Rực rỡ bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ

VOV.VN - Người Dao sinh sống ở tỉnh Yên Bái hiện có 4 nhóm chính là: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển. Để phân biệt các nhóm Dao, chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong bộ trang phục của phụ nữ. Với trang phục của phụ nữ Dao đỏ, sắc màu rực rỡ từ màu chỉ đỏ chủ đạo trên nền vải tràm, cùng nhiều tua và núm bông đỏ đã tạo nên sự khác biệt.

Bộ trang phục nữ Dao đỏ thường sử dụng màu sắc đỏ làm chủ đạo trên nền vải chàm, với mong muốn màu sắc đỏ mang đến sự an lành, hạnh phúc, may mắn. Bộ trang phục đẹp thường có hoa văn không bị lỗi, các họa tiết mới mẻ… Do đó đòi hỏi người thêu, may phải rất tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ. Bộ trang phục càng mới thì thời gian sử dụng càng lâu”.

Đó là chia sẻ của bà Triệu Thị Tiếp, thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, người đã có hơn 50 năm thêu, may trang phục truyền thống dân tộc Dao đỏ.

Theo bà Tiếp, để hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống, người phụ nữ Dao cần rất nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi phải có sự kiên trì và khéo léo. Thông thường để hoàn thành một bộ trang phục phải mất thời gian khoảng 1 năm. Chính sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong từng công đoạn đã tạo nên bản sắc riêng biệt của bộ trang phục Dảo đỏ mà không thể pha lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác.

Bộ trang phục nữ gồm áo, quần, yếm áo, khăn vấn đầu và đai thắt lưng. Nguyên liệu chính là vải thêu nhuộm chàm và chỉ thêu các màu (đỏ, cam, vàng, trắng, xanh). Vải trước khi thêu đem rũ nước 3-4 lượt cho sạch mịn với mục đích vải không bị phai màu chàm sang chỉ thêu, làm mất độ thẩm mĩ của hoa văn. Tiếp đó tiến hành cắt rời vải thành từng bộ phận: tay, cổ, 2 tà trước và tà sau của áo; gấu quần; yếm áo; khăn vấn đầu… với độ dài, ngắn phù hợp với vóc dáng của từng chị em trước khi thêu. Hoa văn trên bộ trang phục nữ Dao đỏ thường là những hoạ tiết độc đáo như hình cây cổ thụ, dương xỉ, hình con ngựa, tam giác… Có lẽ cũng vì thế mà hoa văn trên từng bộ phận cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, bố cục hợp lý. Trong đó chiếc áo dài là điểm nhấn của bộ trang phục nữ: "Cầu kỳ nhất là thêu hoa văn tà sau của chiếc áo. Tuỳ theo sở thích của từng chị em mà có thể thêu 8-12 hàng hoa văn. Phần dưới cùng thường thêu 2 hàng cây dương xỉ, để trống phần giữa sau đó viền vải đỏ, hoặc vải hoa con công, với mục đích viền cho tà sau của áo thêm rực rỡ. Hoa văn tiếp theo là hình cây thông nhỏ, cây thông lớn là phần thêu trên cùng tà sau của chiếc áo”.

Sau khi hoàn chỉnh công đoạn thêu hoa văn, người thợ may sẽ tiến hành cắt thân áo và ghép lại toàn bộ các bộ phận: cổ, tay, tà trước, tà sau tạo thành chiếc áo hoàn chỉnh. Tiếp đó là đính quả đùm đũm bằng sợi len bồng quanh mép ngoài cổ áo xuống đến giữa thắt lưng, đính hạt cườm 2 bên hông trước khi chiếc áo được hoàn thiện nhằm tạo điểm nhấn cho chiếc áo thêm đẹp mắt. Quần, yếm áo, khăn vấn đầu và thắt lưng cũng được hoàn thiện với sự cầu kỳ, tỉ mỉ theo từng chi tiết, giúp cho bộ trang phục nữ Dao đỏ càng thêm rực rỡ…

Chị Lý Thị Mấy, thôn Cẩu Vè, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết ngày xưa, các cô gái Dao trước khi về nhà chồng đều tự tay thêu cho mình bộ trang phục cô dâu đẹp nhất, và đó cũng được coi là của hồi môn, gắn bó theo suốt cuộc đời người con gái Dao: “Người con gái Dao trước khi làm dâu sẽ có thời gian 5-7 tháng tự tay thêu bộ trang phục cô dâu trước khi về nhà chồng. Đây là món quà của gia đình nhà chồng nên mình phải dành thời gian thêu thùa sao cho đẹp nhất. Bộ trang phục này sẽ gắn bó với người con gái dao, và cũng được coi  là của hồi môn sẽ gắn bó trong suốt cuộc đời mình”.

Ngày nay, sự hỗ trợ của khoa học công nghệ đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm trang phục truyền thống Dao đỏ in, thêu hoa văn tinh sảo, đẹp mắt, giá thành lại rẻ so với sản phẩm thêu tay, được khá nhiều nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại sự tiện lợi này sẽ dẫn đến sự mai một nghề thêu trang phục, như trăn trở của chị Triệu Thị Chài, thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên: "Bộ trang phục thêu truyền thống có giá khoảng 5-6 triệu đồng, còn bộ thêu bằng máy giá chỉ tầm 3 triệu, rẻ một nửa so với bộ truyền thống, trông cũng rất đẹp, không khác gì với bộ trang phục truyền thống. Hiện nay cũng có nhiều chị em lựa chọn bộ trang phục thêu máy, in hoa văn. Mong muốn chị em Dao đỏ phải gìn giữ nghề thêu thùa của dân tộc”.

Bộ trang phục của phụ nữ Dao đỏ rực rỡ, gắn liền với nghề thêu trang phục truyền thống ý nghĩa là vậy. Vì thế, rất cần được bà con bản Dao gìn giữ, phát huy qua các thế hệ .

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lễ hội vũ đạo ngoài trời ở Đà Lạt thu hút hàng vạn người xem
Lễ hội vũ đạo ngoài trời ở Đà Lạt thu hút hàng vạn người xem

VOV.VN - Tối qua (30/4), tại quảng trường Lâm Viên, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra chung kết chương trình lễ hội vũ đạo ngoài trời “Dalat Best Dance Crew 2024”. Chương trình thu hút hàng vạn du khách và người dân địa phương đến xem và cổ vũ.

Lễ hội vũ đạo ngoài trời ở Đà Lạt thu hút hàng vạn người xem

Lễ hội vũ đạo ngoài trời ở Đà Lạt thu hút hàng vạn người xem

VOV.VN - Tối qua (30/4), tại quảng trường Lâm Viên, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra chung kết chương trình lễ hội vũ đạo ngoài trời “Dalat Best Dance Crew 2024”. Chương trình thu hút hàng vạn du khách và người dân địa phương đến xem và cổ vũ.

Độc đáo lễ hội Sú Khon Khoài của người Lự Lai Châu
Độc đáo lễ hội Sú Khon Khoài của người Lự Lai Châu

VOV.VN - Sú Khon Khoài là nghi lễ truyền thống trong đời sống tâm linh đồng bào Lự ở Lai Châu để người dân tỏ lòng biết ơn con trâu năm qua đã cần mẫn mang lại mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no cho người dân.

Độc đáo lễ hội Sú Khon Khoài của người Lự Lai Châu

Độc đáo lễ hội Sú Khon Khoài của người Lự Lai Châu

VOV.VN - Sú Khon Khoài là nghi lễ truyền thống trong đời sống tâm linh đồng bào Lự ở Lai Châu để người dân tỏ lòng biết ơn con trâu năm qua đã cần mẫn mang lại mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no cho người dân.

Độc đáo lễ cấp sắc của người Sán Chỉ ở Cao Bằng
Độc đáo lễ cấp sắc của người Sán Chỉ ở Cao Bằng

VOV.VN - Cấp sắc là nghi lễ không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người đàn ông người Sán Chỉ, được trao truyền qua nhiều thế hệ với sự độc đáo trong hình thức thực hiện.

Độc đáo lễ cấp sắc của người Sán Chỉ ở Cao Bằng

Độc đáo lễ cấp sắc của người Sán Chỉ ở Cao Bằng

VOV.VN - Cấp sắc là nghi lễ không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người đàn ông người Sán Chỉ, được trao truyền qua nhiều thế hệ với sự độc đáo trong hình thức thực hiện.