Chàng trai người Mỹ, gốc Do Thái Charlie Win bén duyên với Việt Nam cũng bởi chữ “tình”. Tình yêu là lý do khiến Charlie Win quyết định ở lại và gắn bó với Việt Nam. 12 năm gắn bó, đất nước, con người Việt Nam đã dành cho Charlie Win bao cơ hội trải nghiệm, phát triển bản thân. Thực lòng Charlie Win đã coi Việt Nam là quê hương thứ 2 mà anh nguyện gắn bó.

Nếu không có sự khác biệt về ngoại hình thì không nghĩ Charlie Win là người nước ngoài. Anh nói tiếng Việt thuần thục, am hiểu văn hóa, con người Việt Nam. Hiện anh sống và làm việc ở Hà Nội như một công dân người Việt. Ăn đồ Việt, nói tiếng Việt, làm việc với người Việt, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Nhiều người biết đến anh với nhiều vai trò, nào là diễn viên, MC và hiện anh đang cộng tác dẫn chương trình tiếng Anh cho Ban Đối ngoại (VOV5), Đài Tiếng nói Việt Nam.

Là người gốc Do Thái, Charlie Win tìm được sự đồng điệu với người Việt Nam đó là sự chịu thương, chịu khó, sống tình cảm. “Người Việt Nam cũng giống những người Do Thái chúng tôi, phải trải qua rất nhiều khó khăn trong nhiều giai đoạn lịch sử nên rất sáng tạo, nhưng người Việt còn có sự nổi trội về ứng xử linh hoạt, khéo léo. Khi gặp một vấn đề nào đó, người Việt luôn có cách giải quyết rất đơn giản. Tôi muốn học hỏi những điều đó vì sự linh hoạt rất cần thiết trong cuộc sống, nên đã gắn bó với Việt Nam đến tận bây giờ”. Bản thân Charlie Win là người luôn đặt tình cảm lên trên hết, điều này có lẽ cũng bắt nguồn từ gia đình của anh.

Ít ai biết được rằng, Charlie Win có một tuổi thơ không mấy màu hồng. Anh sống thiếu thốn tình cảm của bố mẹ từ nhỏ. Bố mấy sớm, mẹ anh bị tâm thần phân liệt. Đến khi mẹ Charlie Win mất, anh không còn ai là người thân. Charlie Win cho hay, lúc đó anh giống như một chiếc lá bay theo chiều gió. Và cơn gió đó đã đưa Charlie Win sang Việt Nam như một định mệnh.

Cuộc gặp định mệnh với một cô gái người Việt và là mẹ của con anh bây giờ đã khiến anh cảm nhận được sự quan tâm chân thành. Đi bất cứ đâu anh cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt thành của người Việt. Những khoảng trống, những vết thương trong tâm hồn Charlie Win như được chữa lành. Và Việt Nam đã khiến anh không thể rời xa. Anh cảm ơn nơi đây đã cho anh gia đình, cho anh cô con gái đẹp tựa thiên thần, cho anh những người bạn và nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Mặc dù cuộc đời có nhiều đổi thay, anh và mẹ của con anh không còn song hành bên nhau nhưng anh vẫn chọn ở lại Việt Nam, nuôi dưỡng con gái trưởng thành.

Càng sống lâu ở Việt Nam, Charlie Win càng hiểu tại sao Việt Nam được gọi là đất nước của sự kiên cường. Bản thân Charlie Win cũng từng nghĩ, mình sẽ không an toàn khi sang Việt Nam. Nhưng khi vừa đặt chân tới đây, sự cởi mở, thân thiện, tốt bụng của người dân Việt khiến anh hoàn toàn yên tâm. Bởi bên Mỹ anh gặp cũng khá nhiều những cựu binh Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Đến bây giờ vẫn còn nhiều người bị sang chấn tâm lý, những câu chuyện thời chiến vẫn ám ánh khiến họ không có giấc ngủ yên. Nhưng những trải nghiệm, tiếp xúc với người dân Việt đã xóa tan tất cả. Anh phải thốt lên rằng “chưa nơi nào an toàn, và đáng sống như ở Việt Nam”.

Việt Nam đã cho anh nhiều cơ hội, đặc biệt là bén duyên với nghệ thuật. Trước đây, Charlie Win chưa bao giờ có ý định làm nghệ thuật, mặc dù anh được sinh ra trong một gia đình có bà ngoại là nghệ sĩ dương cầm, ông ngoại là ca sĩ, mẹ là kiến trúc sư. Nhưng cuộc đời anh vẫn ví mình như chiếc lá bay trong chiều gió, gặp duyên sẽ dừng. Và mối duyên của anh đến với bộ môn nghệ thuật khởi nguồn từ cuộc gặp gỡ với đạo diễn Trần Vịnh vào năm 2018 với vai sĩ quan quân đội Pháp tên Le Jean trong phim “Giọt nước của dòng sông” (11 tập), kể về chiến tranh tại Việt Nam năm 1945”. “Trong phim “Giọt nước của dòng sông”, tôi có 30 phân loại phân đoạn với rất nhiều lời thoại, nhiều từ mình không biết. Thế nên, việc thức đêm đến 4 giờ sáng để dịch thoại rồi cố gắng luyện nói tròn lời, rõ chữ là chuyện bình thường. Nhưng tình yêu với diễn suất đã giúp tôi vượt qua hết những khó khăn, rào cản”, Charlie nhớ lại.

Năm 2020, Charlie tiếp tục được đạo diễn Trần Vịnh mời đóng vai sĩ quan Pháp có tên Lơ Rát trong phim “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng”. Cũng từ đây, Charlie chính thức bước đi trên con đường nghệ thuật chuyên nghiệp tại Việt Nam. Để vai diễn đạt được hiệu quả, Charlie không ngại mất thời gian để lồng tiếng cho nhân vật Lơ Rát. “Cảnh quay khiến tôi xúc động nhất là cảnh xử bắn hai thiếu niên. Tôi đã tát người lính khi thổi kèn tiễn đưa các đội viên trước khi bị bắn. Người lính bị tát từ từ cúi xuống nhặt kèn rồi từ từ đưa lên môi thổi tiếp…”, Charlie chia sẻ.

Tạo hình của diễn viên Charlie Win trong vai sĩ quan Pháp có tên Lơ Rát trong phim “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng”

Năm 2020, Charlie để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả khi vào vai chính người lính Mỹ, trong vở “Duyên định” do NSND Lê Hùng đạo diễn. Vở kịch kể về cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1972 - 1975. Charlie cho biết, đây là một vai diễn khó, đòi hỏi nhiều kỹ năng diễn xuất, sự tập trung cao độ, đặc biệt là cảm xúc phải chân thực.

Gắn bó với Việt Nam anh đã tạo được dấu ấn khá đậm nét trên con đường nghệ thuật, ở cả phim điện ảnh, truyền hình và sân khấu kịch. 12 năm trước, khi sang Việt Nam, anh chưa biết đến một chữ tiếng Việt nhưng nay anh đang sinh sống ở thủ đô Hà Nội, là một diễn viên, MC, từng đảm nhiệm nhiều vai diễn khác nhau.

Charlie cho hay, 4 năm trước, anh có thể nhận bất cứ vai diễn nào, từ quần chúng đến vai diễn phụ với một thái độ phát triển. Ở hiện tại, anh mong muốn nhận được những vai diễn chính, với vai diễn phụ cần có đất diễn và cần có câu chuyện. Anh cũng luôn sẵn sàng đón nhận các công việc của một biên tập viên, nhà phê bình sách, nhà sáng tạo những clip về giáo dục. Trong thời gian tới anh mong muốn tham gia và phát triển các dự án cộng đồng để chia sẻ kiến thức về văn hoá đọc, khuyến khích trẻ em đọc sách. Anh muốn cống hiến, muốn làm việc không phải vì kinh tế mà muốn là người mang ảnh hưởng tốt đến cộng đồng.

Văn hóa Việt đã thấm đẫm trong Charlie. Anh thích cơm tấm Sài Gòn, bún chả Hà Nội và trà đá vỉa hè. Anh cũng đặc biệt thích Tết cổ truyền của người Việt. “Tôi ấn tượng với văn hoá ngày Tết tại Việt Nam, trước hết với phong tục đi thăm, chúc Tết họ hàng. Tôi sống một mình với mẹ từ bé, cũng chưa từng đi sang nhà bạn bè họ hàng đông người như thế. Tết là kỳ nghỉ lễ dài ngày khá thú vị. Nếu như ở Mỹ, ngoài việc tụ tập gia đình một hai hôm, chúng tôi thường có xu hướng đi du lịch. Nhưng tại Việt Nam, ngoài tụ họp gia đình, họ còn có những phong tục đi chùa đầu năm, gặp gỡ bạn bè. Đây là điều khá xa lạ với nước Mỹ”, Charlie cho hay.

Anh Charlie vẫn nhớ năm đầu tiên đón Tết ở Việt Nam chính là ở nhà bạn gái. Do ngôn ngữ bất đồng nên giao tiếp với mọi người khó khăn, khắc phục điều đó và để người lớn tin tưởng mối quan hệ, anh chủ động làm mọi việc từ dọn dẹp, rửa bát, mời mọi người uống nước. Charlie thấy việc người trẻ phục vụ người lớn tuổi rất văn minh, tốt đẹp, vì vậy anh vừa muốn nhập vai, vừa muốn làm cầu nối để lấy lòng gia đình người yêu. Dù có nhiều trở ngại nhưng năm đầu tiên được đón Tết cổ truyền của người Việt anh thực sự xúc động vì tình cảm mà mọi người dành cho mình.

Giờ giống như người bản địa, công việc có bận rộn nhưng Charlie vẫn giữ thói quen ngồi cà phê ở một góc phố để nhâm nhi thưởng ngoạn không khí của mùa xuân. Anh cũng rất thích ngắm nhìn chợ hoa ngày Tết. Cái cách người Việt sắm Tết rất thú vị.

Bao lo toan muộn phiền họ gác lại chọn những món đồ đẹp, ngon để chuẩn bị đón một năm mới với tâm thế chào đón mọi điều tốt đẹp. Đến đâu cũng được mời ăn cỗ với những món gần giống nhau nhưng mỗi nhà, mỗi người lại làm với một hương vị riêng. Ẩm thực ngày Tết của người Việt, đặc biệt là những gia đình người Hà Nội được bày biện cầu kỳ, khéo léo.

“Tôi thích các món ăn như nem rán, giò, chả nhưng đặc biệt lại không quen ăn bánh chưng. Tôi không thể nào ăn được đồ nếp mặc dù nhìn bánh chưng rất hấp dẫn. Tôi thích các món mứt Tết của người Hà nội, đặc biệt là món mứt sen. Tôi vẫn nhớ sang nhà hàng xóm chúc Tết vì thích quá ăn hết cả một đĩa mứt sen. Sau nhìn lại thấy xấu hổ quá”, Charlie tâm sự.

Charlie bộc bạch, “Tôi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Việt Nam có những điều tuyệt vời, nhưng cũng còn những thứ không thực sự phù hợp với tôi, nhưng tôi luôn đón nhận và chấp nhận tất cả những điều đó”./.

Thứ Tư, 09:31, 25/01/2023