PV: Khó khăn lớn nhất của một người trẻ khi làm phim đề tài chiến tranh là gì, theo đạo diễn Đinh Tuấn Vũ?

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: “Truyền thuyết về Quán Tiên” chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều. Tôi đã đọc truyện từ cách đây nhiều năm và vô cùng ám ảnh về câu chuyện 3 cô gái thanh niên xung phong giữa rừng Trường Sơn. Họ được giao nhiệm vụ không phải chiến đấu mà là mở một “Quán Tiên” để tiếp tế, cung cấp thực phẩm, nước uống cho các chiến sĩ.

Lúc nhận kịch bản từ nhà biên kịch Đoàn Tuấn, tôi mới có 28-29 tuổi thôi. Cái khó nhất có lẽ là mình không sống ở thời kỳ đó, không trải qua những cảm xúc đó. Tôi cố gắng bù đắp thiếu sót bằng cách đọc và nghiên cứu, trao đổi với những nhân chứng lịch sử.

Song tôi cũng có thuận lợi vì là người trẻ nên cảm xúc, góc nhìn đều khách quan, từ đó có sự nhìn nhận về cuộc chiến tương đồng với nhiều bạn trẻ ngày nay. Cách truyền tải của tôi qua bộ phim có thể giúp các bạn trẻ hiểu thêm về cuộc chiến.

Trong quá trình chuẩn bị tiền kỳ bộ phim, nhiều đêm tôi thức trắng nằm suy nghĩ, bởi mình đang đứng trước cơ hội thực hiện bộ phim về cuộc chiến vĩ đại của dân tộc. Đó gần như một sứ mệnh mình được trao, mình phải dốc hết sức.

Hình ảnh trong phim "Truyền thuyết về quán tiên"

PV: Anh có thể chia sẻ về quá trình thực hiện bộ phim?

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Tôi rất may mắn khi được làm việc với nhà biên kịch Đoàn Tuấn – bản thân chú cũng là một cựu chiến binh. Chú đã cho tôi rất nhiều chi tiết sống động từ chiến trường chú từng trải qua.

Bản thân truyện ngắn gốc của cố nhà văn Xuân Thiều cũng đã xây lên một bức tranh khá hoàn chỉnh về số phận, thân phận con người nơi rừng Trường Sơn. Trong suốt quá trình thực hiện bộ phim, tôi có cảm giác nhà văn Xuân Thiều luôn đồng hành với mình. Những lúc bí ý tưởng, tôi bèn đọc lại truyện, cảm thấy nhiều điều được khai mở.

Song song đó là quá trình chọn bối cảnh. Chúng tôi đến rất nhiều địa danh như hang Tám Cô, hang Y tá…; đọc tài liệu và gặp gỡ rất nhiều nhân chứng lịch sử đã trải qua thời kỳ đó. Đó là trải nghiệm, là cơ hội để mình tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc, về sự hy sinh của cha ông trong quá khứ. Dần dần không khí chiến tranh thời đó thấm vào mình. Trong phim có bối cảnh một ngọn đồi, trong thực tế đã có rất nhiều chiến sĩ hy sinh trên chính ngọn đồi đó.

Tôi cũng đến hang Trạ Ang, hang Chuột, quan sát địa thế, thiên nhiên cây cỏ rồi cùng ekip phim hình dung ra cuộc sống của ba cô gái trẻ như thế nào. Họ ăn, ngủ, nằm võng, kể cả sinh hoạt bình thường như đánh răng vào buổi đêm ra sao… Phim có một chi tiết rất hay là bếp lửa, khi đồng chí Lâm giao cho cô Mùi một cái bật lửa và nói rằng cô phải duy trì bếp lửa, nếu ngọn lửa tắt thì Quán Tiên sẽ mất. Đến khi xác định được vị trí bếp lửa thì bối cảnh phim cứ thế hiện dần lên.

"Truyền thuyết về quán tiên" trailer.

PV: Trên cương vị đạo diễn, anh đánh giá như thế nào về các bộ phim có đề tài chiến tranh tại Việt Nam?

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Nhìn ra thế giới, có rất nhiều bộ phim chiến tranh hay và xúc động, thậm chí gây ám ảnh, bàng hoàng cho người xem. Còn ở Việt Nam, thật hiếm hoi phim đề tài chiến tranh. Có lẽ trong khoảng 10 năm trở lại đây chỉ có duy nhất “Truyền thuyết về Quán Tiên” ra rạp, nhiều phim khác cũng làm nhưng không ra được rạp. Điều đó có nghĩa là những bộ phim chiến tranh đến được với khán giả ngày càng ít đi. Nó vô cùng đơn độc, lẻ loi giữa các bộ phim hài, hành động, remake…

Đó là nỗi trăn trở của tôi. Khi phim có 20.000 khán giả đến rạp, tôi coi đó là một thành công, bởi đề tài này rất lẻ loi và không có dòng chảy xuyên suốt. Tôi mong những năm tới khi Luật điện ảnh được sửa đổi, những nhà làm phim tư nhân thêm dũng cảm để thực hiện nhiều bộ phim thuộc đề tài này.

PV: Anh có thể chia sẻ về dự án hiện tại?

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Hiện nay tôi đang kết hợp với một nhà sản xuất, xây dựng dự án phim cũng lấy bối cảnh chiến tranh. Phim nói về sự hy sinh lớn lao, kỳ vĩ của các thế hệ cha ông để có được hoà bình ngày hôm nay. Phim có góc nhìn mới, cách tiếp cận mới và có thể phát triển thêm nhiều thành phần. Đó là một dự án dài hơi và tôi hy vọng có thể thực hiện trong vòng 2-3 năm tới. Tôi vẫn rất trăn trở về đề tài này.

PV: Phim chiến tranh cũng là một cách giúp giới trẻ học tốt các môn lịch sử hơn, phải không anh?

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Tất nhiên rồi. Nhìn sang Trung Quốc, Hàn Quốc chẳng hạn, họ có những bộ phim lịch sử kể về các vương triều rất cuốn hút. Chúng ta thưởng thức phim và những kiến thức lịch sử ngấm vào người rất tự nhiên.

Trong khi đó, Việt Nam có kho tàng lịch sử phong phú, vĩ đại, không hề thiếu chất liệu hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Nếu các nhà làm phim quan tâm hơn nữa đến đề tài này, chọn những câu chuyện đủ sức lôi kéo khán giả đến rạp, thì có thể giúp cho giới trẻ, đặc biệt bạn nhỏ từ cấp tiểu học đến phổ thông tiếp cận lịch sử chứ không chỉ dừng lại ở sách vở khô khan.

PV: Anh đánh giá thế nào về hiệu ứng khán giả về dòng phim này?

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Khi “Truyền thuyết về Quán Tiên” ra rạp, nhiều khán giả rất quan tâm. Xong tôi quan sát họ có sự e dè nhất định rằng có nên đến rạp hay không? Phim có nặng về tuyên truyền hay không? Chúng tôi không làm một bộ phim tuyên truyền mà muốn kể câu chuyện: 3 cô gái trẻ đã trải qua cuộc sống hiểm nguy giữa núi rừng Trường Sơn như thế nào?

Phim ngoài chiếu rạp còn được phát sóng trên các nền tảng khác. Tôi thấy hiệu ứng lan truyền rất tích cực, song buồn là phim vẫn quá lẻ loi. Khán giả chưa nhận diện được dòng phim chiến tranh ở Việt Nam.

Trong rất nhiều năm qua, ngoài “Truyền thuyết về Quán Tiên”, chưa có bộ phim chiến tranh nào được lên kế hoạch marketing bài bản như những bộ phim thương mại của tư nhân cả. Khán giả tiếp cận chủ yếu qua các bộ phim được công chiếu dịp lễ kỷ niệm, hoặc các kênh đặc thù như Quốc phòng TV, An ninh TV… Bản thân tôi rất hay vào đọc những bình luận, phản hồi của khán giả ở các kênh Youtube chiếu phim chiến tranh ngày xưa. Tôi nhận ra khán giả vẫn xem phim hàng tuần, hàng tháng. Họ xúc động và mong muốn Việt Nam có thêm thật nhiều bộ phim hay về đề tài này.

Đinh Tuấn Vũ trên phim trường.

PV: Vì sao anh đặc biệt tâm huyết với dòng phim này?

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Gia đình tôi có ông nội, ông ngoại, bố tôi đều là những người tham gia trực tiếp vào hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Những câu chuyện, bài hát của ông, của bố cứ ngấm dần vào con người tôi từ khi còn nhỏ. Rồi tự nhiên nó trở thành một phần máu thịt, thành bản năng trong mình. Để khi lớn lên, đọc truyện ngắn hay tiểu thuyết chiến tranh, kể cả Việt Nam hay nước ngoài, tôi đều có cảm xúc rất mạnh.

Tôi cũng nghiện xem phim đề tài chiến tranh, đó như đam mê lớn của cuộc đời vậy. Và khi có cơ hôi thực hiện những bộ phim đề tài này, đấy là ước mơ, sứ mệnh quá lớn và tôi phải bắt tay thực hiện ngay.

PV: Anh trăn trở điều gì khi nhiều năm gắn bó với dòng phim đề tài chiến tranh, trong khi thị trường phim chiếu rạp ngày càng khốc liệt?

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Tôi trân trọng, biết ơn sứ mệnh của mình. Nếu một đạo diễn trẻ như tôi không làm, vậy thì ai sẽ làm? Để những bộ phim đề tài chiến tranh ngày càng vắng bóng. Rồi nhìn lại, không ai có đủ động lực để làm phim cả.

Tại sao chúng ta không tạo ra một dòng chảy về phim chiến tranh? Tại sao chúng ta không có những chiến dịch truyền thông, marketing bài bản về phim chiến tranh? Tại sao phim chiến tranh không thể trở thành “bom tấn”? Tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó.

PV: Xin cảm ơn anh./.


Thứ Sáu, 06:00, 19/08/2022