7 năm chưa thực hiện kết luận thanh tra tại Hãng phim truyện Việt Nam
VOV.VN - 7 năm thực hiện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, 6 năm có kết luận thanh tra cũng là ngần ấy thời gian cán bộ, nhân viên hãng “vác” đơn đi kiện" nhưng không kết quả!
"Chuyên gia giấy tờ"
Nghệ sỹ hãng phim truyện Việt Nam gọi vui đạo diễn Trần Chí Thành là “chuyên gia giấy tờ”, vì anh là người được anh chị em tín nhiệm giao cho giữ toàn bộ văn bản, tài liệu liên quan đến việc cổ phần hóa và đơn thư của mọi người. Trong chiếc balo màu đen anh Chí Thành luôn khoác trên lưng, các tài liệu được phân loại, sắp xếp theo từng hạng mục đánh dấu rõ ràng, từ Dự thảo điều lệ tổ chức và hoạt động công ty cổ phần, đến Quyết định, Công văn, mục Đơn thư kiến nghị, và cả tập hợp hàng chục bài báo viết về câu chuyện hãng phim.
Riêng mục đơn thư kêu cứu, 7 năm qua các nghệ sỹ hãng phim gửi không dưới 70 đơn đi khắp nơi, từ các hội nghề nghiệp như Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sỹ sân khấu, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đến cơ quan quản lý nhà nước, 2 đời Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, Cục Điện ảnh, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, rồi cả các Ủy ban Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội. Đạo diễn Trần Chí Thành chia sẻ: “Vì việc sai trái trong cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, từ 2017 đến giờ anh em chúng tôi mỗi năm gửi không dưới 10 đơn cho các cơ quan, đơn vị có liên quan để giải quyết vấn đề. Nếu chúng tôi không đấu tranh đến giờ phút này thì chắc chắn nó có thể đã trở thành một cái gì đó chứ không còn là hãng phim”.
Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước (Đau lòng hiện trạng Hãng phim truyện Việt Nam), dù cuộc sống khó khăn nhưng lý do thực sự mà các nghệ sỹ đấu tranh không chỉ vì cá nhân, mà vì muốn giữ lại thương hiệu, hình ảnh Hãng phim truyện Việt Nam. Theo các nghệ sỹ, 300 cuộn phim được cho là đã mất, nếu VFS cũng không còn thì mấy chục năm sau còn ai biết đến một thương hiệu điện ảnh từng là “cánh chim đầu đàn” của điện ảnh cách mạng nước nhà.
Tâm nguyện chưa thành
Suốt 7 năm "vác" đơn đi kiện, đến giờ không biết khi nào hành trình kêu cứu của các nghệ sỹ của Hãng phim truyện Việt Nam mới kết thúc? Trong đoạn clip mà các nghệ sỹ VFS cung cấp cho phóng viên VOV2, chúng tôi chú ý đến một nhân vật: nhà văn Nguyễn Khắc Phục, một trong những người lên tiếng đầu tiên về vụ hãng phim. Ông về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam (tiền thân của VFS) từ năm 1976 và nổi danh với các kịch bản điện ảnh "Chiến trường chia nửa vầng trăng", "Sơn ca trong thành phố", "Tự thú trước bình minh".
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã nói thế này: “Việc này không chỉ là việc của các văn nghệ sĩ của hãng. Tìm mọi cách bảo vệ di tích này không phải vì lợi ích của mấy văn nghệ sĩ ở đâu đây. Chúng ta đang chống lại sự vi phạm rất lớn. Chúng ta là công dân, chúng ta bảo vệ di sản văn hóa của đất nước, chứ không phải là bảo vệ một cái góc của Hãng phim truyện”.
Một năm sau khi nói câu này, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã mất! Ông qua đời mà tâm nguyện “giải cứu hãng phim” chưa thành!
Chậm trễ thực hiện kết luận Thanh tra
Từ tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam có nhiều sai phạm. Trong văn bản số 1589/ TB-TCCP chỉ rõ những vấn đề như: cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền; vi phạm quản lý tài sản; kinh doanh lỗ liên tiếp; vội vã phê duyệt phương án cổ phần hóa mà chưa có phương án sử dụng đất.
Về phía cơ quan chủ quản trước đây của hãng phim là Bộ VH-TT&DL, Bộ đã tuân thủ các kết luận Thanh tra và ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực khi đó là ông Trương Hòa Bình về việc xử lý sau thanh tra. Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp triển khai thực hiện các quy trình thủ tục để thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược.
Tuy nhiên, trong Công văn báo cáo Thủ tướng ngày 13/9/2021, Bộ VH-TT&DL cho biết, quá trình khắc phục đang mắc ở cả 2 khâu: Bộ gặp khó trong việc nhận lại cổ phần và Vivaso cũng gặp khó khi nhận lại tiền đầu tư. Cụ thể, “ngành nghề đầu tư của Hãng phim truyện không thuộc đối tượng theo danh mục ngành nghề nhà nước phải đầu tư để mua vốn tại các công ty cổ phần".
Về vấn đề nguồn tiền để mua lại cổ phần, Bộ Tài chính đã chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đề xuất lấy nguồn từ Quỹ hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp để hoàn trả lại cổ phần cho nhà đầu tư. Nhưng công văn ghi rõ "nhà đầu tư chiến lược (Vivaso) không hợp tác trong quá trình triển khai thực hiện”. Điều này một lần nữa được bà Phan Linh Chi – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VH-TT&DL thông báo trong cuộc họp báo diễn ra sáng 24/3/2023: “Nhà đầu tư chiến lược – Tổng công ty vận tải thủy - chưa đưa ra được những tính toán hợp lý, hợp lệ, tiến hành những thủ tục có liên quan và đề xuất cụ thể về số tiền nhận lại để hoàn trả cổ phần đã mua của Nhà nước tại Hãng phim truyện Việt Nam”.
Phản hồi về thông tin này, cũng như thông tin các nghệ sỹ cho rằng nhà đầu tư chiến lược không quan tâm đến công tác vận hành hãng phim, không có kế hoạch sản xuất phim, ông Nguyễn Danh Thắng – người được Vivaso bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triện Điện ảnh Việt Nam cho biết: “Khi chúng tôi nhận bàn giao, Bộ VH-TT&DL có quyết định đặt hàng giao cho chúng tôi làm bộ phim đầu tiên là Người yêu ơi. Chúng tôi rất háo hức đầu tư thiết bị và các máy móc cần thiết chuẩn bị cho việc sản xuất bộ phim".
"Chúng tôi đầu tư máy quay gần 3 tỷ, thành lập đoàn phim đi khảo sát các địa điểm cũng như casting diễn viên để chuẩn bị quay. Sau đấy xảy ra chuyện các nghệ sỹ làm đơn kiến nghị để Bộ không ký hợp đồng nữa. Do đó bản thân chúng tôi rất thiệt hại trong việc đầu tư thiết bị”.
Vậy ai đúng - ai sai? Lý do thực sự của những tồn tại bất cập này là gì? Trong thời gian sắp tới liệu có thể giải quyết triệt để? Hay các nghệ sỹ, cán bộ, nhân viên hãng phim vẫn tiếp tục "vác đơn" đi kêu cứu?./.