Quất Tứ Liên: Chuyện của ngày xưa và hôm nay

VOV.VN - Nhiều năm ở đất quất Tứ Liên, tôi nghiệm ra một điều: Không có cây quất nào xấu, chỉ cần người chơi quất chọn cây quất hợp với căn hộ của mình, đặt đúng chỗ thì cây quất nào cũng đẹp.

LTS: Cây quất (tên khoa học là Citrus Japonica) là loại cây bản địa sống ở khu vực Đông Á. Không biết quất có ở nước ta từ bao giờ nhưng hiện nay quất có mặt ở cả hai miền Bắc – Nam. Tuy nhiên, mỗi một vùng có cách tạo dáng khác nhau. Riêng ở khu vực Đồng bằng sông Hồng vài mươi năm gần đây có những đột phá trong cách trồng, tạo dáng và “thưởng quất”. Đi tiên phong trong thay đổi này là vùng quất Tứ Liên quận Tây Hồ Hà Nội.

Vào những ngày cuối năm 2022, khi gió nồm Nam lồng lộng thổi, sáo diều nhà ai thả âm vang trên mặt nước sông Hồng, chúng tôi ghé thăm vườn quất Xuân Lộc, một trong những vườn quất đẹp nổi tiếng ở vùng Tứ Liên. Ông chủ vườn Nguyễn Xuân Lộc dáng người chắc khỏe, mái tóc cắt cua càng làm nổi bật nước da rám nắng của người suốt ngày phơi nắng gió. Dẫn chúng tôi thăm vườn quất, ông nói rằng đây là thời điểm để ngắm vườn vì chỉ ít ngày nữa, khách đến mua tấp nập, những cây quất đẹp nhất sẽ  được mang đi, vườn sẽ trống vắng…

Câu chuyện giữa chúng tôi quay về những ngày xa xưa, khi cây quất được trồng trên đất Quảng An (ven hồ Tây). Lần giở sách xưa, được biết cây quất vốn được trồng ở đất Nghi Tàm, nay thuộc phường Quảng An. Khoảng những năm 1970, người Quảng An không trồng quất nữa. Cơ duyên run rủi, cây quất Quảng An được “thiên di” ra đất Tứ Liên, ngoài đê sông Hồng.

Tứ Liên còn có tên gọi Tứ Tổng, nổi tiếng từ thời chống Pháp vì dân Tứ Tổng trong đêm17/2 và rạng sáng ngày 18/2 năm 1947 đã chèo thuyền đưa Trung đoàn Thủ đô qua sông Hồng. Trung đoàn Thủ đô lúc đó vừa vượt qua gầm cầu Long Biên, vượt qua bãi Giữa sông Hồng, lên chiến khu, tiếp tục cuộc kháng chiến bắt đầu từ 60 ngày đêm chiến đấu ở Liên khu I Hà Nội. Bia kỷ niệm sự kiện này hiện được dựng ngay lối vào nhà vườn Xuân Lộc.

Những cây quất ở vườn Xuân Lộc đủ các hình thức và kiểu dáng khác nhau. Rất ít những cây quất trồng trực tiếp xuống đất lấy dáng tròn xum xuê. Cây trồng trong bình, cây trồng trong chậu, trong chum, trong bể cá cảnh… Có những cây được trồng với những khúc gỗ lũa, với đá… muôn hình vạn trạng. Quất tỏa mùi thơm… mùi thơm từ lá, từ hoa, từ quả… Du khách tha hồ được hít thở với không khí trong lành, con người thêm sảng khoái…

Tình cờ, chúng tôi gặp ông Lê Văn Khanh, năm nay 76 tuổi, người gốc Tứ Liên. Vốn là kỹ sư điện làm việc ở nhà điện Yên Phụ, đã trải qua 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, ông Khanh rất tự hào về việc cây quất Tứ Liên đã trở thành “thương hiệu” nổi tiếng. Cùng chúng tôi thăm vườn quất, ông Khanh nhắc lại khoảng thời gian các ông  Hai Giai, Trưởng Lịch, Cai Thúy… đưa cây quất từ Quảng An về trồng trên đất bãi sông Hồng.

 “Vẫn là kiểu truyền thống thôi” – ông Khanh kể. Và quất Tứ Liên cũng chỉ loanh quanh ở chợ hoa Tết Hàng Lược, chưa vươn xa được như bây giờ. Người chơi quất thích quất Tứ Liên vì lá to, đậm và bóng mướt; quả thì to, đều, căng mọng, cả quả xanh và chín; có hoa có nụ; có lộc…không lẫn với những nơi khác.

Theo ông Khanh, vườn quất Tứ Liên có bước phát triển đột phá khi lớp chủ vườn trẻ ở Tứ Liên tiếp cận với nghệ thuật bon-sai, đưa quất vào trồng trong bình, hình thành một dòng “quất nghệ thuật”. Những nhà vườn đầu tiên ở Tứ Liên như nhà vườn Thế Mạnh, Xuân Lộc đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Tiếp lời ông Khanh, ông Xuân Lộc kể rằng ông vốn có nghề cắm hoa nghệ thuật. Từ cắm hoa sang tạo dáng cho cây quất, ông cũng trăn trở nhiều. Dĩ nhiên phải có đất vườn, khởi sự có ít nhưng ăn nên làm ra, chắt chiu giành dụm để có được những khoảnh đất rộng rãi, đủ để thực hiện ước mơ làm một nhà  vườn sinh vật cảnh mà cây quất là chủ lực.

Sau vốn liếng là việc đi tìm những phụ kiện cho nghề trồng quất cảnh. Giống thì khỏi lo vì đã có sẵn.

Người cũng khỏi lo vì dân Tứ Liên nhiều người có nghề. Ông Xuân Lộc tâm sự. Từ đây xuất hiện một nhu cầu mới đã tạo việc làm cho cả một làng nghề: Đó là việc sản xuất các loại bình, chum, vại, các con giống bằng đất nung để tạo cảnh. 

Tiếp theo là phải chọn bình, chậu… hợp với dáng cây mình chọn. Sau đó là việc đưa cây vào bình, chậu… Chậu to không nói, nhưng có những dáng bình “thắt cổ chai” thì đưa cây vào là cả một công phu, đòi hỏi phải kiên nhẫn, tỉ mỉ… Đó là giai đoạn đầu. Sau khi cây bén rễ, bắt đầu phát triển thì phải tính tạo dáng thế nào. Thông thường, khi cây quất lên cao đến đoạn vừa phải thì phải tỏa cành, để số cành 3-5-7… là do mình quyết. Bắt đầu uốn để cố định dáng…Thay vì phải “đảo quất” như xưa kia các cụ làm thì nay mình có cách bón phân cho rễ “chùn” lại kích thích hoa phát triển…

“Nghề chơi cũng lắm công phu” – ông Xuân Lộc bộc bạch. Cũng phải mất mấy năm mới có được một cây quất hoàn chỉnh. Phải tỉa cành tỉa lá, phải tính số quả cho một cành một cây… Dẫn chúng tôi đến một cây quất lớn rễ thân ôm một khúc gỗ lũa lớn sắc vàng, có mấy dòng chữ Hán ai đó  viết lên, ông Xuân Lộc kể: Ghép cây vào đá và gỗ lũa… nhiều khi phụ thuộc vào “linh tính” hay cảm giác của mình. Dáng này thì hợp đá, dáng này thì hợp gỗ… Phải đủ cả “ngũ hành” trong một chậu cây người mua mới thích. Như chậu quất này, thân lũa màu vàng, cùng với đất trong chậu thuộc “hành thổ”; thân cây có gai  nhọn, hoành tráng thuộc "hành kim”; thân gỗ, lá cây xanh tốt thuộc “hành mộc”; lá và quả cây mọng nước thuộc “hành thủy”; quả quất chin màu vàng cam thuộc “hành hỏa”… Một cây quất như vậy bầy trong nhà đem lại sự bình an, may mắn và sức khỏe  cho cả gia đình.

Tò mò, tôi hỏi nghĩa của mấy chữ Hán viết trong thân. Ngô Trang, người vợ của ông Xuân Lộc mau mắn đỡ lời chồng: Dạ- đó là mấy câu thơ của nhà thơ Thôi Hiệu đời nhà Đường bên Trung Quốc ạ”. Rồi cô đọc liền một mạch:

“Xuân du phương thảo địa

Hạ thưởng lục hà trì

Thu ẩm hoàng hoa tửu

Đông ngâm bạch tuyết thi”.

(dịch nghĩa: Mùa Xuân đi thăm nơi cỏ non mọc/ Mùa hạ thưởng thức ao sen xanh/ Mùa thu uống rượu cúc vàng/ Mùa đông ngâm thơ tuyết trắng).

Nhìn quanh vườn quất Xuân Lộc, tôi thấy cả một vùng hoa thơm cỏ ngọt, ao nước trong xanh. “Có vẻ như đến thăm vườn của bạn, cả bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông đều thấy “hanh thông”? Được câu tán thưởng của tôi, cả hai vợ chồng Xuân Lộc ồ lên, vui vì gặp được người  tri kỷ.

Ông Xuân Lộc tiếp lời: Ngày xưa các cụ nói một cây quất phải có đủ “tứ quý”, nhưng bây giờ thì con cháu mở rộng hơn thế ạ. Ngày nay người trồng còn chú ý đến thân cây  và bộ rễ. Thân có thể uốn theo nhiều dáng. Bộ rễ phải nổi như các cụ chơi rễ cây mai tết ấy ạ. Bộ rễ nhìn thì mềm mại, nhưng thân thì cứng… là cả một sự uyển chuyển “trong cứng có mềm” "trong mềm có cứng" "trong tĩnh có động”… Bởi thế ngày Xuân du khách bước đến vườn quất, có thể nán lại cùng nhà vườn uống ngụm chè ngon, cùng đàm đạo về “nghề làm vườn” và “nghệ thuật làm vườn” thời nay.

Tôi nêu một nhận xét nhỏ: Trong vườn quất Xuân Lộc, cây quất có đủ kiểu dáng, có cây uốn theo hình chim thú…nhưng có vẻ ông thích “dáng trực”? Ông chủ vườn công nhận rằng nhận xét của tôi là đúng: ”Tôi thích dáng trực – tính tôi là thế”- Ông Xuân Lộc nói thêm:“ Nhiều du khách đến thăm nhà vườn, không ít người có lời khen vườn đẹp, từ bố cục sân vườn, từ các loại hoa cỏ mang về trồng cho vườn thêm đa dạng. Nhưng tôi đều khiêm tốn mà nhận rằng chẳng qua là học được cái tinh túy của nghề trồng quất các cụ truyền lại, thêm một  chút hỗ trợ của công nghệ trồng và chăm sóc cây ngày nay mà thành.

Có vẻ như ông Xuân Lộc nói có lý. Cây quất từ Quảng An sang đất Tứ Liên phát triển được nhờ công của những người đi trước. Gốc  vững nhờ bám chắc vào đất qua bộ rễ. Nghề trồng quất nghệ thuật ở Tứ Liên có gốc rễ vững bền nên ngày càng hoàn thiện và dần đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật bon-sai.

Nhiều năm ở đất quất Tứ Liên, tôi nghiệm ra một điều: Không có cây quất nào xấu, chỉ cần người chơi quất, chọn cây quất không cứ to nhỏ, cốt hợp với căn hộ của mình, đặt đúng chỗ thì cây quất nào cũng đẹp. Thân-rễ-quả-hoa-nụ-lộc là sự kế tục phát triển không ngừng của các thế hệ trong gia đình mình, trong dòng họ mình.

Một cây quất tượng trưng cho sự viên mãn, may mắn.

Mà đấy là cây quất bản địa – cây quất Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người lính trên đảo Bình Ba: Đảm bảo an toàn từ hướng biển cho đất liền đón Xuân
Người lính trên đảo Bình Ba: Đảm bảo an toàn từ hướng biển cho đất liền đón Xuân

VOV.VN - Căn cứ quân sự Cam Ranh (Khánh Hòa) là nơi đóng quân của nhiều đơn vị quân đội nên công tác cảnh giới đảm bảo an toàn từ hướng biển luôn đặt lên hàng đầu. Vượt qua vô vàn khó khăn gian khổ, những người lính luôn tự hào là những “Mắt thần” canh giữ biển, đảo của Tổ quốc.

Người lính trên đảo Bình Ba: Đảm bảo an toàn từ hướng biển cho đất liền đón Xuân

Người lính trên đảo Bình Ba: Đảm bảo an toàn từ hướng biển cho đất liền đón Xuân

VOV.VN - Căn cứ quân sự Cam Ranh (Khánh Hòa) là nơi đóng quân của nhiều đơn vị quân đội nên công tác cảnh giới đảm bảo an toàn từ hướng biển luôn đặt lên hàng đầu. Vượt qua vô vàn khó khăn gian khổ, những người lính luôn tự hào là những “Mắt thần” canh giữ biển, đảo của Tổ quốc.

Nhà vườn đào, quất Tứ Liên vào vụ
Nhà vườn đào, quất Tứ Liên vào vụ

VOV.VN - Gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đây là thời điểm những nhà vườn quất Tứ Liên, đào Nhật Tân tại Hà Nội sẵn sàng phục vụ nhu cầu chơi hoa Tết của người dân Hà Nội và khách tham quan.

Nhà vườn đào, quất Tứ Liên vào vụ

Nhà vườn đào, quất Tứ Liên vào vụ

VOV.VN - Gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đây là thời điểm những nhà vườn quất Tứ Liên, đào Nhật Tân tại Hà Nội sẵn sàng phục vụ nhu cầu chơi hoa Tết của người dân Hà Nội và khách tham quan.