PV: Anh phải mất đến 10 năm kể từ “Lời nguyền huyết ngải” cho đến bây giờ mới cho ra mắt bộ phim điện ảnh tiếp theo của mình là “Tro tàn rực rỡ". Khoảng thời gian đó có lẽ hơi lâu, thưa anh?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Một bộ phim cũng giống như cái duyên, phim nó chọn mình, nhiều khi là như thế. Và cũng có nhiều thứ mình gặp phải trong cuộc sống sẽ ảnh hưởng tới tiến độ làm phim, nhất là trong điều kiện tôi là một nhà làm phim độc lập. Mà một nhà làm phim độc lập thì phải chịu sự hên xui, phải một mình chống chọi với nhiều thứ. 

Ở một nước có nền công nghiệp điện ảnh lớn, những người làm phim độc lập có tên tuổi có thể làm nghề dễ dàng hơn. Ví dụ họ có một đội ngũ hay một cộng đồng nào đó thì cùng nhau làm, rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên ở nước mình, phim độc lập luôn luôn là một hành trình đơn thương độc mã của người đạo diễn. Anh ta phải tự đi tìm dự án, chuẩn bị dự án, viết kịch bản, lên tất cả mọi thứ, đi tìm nhà sản xuất từ đó mới tìm tiền, tìm ekip, tìm diễn viên…

Trong quá trình đó cũng có lúc bế tắc về suy nghĩ, hướng đi và thậm chí là cảm hứng nữa, ví dụ stress… 

PV: Trong khoảng thời gian đó, anh đi dạy và gây dựng, duy trì TPD. Anh có bao giờ thấy “ngứa nghề không?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi đi làm ở TPD rồi được làm việc với niềm đam mê của các bạn nhỏ, điều ấy gần như là hồi sinh cho đam mê của mình. Thực ra nói là dạy thì cũng không hẳn là dạy, mà chỉ như là chơi với bọn trẻ, một trò chơi về điện ảnh. Mình dạy chúng nó ít mà chúng nó dạy mình thì nhiều, truyền cho mình năng lượng để thấy cái động lực để đến với nghệ thuật nên đơn giản, hồn nhiên. Còn nếu mình toan tính hay bị thành công làm rào cản thì mình sẽ không làm được. Phải vứt bỏ đi những gì mình đã có để tiếp nhận niềm đam mê nguyên sơ, như một hành trình mới.

PV:Đã quen việc nhận giải cao trong các liên hoan phim quốc tế với nhiều tác phẩm điện ảnh trước đó, lần này với “Tro tàn rực rỡ”, cảm xúc của anh có gì đặc biệt không?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Thật ra cũng không quen lắm đâu (cười). Cũng vui và nói chung là cảnh giác với chuyện ấy. Tất nhiên tôi cũng rất thích vì nó làm mọi người chú ý khi phim ra rạp.

PV: Vì sao anh phải cảnh giác?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi cảnh giác với các giải thưởng vì nếu không cẩn thận, mình sẽ luôn nghĩ đến nó. Nếu không đạt giải thì sẽ đau khổ lắm. Để chọn 1 phim thắng từ 15 phim thì nguy cơ trượt rất cao, nên nếu cứ đau đáu về nó thì không thể làm phim được.

PV:Những khó khăn khi làm “Tro tàn rực rỡ" là gì, thưa anh?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Cái gì cũng khó hết, mà thực ra cũng chẳng có gì khó cả. Các cụ bảo rồi, nó là cái duyên. Việc mất nhiều thời gian nhất và khó nhất là đi tìm tiền. 

Dự án này lần đầu tiên gửi tới Liên hoan phim Busan, được trao giải lớn nhất ở hạng mục tài trợ dự án, thế nhưng vẫn chưa tìm được tiền. Sau đó đi LHP lớn hơn là Cannes, ở đó có một mục mời các dự án tiềm năng. Kinh tế thế giới đang khủng hoảng, nên các quỹ mở cạnh tranh cực ghê gớm. Quỹ mà tôi thắng ở Pháp, nghe đâu một lần mở là đến cả nghìn dự án được gửi đến, nhưng chỉ duyệt có 4, rất khắc nghiệt. Tôi đi xin được 3, 4 quỹ nhưng cũng không đủ để quay. Mà làm phim ở Việt Nam thì rất đắt, rẻ cũng phải khoảng 10 tỷ mới quay được…

PV: Tại sự kiện ra mắt phim ở TP.HCM cách đây ko lâu, hầu hết các diễn viên đều thừa nhận họ “sợ” đạo diễn. Có phải anh khó tính quá không?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Họ chẳng sợ gì đâu, vì sợ thì họ đã chẳng làm. Diễn viên đừng làm vì đạo diễn, mà phải vì cảm thức của họ với câu chuyện. Tôi có một tiêu chuẩn để đánh giá một bộ phim hay hay dở ngay từ khi mới bắt đầu thực hiện, đó là nó có mang lại được cảm hứng cho những người cộng tác với mình không. Nếu họ không cảm thấy yêu câu chuyện thì mình sẽ từ chối tiếp tục làm việc.

PV: Anh hài lòng với dàn diễn viên của mình chứ?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: “Ở tất cả những yếu tố khác của phim, tôi chủ động làm giảm tính hấp dẫn, giảm sự cuốn hút, giảm lời thoại. Mọi thứ đều có thể lâu, chậm hơn, màu sắc nhạt hơn nữa. Tất cả đều được tiết chế để tạo ra sự chân thực bởi tôi đặt cược 99% vào diễn viên. Trên nền tối giản như vậy thì các diễn viên trở nên nổi bật và thăng hoa. Thành ra diễn viên rất quan trọng trong bộ phim này. Ngoài việc họ phải tạo ra những nhân vật sống động, chân thực thì họ còn phải đảm nhận những thời khắc mấu chốt của sự phát triển cốt truyện. Những cảnh rất khó mà bản thân chính đạo diễn cũng không biết phải làm như nào.

PV: Có thông tin là Phương Anh Đào từng bị đạo diễn từ chối vì quá đẹp so với nhân vật, nhưng cuối cùng vẫn được nhận vai. Lý do vì sao vậy ạ? Anh đánh giá như thế nào về diễn xuất của Phương Anh Đào?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Không phải. Ban đầu tôi hình dung nhân vật Nhàn kiểu khác nhưng khi không tìm được diễn viên, dần dần tôi thấy tuyệt vọng. Kiểu như không có diễn viên nữ nào đáp ứng được chuyện ấy. Ban đầu tôi muốn Nhàn phải có các đường nét nhẹ như gió thoảng, khiến khán giả cảm thấy như một làn gió mát, nhưng cũng phải mang theo những trạng thái tâm lý vô cùng nặng nề. Tôi nghĩ là mình hơi khắc nghiệt. Sau đó chính bản thân tôi phải thay đổi suy nghĩ của mình để phù hợp hơn với hoàn cảnh. Thì rất may sự thay đổi đó nó cũng phù hợp với câu chuyện.

Phương Anh Đào là diễn viên có nghề rồi nên tôi đặt lên vai cô ấy những nhiệm vụ nặng nề hơn rất nhiều so với dàn diễn viên trong phim. Và phải nói nhân vật của Phương Anh Đào rất phức tạp. Cái khó cho diễn viên là những nhân vật trong phim rất ít nói, như chính cuộc sống vậy. Có một đoạn tôi rất thích trong bộ phim là đoạn Phương Anh Đào diễn với Quang Tuấn, cô ấy không thoại gì cả, nhưng mà trong đó có giận, có yêu, khùng với nhau, đến mức cực điểm.

PV: Được đón nhận ở các LHP quốc tế, còn về Việt Nam thì sao, anh có nghĩ “Tro tàn rực rỡ” khó xem với khán giả Việt, vì phần đông khán giả ra rạp xem phim Việt bây giờ hứng thú với phim hài, tình cảm… Rồi còn phải cạnh tranh với nhiều bom tấn nước ngoài nữa?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi không hy vọng phim của mình được như những bộ phim “bom tấn” khác. Nhưng mình sẽ có những khán giả của mình, khi họ đã thích thể loại phim này thì họ sẽ rất thích, thích đến mức như là một điều gì đó trong tâm hồn mình. Chứ còn cái gọi là giải trí, khi xem thì cũng hay, cũng thích nhưng ra khỏi rạp thì chẳng còn nhớ gì cả. 

Ở “Tro tàn rực rỡ" có một cái gì đó động vào trái tim, suy nghĩ, nỗi buồn. Khi phim chiếu ở rạp mình rất vui khi mọi người xem xong vẫn ngồi yên, credit chạy hết, khán giả vẫn ngồi yên cứ như là chưa tỉnh ra. Và nước mắt giàn giụa trên mặt. Có lẽ nó động đến một nỗi buồn rất lớn của những người phụ nữ miền Tây, cái cảm thức của con người giữa đàn ông và đàn bà không thể nói chuyện với nhau được, không thể chia sẻ với nhau được. Như là hai hướng và trong đó chỉ có người phụ nữ là nỗ lực thôi còn người đàn ông thì buông xuôi. Nó cũng có sự cay đắng mà chị em rất hiểu. 

Có thể nó là một món ăn quá cay, quá mặn, quá sốc nhưng mà nó thực sự cần. Không phải lúc nào cũng chỉ ăn những thứ đắt tiền. Nó là một xu hướng xem phim mà mình nghĩ nó cần phải phát triển. Châu Âu thì đã qua cái việc làm phim giải trí lâu rồi. Nhưng mà khán giả của những dòng phim nghệ thuật rất đông, nó giúp họ giàu có kiến thức. Còn khán giả Việt Nam bây giờ cũng không phải tệ. Khán giả Việt Nam sẽ tiến gần hơn tới việc làm chủ xu hướng, thị hiếu, để không bị dắt như một đàn cừu, lôi đi đâu thì lôi, giày vò thế nào thì giày vò, muốn bắt phải xem cái gì thì xem, điều đó là không tốt.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng dàn diễn viên "Tro tàn rực rỡ" trên thảm đỏ LHP quốc tế Tokyo

PV: Để quay “Tro tàn rực rỡ”, cả ekip và diễn viên có lẽ đã không nghĩ đến tiền đầu tiên?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Những người diễn viên trong bộ phim này yêu dự án này đến mức chính nói với tôi rằng “Anh cứ quay đi” từ hồi mình chưa đủ tiền. Mình rất xúc động và bảo chúng ta sẽ đặt ra một mục tiêu là đến tháng 7/2020 sẽ quay. Thì đến đầu năm 2020 có Covid, rồi lockdown… nên tháng 7 cũng không quay được. Đến khoảng tháng 10-11, mình có tiền vì có thêm 1, 2 nhà đầu tư, nhưng lúc ấy vẫn Covid-19. Tiền thì đủ rồi nhưng giờ mình phải làm thế nào, đó là một bài toán cân não bởi vì có mấy đoàn đi quay được 2 ngày thì phải đóng máy.  Sau đó tôi quyết định vẫn quay, thế nên phim này có thời gian chuẩn bị rất ngắn và trong chỉ có 1 tháng rưỡi, mình phải đi lang thang khắp các vùng Cà Mau, Đồng Tháp…

PV: Trong khoảng thời gian đi khảo sát bối cảnh ở miền Tây, đâu là điều anh nhớ nhất?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi nghĩ tôi có thể hiểu được những gì đang diễn ra trong tâm lý của con người miền Tây đấy. Ngay cả sự mãnh liệt, rõ ràng của người phụ nữ miền Tây và các diễn viên cũng hiểu được điều ấy. Ở miền Tây, gần như mình cũng đã chứng kiến những chuyện mà Tư viết nhiều, ví dụ một người phụ nữ ở ngoài chợ gặp một người đàn ông. Nếu thích, họ sẽ nói “em thích anh quá, em đi theo anh nhé”, thế là họ đi luôn chứ không cần một điều gì trong cuộc đời này. Hồn nhiên đến mức độ như thế, tự nhiên con người nó là như thế. Đấy là một vùng đất tươi mới, phóng khoáng và đặc biệt cảm tính, duy cảm. Mọi thứ gần như là tự nhiên. Mình nghĩ là không nên sắp đặt gì ở nơi đây.

PV: Xin cảm ơn anh!./.


Thứ Sáu, 06:10, 09/12/2022