"Bố già": Trọn thương, vẹn tình, còn gì nữa?
VOV.VN - Nhiều khán giả đã rơi nước mắt vì thấy mình trong đó. Hình ảnh đẹp, đầu tư kỹ lưỡng. Nhưng "bom tấn" điện ảnh Việt Nam hiện tại vẫn còn nhiều điều làm người ta tiếc nuối.
Sau nỗ lực giãn cách để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành đã yêu cầu đóng cửa các rạp chiếu phim cùng nhiều tiện ích khác. Ngày rạp mở lại cũng là thời điểm rất nhiều tác phẩm đổ bộ sau khi bị dồn ứ bởi mùa phim Tết chuyển sang. "Bố già" dường như tạm thắng thế trong mấy ngày qua, dù mới chỉ sneak show (chiếu phim trước ngày công chiếu chính thức) đã đạt hơn 60 tỷ doanh thu (số liệu độc lập từ Box Office Vietnam) đến sáng 8/3.
"Bố già" là tổng hòa câu chuyện về hàng xóm láng giềng, họ hàng bà con và người thân trong gia đình. Ở đó có người cha già (Trấn Thành đóng) cả đời vì con trai (Tuấn Trần) và đứa con gái nuôi nhỏ xíu. Mọi kịch bản liên quan đến gia đình, đến đấng sinh thành đều vốn dĩ chưa cần đao to búa lớn, cứ giản dị bàng bạc thì cũng đã đủ lấy nước mắt người xem bởi thứ tình cảm ấy quả thật rất thiêng liêng. Nhất là một bộ phận giới trẻ ngày nay bị đưa vào vòng xoáy mưu sinh, xa gia đình đến các thành phố lập nghiệp nên nỗi nhớ nhà, cảm thấy không được gần cha mẹ làm cho cảm giác có lỗi trở nên hiện hữu. Chỉ nhiêu đấy cũng đủ làm người xem rơi nước mắt.
"Bố già" vận dụng công thức này hoàn hảo. Những hình ảnh thân thuộc về khu xóm cũ, những người hàng xóm miệng "tía lia" nhưng chân tình. Và những người họ hàng tọc mạch nhưng sâu thẳm chất chứa yêu thương. Khu xóm ấy luôn rộn ràng tiếng nói cười, mang tính cách Nam Bộ (hay người Nam sẽ nói "rặt" chất miền Nam) từ lời ăn tiếng nói đến món ăn đặc trưng. Bối cảnh này gần như xa lạ với cộng đồng mê phim ở phía Bắc. Họ sẽ khó hiểu với những lời ăn tiếng nói như vậy. Nhiều đoạn nhân vật người con trai xưng "tui" với ba là điển hình cho sự khác biệt này. Nó không hề ngỗ ngược mà còn rất đời. Trấn Thành đã viết kịch bản bằng chính vốn từ đa dạng có chú ý đến tính vùng miền.
Trấn Thành kết hợp với một con người yêu Sài Gòn - đạo diễn Vũ Ngọc Đãng - đã cho người xem hình dung về một Sài Gòn đẹp đẽ và đáng yêu nhường nào. Quan sát những tác phẩm của Vũ Ngọc Đãng, vị đạo diễn tài ba này luôn dành một tình cảm đặc biệt cho thành phố phương Nam. Những khung hình nhìn là biết của Đãng. Sự kết hợp giữa hai người đàn ông tài năng này không chỉ vậy. Nó cho khán giả cảm giác không thể lẫn vào đâu được. Ở đó người xem không thấy được sự tranh giành hay lấn át quan điểm nghệ thuật của ai mà thấy được sự dung hòa vì tác phẩm cuối cùng.
Có lẽ hai người đều mong muốn sản phẩm hoàn hảo nhất nên nếu trong vai một người bác sĩ thăm khám tổng quát thì "Bố già" có sức khỏe khá tốt. Đặc biệt các cú quay chất lượng, quay một lần. Người xem có thể phải nín thở vì diễn biến rất thật như đang được xem trực tiếp tại phim trường chứ không phải những mảnh cắt ghép vô nghĩa.
Diễn viên cũng là yếu tố quan trọng cấu thành nên sự thành công của bộ phim. Phim điện ảnh "Bố già" quy tự dàn nghệ sĩ "cây đa cây đề" trên sân khấu phía Nam. Chúng ta hoàn toàn yên tâm trước nét diễn đặc trưng Nam Bộ của NSND Ngọc Giàu cũng như nể phục tài biến hóa của nghệ sĩ Lê Giang... Tuấn Trần là nhân tố mới, đáng nể phục. Trước đây, anh được biết đến với vai trò như một "hot boy" hay diễn viên webdrama. Với "Bố già", Tuấn Trần đã chứng minh được thực lực diễn xuất của mình. Tuy chưa phải hoàn hảo nhưng tài năng trẻ này đáng được khích lệ.
Thật thiếu nói không nhắc đến diễn xuất của Trấn Thành. Và phim này, Trấn Thành cũng đã chứng minh được năng lực thật sự của mình. Người xem đã có thể quên được một MC Trấn Thành quen thuộc, mà chỉ có một Trấn Thành nhập tâm vào hình hài một ông bố.
Tuy nhiên, trong cuốn báo cáo sức khỏe của "Bố già" vẫn có kha khá điểm chưa khỏe lắm. Chúng ta đã biết rất nhiều đến những câu nói triết lý gây bão mạng của Trấn Thành. Anh cũng đã ứng vào phim những câu như vậy, như triết lý về tình yêu thương cha dành cho con, dành cho gia đình tuy nhiên còn hơi khiên cưỡng. Lợi dụng lối chơi chữ nhiều nên dẫn đến dài dòng, lan man và vụn vặn. Đáng tiếc nữa trong kịch bản là phim nhấn nhá nhiều về cảm xúc gia đình nên không có câu thoại nào thật sự đọng lại trong lòng người xem.
Đến phần logic, kịch bản đã để tâm đến quá nhiều tiểu tiết, nếu cắt đi sẽ "khỏe" mắt hơn. Ở đây có tình tiết về cô người yêu cũ đột ngột xuất hiện. Sa đà vào giải thích tình tiết cũng làm giảm độ nhạy não cho người xem.
"Bố già" chắc chắn đã trở thành hiện tượng do ra đời đúng thời điểm. Phim tuy đôi chỗ chưa tròn trịa, song thành công rực rỡ nhờ thuần chất Việt, chạm vào trái tim người Việt./.