Chuyện kể từ củi lũ của Lê Ngọc Thuận
VOV.VN - Thuận sử dụng những thanh gỗ bỏ đi để tạo ra tác phẩm và thổi hồn văn hóa Cơ Tu và Hội An, đặc biệt là văn hóa Quảng Nam vào đó.
Tại triển lãm điêu khắc mang tên “Con giống’’ đang diễn ra tại Hà Nội của nhóm 4 nghệ sỹ Lê Thiết Cương, Lê Minh Trí, Lê Ngọc Thuận, Vũ Hữu Nhung, lần đầu tiên Lê Ngọc Thuận xuất hiện với các tác phẩm điêu khắc gỗ voi, rồng, trâu, gà trống…Những tác phẩm cùng một ý tưởng xuyên suốt được thực hiện từ gợi ý của họa sĩ Lê Thiết Cương: “Cách tạo hình hiện đại trên nền văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, Tây Giang, Quảng Nam, một tộc người được “trời” tặng cho nghề điêu khắc gỗ và đan lát rất giỏi". Cũng họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét: “Lê Ngọc Thuận đã làm cho truyền thống điêu khắc gỗ của người Cơ Tu trở nên mới lạ, làm cho truyền thống ấy không bị đóng băng.”. Phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với nghệ sỹ Lê Ngọc Thuận.
PV: Thưa anh Lê Ngọc Thuận, được biết triển lãm lần này là triển lãm điêu khắc đầu tiên anh tham gia. Anh đã đến với triển lãm Con giống này như thế nào?
Lê Ngọc Thuận: Câu chuyện về triển lãm thực sự bắt nguồn từ anh Lê Thiết Cương. Qua những tờ báo nói về Thuận, tình cờ một hôm anh Cương đọc được trên báo chuyện về một người lượm những những thanh củi lũ và tạo ra những tác phẩm trang trí trong villa, trong nhà hàng, anh Cương kết nối với tôi. Cũng một năm như vậy. Trong quá trình mình làm, anh Cương đã thấy mình có tiềm năng, anh đặt ra chủ đề năm 2022 anh sẽ làm một triển lãm về Con giống, tôi nên nghiên cứu tham gia cùng với các anh. Câu chuyện bắt đầu từ đấy.
Ban đầu cũng còn hơi bỡ ngỡ bởi vì mình không biết bắt đầu từ đâu và làm cái gì, con giống như thế nào. Anh Lê Thiết Cương gợi ý nên dựa vào văn hóa, đặc biệt là văn hóa Cơ Tu. Đó là bắt nguồn câu chuyện. Vì ở Quảng Nam có văn hóa Cơ Tu và tôi cũng đã tìm hiểu rất nhiều về văn hóa đó,
PV: Họa sĩ Lê Thiết Cương gợi ý cũng trên cơ sở nhiều năm nay anh đã theo dõi văn hóa Cơ Tu trong quá trình làm việc, đúng không ạ? Những ý tưởng đó đã hình thành như thế nào anh có thể chia sẻ?
Lê Ngọc Thuận: Trước đó mình cũng đã có những ý tưởng, cũng gần 5 năm. Trong quá trình kinh doanh, mình đi các nơi, đi nước ngoài , xem truyền thông báo chí, rồi thông tin của nước ngoài về văn hóa. Mình cũng để ý, nuôi dưỡng trong tiềm thức, cứ nuôi dần nuôi dần, cho tới khi dịch covid 19 dừng lại, thì giống như điều đó đủ độ chín muồi. Có thời gian dừng lại nên mình làm được các tác phẩm như bây giờ.
Văn hóa Cơ Tu theo tôi cảm nhận nó hay ở chỗ dù (người làm) không qua trường lớp nhưng người ta lấy được từ văn hóa trong cuộc sống. Ví dụ như người ta tôn thờ thần linh, như một con gà gắn trên nhà gươl thì con gà đó là vật rất linh thiêng với họ, mang đến niềm vui, xua tan đi ma quỷ ... Tại sao người ta lại đặt trên nóc nhà hay trên cây nêu? Khi cộng đồng tập trung lại để nhảy múa quanh con gà đó... Phần lớn (những hình tượng đó) người ta lấy từ trong cuộc sống, trong văn hóa của họ. đem những nét văn hóa trong cuộc sống hiện tại thể hiện qua những thanh gỗ.
Đặc biệt chuyện dùng những thanh gỗ của người Cờ Tu có một điều rất hay mà tôi vẫn đang theo dõi và đang làm: đó là người ta không phá rừng để đục đẽo. Như khi người ta muốn làm một cái tượng, thì gỗ sẽ là gỗ gãy từ rừng hoặc gỗ trong rừng trồng. Khi dùng gỗ tự nhiên để làm nhà mồ hay bất cứ một cái gì quan trọng trong cộng đồng, người Cờ Tu phải thắp hương và xin lại các thần linh, và người ta phải cảm thấy được thần linh cho phép sử dụng cây gỗ đó, mới được phép cưa gỗ.
Con đường tôi đang đi là sử dụng những thanh gỗ bỏ đi, đặc biệt là những loại gỗ lũ, phải là gỗ người ta vứt đi mình mới đem tạo ra tác phẩm và thổi hồn văn hóa Cơ Tu và Hội An, đặc biệt là văn hóa Quảng Nam đưa vào trong thân gỗ đó.
PV: Với 20 tác phẩm mang đến triển lãm Con giống lần này cùng các nghệ sĩ khác, anh đã chọn cho mình phong cách như thế nào?
Lê Ngọc Thuận: Trong thời gian đầu thì chưa, nhưng mà khi đi sâu vô thì tự mình hiểu được. Quá trình mình sinh ra và lớn lên bên dòng sông. ngôi nhà ,làng quê, cảnh quan môi trường mình đã cảm nhận được, đã đi sâu vào trong tiềm thức của mình.
Ngày xưa mình sinh ra bên dòng sông Cổ Cò, xung quanh thuyền bè tấp nập. Màu sắc của những chiếc thuyền rất nhiều: màu xanh của nước biển, màu trắng là sóng rồi màu vàng là nắng... Rất nhiều màu sắc trên một chiếc thuyền đi vào tiềm thức của tôi. Bây giờ muốn làm ra những tác phẩm rồi kể câu chuyện gì đây? Khi đó trong tiềm thức đã gợi nhớ được những ký ức, mình đã đưa ký ức về màu sắc, rồi ký ức tại sao nước sơn không làm mới mà là cũ - vì tuổi thơ khi mình đi lên thuyền, thấy được nước sơn bị phai lạt theo thời gian, nhìn rất có cảm xúc. Nước mắt, mồ hôi, công sức con người đổ lên chiếc thuyền đó. Vì thế mình thấy rất là quý những thanh gỗ đó. Mình lấy màu sắc đó để làm nền tảng cho câu chuyện hôm nay đi làm những tác phẩm dự triển lãm. Có những điều giống như ký ức tuổi thơ ở trong đó.
PV: Như tôi hình dung thì các tác phẩm của anh biểu đạt mặc dù là hiện đại nhưng vẫn dựa vào dân gian và mang phong cách dân gian là chủ yếu.
Lê Ngọc Thuận: Dựa phần lớn vào dân gian là chính. Ngày xưa ông bà mình đã sử dụng những cái rất gần gũi, rất thiết thực, để thành di sản đến bây giờ. Tôi nghĩ trong thời buổi hiện đại này có rất nhiều cái hay, tại sao mình không tách nó ra và làm cho nó giống như ông bà mình đã làm? Đó là ngôn ngữ và câu chuyện của mình. Và tuổi thơ của mình sống bên một dòng sông với những màu sắc, những ảnh hưởng của truyền thống.
PV: Anh có dự định gì với các tác phẩm của mình?
Lê Ngọc Thuận: Sau Hà Nội là những tác phẩm này sẽ được đưa vào Sài Gòn, sau đó sẽ về lại đất mẹ Hội An để mọi người biết tới về Hội An, Quảng Nam có tài nguyên và một di sản văn hóa rất lớn. Đứng ở góc độ của Thuận, tôi mong muốn mọi người biết về văn hóa Cơ Tu và biết tới Quảng Nam. Và biết tới những thanh củi trôi dạt trên một dòng sông và mang đi một dòng văn hóa từ thượng nguồn về tới hạ lưu. Ở đó có những năng lượng rất tích cực.
PV: Xin trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này./.
Sinh tại Quảng Nam. Với hội họa, kiến trúc, điêu khắc, Lê Ngọc Thuận là người "tay ngang" nhưng say mê văn hóa truyền thống và miệt mài thực hành nghệ thuật để nuôi dưỡng và phát triển văn hóa truyền thống. Lê Ngọc Thuận từng đoạt giải thưởng Ý tưởng thiết kế Ngôi nhà mơ ước 2017 (cuộc thi do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam và Tập đoàn Thạch Bàn tổ chức).