Bê bối giải thưởng “Quả cầu vàng" và nguy cơ xoá sổ trước làn sóng tẩy chay tại Hollywood
VOV.VN - Những thông tin chấn động về vấn nạn phân biệt chủng tộc, giới tính và nạn tham nhũng của Hiệp hội Báo chí nước ngoài tại Hollywood khiến giải thưởng "Quả cầu Vàng" đứng trước nguy cơ bị xoá bỏ.
Những ngày gần đây, HFPA (Hiệp hội Báo chí nước ngoài tại Hollywood) đứng trước khủng hoàng chưa từng có trong lịch sử 77 năm khi giải thưởng điện ảnh “Quả cầu Vàng” liên tiếp đối diện với làn sóng tẩy chay gay gắt từ các nhà làm phim, diễn viên và đài truyền hình.
Làn sóng tẩy chay gay gắt
Nguyên nhân bắt nguồn từ bài báo do tờ Los Angeles Times đăng tải đã vạch trần sự thiếu minh bạch trong hoạt động tài chính cũng như việc bầu chọn cho giải thưởng “Quả cầu vàng” và sự xuống cấp về đạo đức của các thành viên Hiệp hội. Cụ thể, HFPA có 87 thành viên nhưng không có ai là người da den. Điều này giải thích cho danh sách đề cử năm nay không có bộ phim nào về người da đen dù đều rất nổi bật và nhận được đề cử Oscar như: “Da 5 Bloods”, “Judas and the Black Messiah”, “Ma Rainey's Black Bottom”.
Theo khảo sát của Los Angeles Times, HFPA có nhiều thành viên "không phải là nhà báo nghiêm túc", không đến từ các cơ quan báo chí có uy tín, thậm chí làm việc ở những tờ báo chưa ai từng nghe đến hay đã "không hoạt động báo chí trong hàng thập kỷ qua”.
Ngay khi thông tin này được công bố, Hollywood nổ ra làn sóng phản đối mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nam diễn viên Mark Ruffalo đăng tải lên trang cá nhân những ý kiến chỉ trích đơn vị này vì "thiếu sự đa dạng" trong Hội đồng bình chọn giải thưởng. Anh kêu gọi Hollywood ngưng tham gia các hoạt động của HFPA. “Thành thật mà nói, với tư cách là người chiến thắng Quả cầu vàng gần đây, tôi không thể cảm thấy tự hào hay hạnh phúc khi trở thành người nhận giải thưởng này”, ngôi sao Marvel bày tỏ.
Tiếp đó, nữ minh tinh Scarlett Johansson cũng lên tiếng kêu gọi toàn ngành điện ảnh "lùi một bước" tránh xa HFPA. Cô cũng cho biết mình thường đối mặt với các câu hỏi và nhận xét phân biệt giới tính khi tham gia Quả Cầu Vàng. "Trước đây vì thường phải đối mặt với những nhận xét phân biệt giới tính của một số thành viên HFPA nên nhiều năm liền tôi từ chối tham gia các buổi gặp gỡ của họ”, Scarlett Johansson nói.
Không chỉ Mark Ruffalo, Scarlett Johansson mà Tom Cruise cũng có động thái tẩy chay. Nam tài tử đã trả lại 3 giải Quả cầu Vàng mà anh từng giành được bao gồm “Born on the Four of July” (Nam diễn viên chính xuất sắc), Jerry Maguire (Nam diễn viên chính xuất sắc) và Magnolia (Nam diễn viên phụ xuất sắc). Bởi nam tài tử cho rằng giải thưởng “Quả cầu vàng” không còn giá trị trong mắt anh nếu được trao từ một tổ chức bê bối.
Làn sóng phẫn nộ ngày càng lan rộng và dữ dội đối với cam kết thiếu sót của HFPA trong việc xóa bỏ phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và những sai sót về đạo đức và tài chính một cách nghiêm trọng.
Liên tiếp các hãng phim và đài truyền hình lớn nhất Hollywood và thế giới như HBO, HBO Max, Warner Bros. Pictures Group, WarnerMedia Studios & Networks, Netflix, Amazon Studios bày tỏ ý kiến chỉ trích HFPA. Đồng giám đốc điều hành Netflix, Ted Sarandos, đã thông báo với ủy ban lãnh đạo HFPA rằng gã khổng lồ phát hành trực tuyến đang “dừng mọi hoạt động” cho đến khi có những thay đổi có ý nghĩa hơn.
Đòn giáng mạnh nhất đối với HFPA chính là đài truyền hình NBC, đơn vị phát sóng bản quyền giải thưởng “Quả cầu Vàng” từ năm 1996 tuyên bố “cạch mặt” Hiệp hội. "Chúng tôi cảm thấy HFPA cần thời gian để cải tổ. Do đó, NBC sẽ không phát sóng Quả Cầu Vàng 2022. Nếu ban tổ chức thực hiện đúng kế hoạch của mình, chúng tôi hy vọng sẽ trở lại phát sóng chương trình vào tháng 1/2023", lãnh đạo cấp cao của NBC cho biết.
Với làn sóng tẩy chay này, có vẻ như HFPA khó có thể sống sót sau cuộc khủng hoảng nếu không có động thái sửa đổi nào. Thậm chí nhiều chuyên gia, nhà báo của tờ Variety đã đặt ra viễn cảnh khi “thế giới thiếu vắng giải thưởng này cũng không tệ đi chút nào”.
Vấn nạn phân biệt chủng tộc, tham nhũng
Theo báo cáo của Variety, sự xuống cấp đạo đức, bất bình đẳng về chủng tộc và giới tính đã diễn ra từ lâu nhưng có lẽ HFPA ngang nhiên công khai điều đó từ năm 2013. Tờ báo dẫn chứng các phim về người da đen như "Black Panther", "12 years a slave" từng không được Quả cầu Vàng vinh danh nhưng vẫn được Oscar, nhiều giải khác vinh danh và có vị trí trong lịch sử điện ảnh.
Gần đây nhất là “Quả cầu Vàng” 2021 gây tranh cãi khi lựa chọn “Emily in Paris” thay vì “Minari” vào danh sách đề cử “Phim hay nhất” và để “I may destroy you” có diễn viên da màu đóng chính "trắng tay". Năm 2018, việc phim kinh dị "Get out" bị xếp tranh giải "Phim hài - âm nhạc" cũng gây ra làn sóng tranh cãi dữ dội. Sự phân biệt chủng tộc thấy rõ ở ngay lãnh đạo hiệp hội là Philip Berk, chủ tịch HFPA 8 nhiệm kỳ gọi “Black Lives Matter” là "phong trào căm thù phân biệt chủng tộc" vào tháng 4.
HFPA còn cho thấy sự xuống cấp đạo đức và vấn nạn tham nhũng. Lâu nay, HFPA cũng tìm kiếm nhiều cách để bổ sung thu nhập cho hiệp hội, đó là nhận quà từ các hãng phim và những người nổi tiếng,… Điều này có thể dẫn chứng từ lịch sử đầy tai tiếng của Hiệp hội. Điển hình là sự cố Pia Zadora vào năm 1982. Ngôi sao 24 đã được trao giải “Quả cầu Vàng” cho vai diễn trong bộ phim “Butterfly” sau khi người chồng tỷ phú Meshulam Riklis của cô đưa các thành viên HFPA đến nghỉ dưỡng ở Las Vegas.
Hay năm 1992, Universal tổ chức cuộc họp báo công phu cho “Scent of a woman” của Al Pacino tại New York danh cho các thành viên. Và không phải ngẫu nhiên mà bộ phim lại được đánh giá cao hơn những tựa phim nổi tiếng năm đó như “Unforgiven”, “The Crying Game” và “A few good man” trong hạng mục Phim truyền hình, Phim điện ảnh… Mùa giải năm 2021, cũng Los Angeles Times đưa tin HFPA nhận quà là chuyến thăm thú nghỉ dưỡng 5 sao từ nhà sản xuất phim “Emily in Paris” để đưa bộ phim dở tệ này vào bảng đề cử…
Richard Rushfield, tổng biên tập The Ankler bày tỏ: "Tôi rất sốc, khi phát hiện ra vấn nạn này đang diễn ra ở đây! Sự việc được phanh phui thật kinh hoàng khi tất cả những người này đều biết mọi thứ đang diễn ra. Họ biết tên các thành viên HFPA. Họ không chỉ là nhân chứng cho sự thiếu đa dạng. Họ đã tạo điều kiện cho nó”.
Cải cách là giải pháp duy nhất
Tẩy chay giải thưởng “Quả cầu Vàng” không phải giải pháp lâu dài bởi mọi giải thưởng điện ảnh, hãng phim, nhà làm phim, diễn viên,… đều là một phần của hệ sinh thái, tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến nhau. Oscar, Critics Choice, SAG và BAFTA dù cũng vấp phải không ít tranh cãi nhưng vẫn tồn tại và đều đang thực hiện những bước tiến để cải thiện, mặc dù chưa rõ rệt.
Vì vậy, sau đòn giáng mạnh mẽ từ đối tác truyền hình hơn 25 năm, HFPA đã cam kết thay đổi, cải cách sâu rộng, tái cơ cấu, đa dạng hóa hội đồng bỏ phiếu bình chọn giải. Mục tiêu của hiệp hội là thêm 20 thành viên mới vào tháng 8, tăng số lượng thành viên lên 50% trong vòng 18 tháng với trọng tâm cụ thể bằng cách tuyển dụng thành viên da màu và nữ giới, thực hiện các chính sách mới về quà tặng, du lịch và họp báo, yêu cầu các thành viên hiện tại phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự như thành viên mới và bầu một hội đồng quản trị mới. HFPA được gia hạn 18 tháng để cải tổ, trong thời gian đó các đơn vị tẩy chay sẽ ngừng hợp tác.
Với tầm nhìn xa hơn, tổ chức đã chủ động tạm dừng sự kiện trong một năm và tập hợp lại, để sau đó có thể quay trở lại với diện mạo mới vào năm 2023. “Họ nên đủ thông minh để tự mình làm điều đó, ”một giám đốc điều hành giải thưởng bày tỏ.
Đại diện nhiều công ty nổi tiếng (bao gồm Ginsberg-Libby, DKC, và Eileen Koch Public Relations) cho rằng: "Việc phỉ báng hiệp hội chỉ làm chia nhỏ các vấn đề đa dạng và hòa nhập tại Hollywood, dẫn đến cơ hội đối thoại trên toàn bộ hệ sinh thái giải trí sẽ bị bỏ lỡ. Vì vậy, thay vì "hủy bỏ" toàn bộ HFPA và giải thưởng "Quả cầu Vàng", có lẽ chúng ta nên đề nghị tham gia mở ra các cuộc đối thoại tiến bộ có thể giúp nâng cao tổ chức này từ trong tư duy và phương pháp"./.