2 cửa đi vào hang trong lòng núi Đụn (phía Tây Bắc).
Ông Quách Văn Nhất trú tại thôn Khắc Dũng, xã Hà Long cho biết, núi Đụn là nơi có hang động rất linh thiêng, được nhân dân địa phương phát hiện từ rất lâu, gắn liền với nhân dân địa phương trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; các di tích lịch sử nhà Nguyễn, danh lam thắng cảnh trên địa bàn xã Hà Long, nhất là khu vực di tích Lăng miếu Triệu Tường. Để bảo vệ hang động và phát triển núi Đụn trở thành một điểm đến du lịch gắn với khu di tích quốc gia Lăng miếu Triệu Tường, người dân chúng tôi đã có đơn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa dừng khai thác khoáng sản này.
Trước kiến nghị của người dân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc. Theo Sở VHTTDL Thanh Hóa, núi Đụn không nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ của các di tích quốc gia: Đình Gia Miêu, Lăng miếu Triệu Tường; nằm sau và cách di tích lăng Trường Nguyên khoảng 600m; cách phạm vi, ranh giới Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung khoảng 300m.
Kiểm tra thực tế, Sở VHTTDL khẳng định, đây là một hang động có suối nước ngầm chảy bên trong và nhiều thạch nhũ đá tự nhiên rất đẹp và cần được bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch của địa phương. Việc khai thác đá tại núi Đụn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hang đá (hang bị lấp, sập do đá lăn, đá lở). Sở này sau đó, đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước mắt tạm dừng việc khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ nêu trên.
Sau khi có báo cáo của các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 5204/UBND-CN về việc tạm dừng khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ đá vôi tại núi Đụn thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung của Công ty TNHH Tiến Thịnh. Việc tạm dừng khai thác tại đây để các đơn vị có liên quan cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá cụ thể, toàn diện đối với núi Đụn vì trong quá trình khai thác đã phát hiện một hang động mới.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở VHTTDL Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Xây dựng, UBND huyện Hà Trung, các nhà khoa học và các ngành, đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện về quy mô, giá trị, ý nghĩa lịch sử, văn hoá, di sản, du lịch (nếu có) đối với hang động tại núi Đụn, xã Hà Long, huyện Hà Trung.
Trường hợp hang động nêu trên cần phải bảo vệ theo quy định của pháp luật về văn hóa, đề nghị Sở VHTTDL tham mưu UBND tỉnh xem xét, khoanh định vào khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản để thực hiện các công việc tiếp theo đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Hiện Sở VHTTDL Thanh Hóa đã có văn bản giao Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản văn hoá Thanh Hoá chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện về quy mô, giá trị, ý nghĩa lịch sử, văn hoá, di sản, du lịch (nếu có) đối với hang động trên và báo cáo kết qủa về Sở VHTTDL trước ngày 30.5.