Phục hồi làng gốm cổ bên dòng Ô Lâu

VOV.VN - Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 2009.

Ông Nguyễn Bá Trung là một trong 4 nghệ nhân gốm cổ ở Phước Tích cho biết: Nghề gốm ở đây có từ khi lập làng (năm 1470) và trở thành kế sinh nhai cho dân làng bao đời nay. Từ đất sét đựợc lấy dưới ruộng và nước sông Ô Lâu, bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng gốm đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, tạo nên thương hiệu "Gốm Phước Tích" vang bóng một thời.

Thời hưng thịnh, cả làng Phước Tích có 12 lò sấp và hàng chục lò ngửa do các hộ gia đình sản xuất với số lượng lớn. Ông Trung cho hay, từ thời Minh Mạng đến Khải Định, hàng tháng, làng dâng lên triều đình Huế 30 chiếc "om ngự" dùng nấu cơm cho vua. Mãi đến năm 1989, khi các mặt hàng nhôm, nhựa lấn át, nghề gốm Phước Tích mai một dần, các lò gốm trong làng dần "tắt lửa". Ông bộc bạch: “Phục hồi được nghề gốm của cha ông để lại là mong muốn của bà con ở Phước Tích. Bây giờ giới trẻ thì theo nghề khác rồi, tuổi già thì không làm được chi, làm sao đó để làm cố vấn cho lớp trẻ sau này thôi. Muốn trở lại nghề gốm thì phải có con người và  làm thế nào để ra thị trường bán cho được, để nuôi sống lại cái nghề".

Những năm gần đây, nghề gốm truyền thống của làng cổ Phước Tích được hồi sinh khi lò gốm “đỏ lửa”, nhiều sản phẩm được tung ra thị trường. Dần dần, nơi đây trở thành điểm dừng chân trải nghiệm của du khách gần xa. Tuy nhiên, sản phẩm gốm Phước Tích chủ yếu là các sản phẩm lưu niệm, chưa phát huy thế mạnh của nghề truyền thống. Anh Lương Thanh Hiền, chủ nhân lò gốm duy nhất còn lại ở Phước Tích cho biết, đa số khách du lịch đến thăm làng Phước Tích rất thích xem những công đoạn làm gốm cổ. “Chúng ta muốn xây dựng nên một gốm Phước Tích bền vững thì chúng ta đầu tiên phải xây dựng nền tảng đó là nguồn nhân lực. Hiện bây giờ, tôi cũng đã sản xuất ra một số sản phẩm kể từ om cho đến tất cả những mặt hàng mới, đáp ứng với thị hiếu thị trường. Cung cầu của người tiêu dùng, họ cũng rất yêu chuộng gốm Phước Tích", anh nói. 

Phục hồi nghề gốm Phước Tích không chỉ đóng góp nguồn sinh kế cho người dân địa phương mà còn được xác định là tiềm năng để phát triển du lịch. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Để phát triển du lịch làng cổ Phước Tích cần kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư mở rộng các dịch vụ du lịch; kết nối tour từ làng cổ đến các làng nghề lân cận trong vùng; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ. “Với nghề gốm truyền thống Phước Tích thật sự nó có những giá trị về di sản cũng như là văn hoá riêng để bảo tồn và duy trì một cách lâu dài và bền vững, đồng thời, tạo được những sinh kế cũng như là nguồn lợi cho người dân địa phương. Từ trước đến nay, cả địa phương, cộng đồng, một số doanh nghiệp cố gắng thực hiện việc kết hợp giữa nghề truyền thống với du lịch”, ông chia sẻ.

Muốn cho di sản văn hóa làng cổ Phước Tích có vị trí vững chắc trong đời sống cần huy động sức mạnh của cộng đồng cư dân Phước Tích với tư cách là người trực tiếp tham gia bảo tồn di sản văn hóa làng cổ và nghề gốm, tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: “Làng Phước Tích thì có hai thế mạnh, du lịch cộng đồng và làng nghề thủ công truyền thống, nghề gốm. Từ tài nguyên được đánh thức trở thành sản phẩm du lịch. Để biến nó thành sẩn phẩm du lịch thì ta còn chưa đạt được với kỳ vọng. Tôi nghĩ là một làng mà một năm chỉ đón hơn 40.000 khách du lịch thì không tương xứng với tài nguyên. Hy vọng Sở văn hoá thể thao, Sở du lịch sẽ có sự phối hợp để biến đây thành một điểm đến hấp dẫn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên