Púng nhnáng - Đặc sắc tết họ của người Dao Tiền Sơn La
VOV.VN - Tết họ là lễ hội lớn nhất của người Dao Tiền ở Sơn La. Tết của dòng họ nhưng mang ý nghĩa chung cho cả cộng đồng và thường được tổ chức tại nhà trưởng họ với ý nghĩa tạ ơn và cầu phúc, cầu lộc.
Tết này được tổ chức từ ngày 29 tháng Chạp cho đến hết ngày mồng 2 Tết Nguyên đán. Và ở Mộc Châu chỉ có họ Tặng, họ Bàn, họ Đặng, họ Lý mới có Tết họ.
Đã thành thông lệ, cứ 3 năm dòng họ ông Lý Trọng Sinh ở bản Suối Lìn, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La lại tổ chức tết họ một lần. Ông Sinh cho biết: Ngay từ những ngày cuối tháng chạp, các gia đình họ hàng thay phiên nhau đến nhà giúp dọn dẹp, góp lễ vật chuẩn bị cho ngày tết. Đây là tết lớn của một dòng họ nhưng đồng thời nó cũng mang ý nghĩa cho cả bản nên ai cũng có quyền tham gia và góp công.
“Hôm nay, dòng họ tôi tổ chức Tết họ. Mọi người tập trung lại phụ nữ thì chọn gạo nếp, sát bột làm bánh, đàn ông đi chặt sáu cây tre tươi, nhiều cành lá tượng trưng cho cây sấu, sáu cây mía mập, thẳng, không bị sâu tượng trưng cho cây trò chỉ. Nhưng lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên là thịt thú rừng, có thể là thịt chuột rừng hoặc một đôi chân của con hưu đã sấy khô những mong tổ tiên được no đủ, phù hộ cho dòng họ cả một năm thuận lợi, may mắn. Và một việc quan trọng không thể thiếu đó là mời 3-4 thầy cúng giỏi, am hiểu đến làm lễ", ông Sinh nói.
Bắt đầu từ ngày 29 tết, trưởng họ và thầy cúng sẽ treo ba bức tranh thờ lên gian giữa ngôi nhà và sẽ được treo suốt trong những ngày diễn ra làm lễ. Đến trưa, trong khi những người đàn ông khỏe mạnh mổ lợn thì phụ nữ tập trung ngâm gạo nếp, làm bột, với hình tượng 12 cây sấu (cây tre), cây trò chỉ (cây mía) tượng trưng cho 12 tháng trong năm, thể hiện mong ước của người Dao về sự sinh sôi, nảy nở, nhiều con cháu, mong ước về cuộc sống ấm no, đầy đủ với những mùa màng bội thu, về ước mơ, nghị lực và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, trưởng họ sẽ phải chuẩn bị chiêng, trống, chuông nhỏ, các loại kiếm, gậy gỗ để dùng trong ngày lễ.
Tiếp đó gia đình trưởng họ chuẩn bị một mâm để cúng khai lễ. Người cúng là con trai trưởng. Nội dung bài cúng chủ yếu là báo cáo với ông bà tổ tiên năm nay họ nhà ta tổ chức Tết lớn. Tạ ơn tổ tiên, trời đất, các vị thần năm qua đã phù hộ cho con cháu. Mời ông bà tổ tiên và các vị thần linh đến dự lễ tết lớn và mang phúc lành cho con cháu trong năm tới. Sau khi cúng xong mọi người tổ chức một bữa ăn uống thật đông đủ, vui vẻ, tiếng trống, tiếng chiêng bắt đầu nổi lên rộn ràng, mọi người khắp bản ùa về, cùng múa xòe đông vui, nhộn nhịp. “Năm nào làm lễ tết họ thì đều phải tổ chức xòe, xòe tập thể là xòe cầu mùa và cầu cho mọi người năm mới có nhiều sức khỏe. Thế nhưng riêng xòe trong lễ xua đuổi tà ma, bệnh tật tránh xa gia đình bản làng thì chỉ 4- 6 người đàn ông Dao đã được cấp sắc mới được xòe”, ông Đặng Quyết Tiến ở xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết.
Nghi lễ không thể thiếu trong đêm 30 Tết là lễ Tạ ơn (Pái Nhnáng). Trong nghi lễ này, tất cả những người có mặt trong buổi lễ, người ngoài bản hay trong bản đều được phép tham gia. Những động tác chắp tay, quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên, có tiếng trống, chiêng, tiếng trầm ấm của thầy cúng tạo một không khí linh thiêng. Nghi lễ này có ý nghĩa giáo dục con cháu “uống nước nhớ nguồn”. Trong không khí ấm áp của buổi lễ, ai cũng sẽ ghi nhớ và thấy mình cần phải biết ơn thế hệ trước đã cho họ cuộc sống sung túc này.
Sau giao thừa, là thời điểm bắt đầu những nghi lễ chính. Đây chính là thời khắc quan trọng nhất để tiến hành các nghi lễ linh thiêng như: Nghi lễ ra quân (xuất penh), gồm bốn người đàn ông ngoài dòng họ mặc y phục Dao múa xòe theo nhịp bước và làm theo hiệu lệnh của thầy cúng. Tiếp đến là nghi lễ thu quân (xiêu penh, với các động tác xiêu penh mô phỏng hoạt động của con người: nhẹ nhàng đưa gậy, kiếm vào cất trong nhà với ý nghĩa mong một cuộc sống bình an, không có hiềm khích. Sau cùng là nghi lễ xòe vòng (chuột dung), đây là nghi lễ những người già thuộc thế hệ trước truyền lại những bài hát cúng, bài ca nghi lễ cho con cháu của thế hệ sau.
“Từ hôm dựng là 29 hoặc 30 tháng chạp đến hôm mồng 2 hoặc mồng 4 thì hạ lễ. Khi hạ lễ, tất cả bà con dân bản đến thụ lộc, mọi người cùng vào để vặt hết những cái bánh đó ra. Trưởng họ phải chia cho cả làng để tượng trưng rằng là lễ đó của dòng họ đã kết thúc và cầu cho dân làng cả bản đều ăn nên làm ra", ông Lý Lún, ở xã Phiêng Luông cho biết thêm.
Sáng sớm canh năm ngày mồng một tết, gia chủ chọn sáu thanh niên trai tráng khỏe mạnh, họ cầm đao, kiếm, cờ đã chuẩn bị sẵn để xòe múa sau đó cả sáu thanh niên chia nhau ra khắp các nẻo đường để xua đuổi tà ma, cái ác, cái xấu ra khỏi bản làng để muôn nhà đón năm mới bình an, khỏe mạnh, đánh thức tình yêu trong mỗi người với cội nguồn dân tộc.
Ngày Mồng hai Tết là ngày kết thúc lễ (xiêu nhnáng). Mọi người đến sớm để chuẩn bị. Sáng hôm đó gia chủ mổ thêm một con lợn và gói thêm bánh bằng cơm nếp để làm đồ cúng. Ba người đàn ông - được mời trước đó đã có gia đình, có tư cách, sức khỏe tốt sẽ thực hiện các nghi lễ cho việc đổ cây sấu và cây trò chỉ. Xung quanh, có rất đông mọi người đến xem và chờ đến những giây phút cuối cùng.
“Tết họ của người Dao Tiền không chỉ là lễ hội tín ngưỡng dân gian mà còn hội tụ và chứa đựng văn hóa của cả một tộc người. Ngày nay, dù xã hội có thay đổi thì cũng chỉ thay đổi những cái phù hợp với bản sắc dân tộc, cho nên tết họ luôn được người Dao Tiền chúng tôi bảo tồn và phát huy”, thầy cúng Lý Văn Chin ở bản Suối Khem, xã Phiêng Phuông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nói về ý nghĩa, cũng như trách nhiệm gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình như vậy.
Tết họ hội tụ đầy đủ văn hóa, tâm tinh, tín ngưỡng, phong tục tập quán và những quan niệm của người Dao Tiền. Tuy tết họ là lễ của dòng họ, nhưng lại mang tính cộng đồng rất lớn và trở thành ngày vui của toàn cộng đồng. Đây cũng là dịp để đồng bào giáo dục con cháu về truyền thống của dân tộc./.