Hãy nói lời yêu: Khán giả tranh cãi "nảy lửa" về cái chết của nhân vật Minh

VOV.VN - Tình tiết nhân vật Minh tự tử trong tập 21 "Hãy nói lời yêu" - hệ quả từ mâu thuẫn, bi kịch gia đình trong cuộc sống hiện đại đã khiến nhiều khán giả "sốc". Tuy nhiên, không ít người ủng hộ biên kịch đẩy câu chuyện lên cao trào bi kịch.

Tối qua (24/6), tập 21 của bộ phim "Hãy nói lời yêu" phát sóng trên VTV3 đã đẩy câu chuyện bi kịch gia đình lên đến đỉnh điểm với tình tiết nhân vật Minh (Quang Anh) tự tử trước những áp lực, dằn vặt từ mẹ - bà Hoài. Sau khi phát hiện ông Tín (Trọng Trinh) ngoại tình, bà Hoài (Nguyệt Hằng) ngày càng trở lên cay nghiệt, điên loạn. Nỗi đau đớn bị phản bội bà trút sang hai con, khiến các con ngày càng mệt mỏi, khiếp sợ mẹ. Vì My (Quỳnh Kool) đi học xa, đồng thời thường xuyên phản kháng lại mẹ nên bà Hoài chỉ còn Minh để trút sang. Bà Hoài chăm sóc, o ép Minh thái quá, đặt áp lực khủng khiếp về thành tích học tập lên vai Minh, biến Minh thành tù nhân trong chính ngôi nhà của mình.

Câu chuyện lên đến đỉnh điểm khi Minh thi trượt trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Bà Hoài nổi điên và oán trách, trừng phạt con trai. Minh tìm đến bố để được an ủi, cậu được bố đưa đi đá bóng cho tinh thần thoải mái. Tuy nhiên, ngay khi về nhà, Minh bị mẹ chửi bới, khoá trái cửa không cho ra ngoài. Phẫn uất, Minh phát điên, đập phá đồ đạc, gào khóc và cậu đã tìm đến cách cực đoan nhất để giải quyết vấn đề: Tự tử. Đến khi chết, Minh vẫn ôm khư khư trái bóng như một ước vọng về một tuổi thơ, tuổi trẻ đúng nghĩa.

Sáng hôm sau, khi bà Hoài vào phòng giục con đi ăn sáng rồi gặp bác sĩ tâm lý, nhưng Minh đã không bao giờ tỉnh lại nữa. Sự ra đi của Minh đã khiến bà Hoài phát điên, bà đứng trước bàn thờ, cầm bát cơm đòi bón cho di ảnh của con ăn, lấy sách cho Minh đọc. Ông Tín thì gục ngã ôm trái bóng của con trai với niềm hối hận, day dứt không bao giờ nguôi...

Việc biên kịch xây dựng tình tiết để nhân vật Minh chết - hệ quả từ mâu thuẫn, bi kịch gia đình đã gây ra một cú "sốc" không nhỏ và lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Có 2 luồng ý kiến ủng hộ và phản đối tình tiết này. Nhiều người đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến (comment) trên mạng xã hội thông qua fanpage của phim và facebook cá nhân. 

Một khán giả không giấu nổi bức xúc: "Tôi kịch liệt phản đối xây dựng kịch bản theo hướng tiêu cực kiểu này. Sẽ ra sao nếu những đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự học theo Minh để tự giải thoát cho mình? Hệ luỵ không nhỏ đâu các ông, bà biên kịch ạ!". "Giờ phim nó đời thật, thành ra căng thẳng quá, cuộc sống giờ đã nhiều áp lực, coi phim giải trí coi xong lặng người, rồi cũng phải rút kinh nghiệm bản thân, đặt mình vào hoàn cảnh mà chia sẻ thông cảm", một khán giả khác cho biết.

Nhiều khán giả mong muốn biên kịch không để Minh phải chết, bộ phim nhẹ nhàng hơn: "Mình mong một cái kết đẹp hơn, nhân văn hơn, dẫu biết rằng là lới cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái và gìn giữ hạnh phúc gia đình... Thời nay giáo dục một đứa trẻ rất khó bởi chúng còn ảnh hưởng nhiều yếu tố ngoại cảnh khác, phim ảnh cũng là một trong nhiều kênh quan trọng đối với việc giáo dục, góp phần hình thành nhân cách của 1 đứa trẻ... Nên mình mong cái kết nhân văn hơn".

Khán giả Mận Nguyễn viết: "Biên kịch ác quá. Không thích kết thúc với Minh tàn nhẫn như vậy. Lỗi là ở người lớn chứ có phải lỗi ở Minh đâu. Thương em quá và không muốn xem phim nữa!".

Nhiều nghệ sĩ, diễn viên xem phim cũng bị "sốc" và rơi nước mắt. Bảo Thanh kêu "bị rát mũi" do khóc nhiều. Đình Tú thì nói bị ám ảnh. Hương Giang lại cho tình tiết để nhân vật Minh chết là "dã man thực sự". NSƯT Hồng Liên viết: "Xem phim mà lo lắng cho Minh dù biết là không thể cứu, nhưng cứ mong nó được sống, thương đến quặn lòng. Bà Hoài thì vừa ghét vừa thương, chỉ không cầm được nước mắt khi bà trước bàn thờ của con, khi mọi chuyện đã an bài, ân hận thì đã muộn rồi!". 

Là một khán giả xem phim, nhà báo Ngô Bá Lục bày tỏ: "Cái giá của sự ngoại tình nặng thế sao, hả ông Tín? Cái giá của sự ghen tuông điên cuồng kinh khủng thế sao, hả bà Hoài?

Một đứa con không có bạn, không có thời gian chơi, không biết giãi bày buồn vui sướng khổ cùng ai, đi học về lại học, như một cái máy – là Minh – đứa con ngoan của bố mẹ, niềm tự hào của mẹ Hoài. Là Minh đấy, vâng, niềm tự hào! Để rồi, “mày vô dụng, không có lấy nổi một đứa bạn, không biết tự chăm sóc bản thân”, ai làm cho Minh ra như thế hả bà Hoài? Ai và ai?

Một gia đình trí thức với vẻ bề ngoài vô cùng lộng lẫy, hào nhoáng, hạnh phúc, giàu có. Nhưng chứa đựng bên trong nó là sự lạnh lẽo, cô đơn, nhạt nhẽo và đầy những toan tính của người lớn và sự đơn độc, thụ động của đàn con. Xã hội này, kiểu như gia đình ấy, không phải là hiếm đâu.

Có một điều ở phim này, là khi những điên ghen cuồng nộ của bà Hoài lên đến đỉnh điểm, khiến ai cũng ghét cũng cảm thấy bà quá khủng khiếp, lại chính là sự tuyệt vọng, đơn độc tâm hồn của Hoài. Tự nhiên mình lại thương Hoài đến thế, dù mình thấy Hoài quá kinh khủng, không chấp nhận được lối hành xử với chồng con. Nhưng mà, chả hiểu sao lúc Hoài ngồi thẫn thờ dưới chân bàn ăn khi hất đổ bát cơm của con trai, hay lúc định ôm Minh bị nó hất tay ra, thấy đau đớn và cay đắng, tủi phận vô cùng. Đàn bà, cuối cùng thì vẫn cứ là người thiệt thòi nhất, mất mát nhất và đau khổ nhất.- Khá khen cho ông đạo diễn phim này, cao thủ đấy. Cài cắm thông điệp qua từng chi tiết, diễn xuất của diễn viên.

Cảnh ông Tín ôm quả bóng ngồi khóc ngất ở cầu thang với câu “Bố xin lỗi con” có lẽ cũng thức tỉnh nhiều người đàn ông (nếu họ xem phim, nhưng chắc ít). Thực sự cái việc đàn ông ra xã hội chọc trời khấy nuớc kiếm tiền về cho gia đình tiêu thoải mái, trở nên giàu có nhưng đẩy toàn bộ công việc nuôi dạy con cho vợ là điều không hiếm trong xã hội ngày nay.

Việc bố không biết con uống sữa gì, thích chơi gì, mong muốn được làm gì,... là điều không lạ với nhiều ông bố ngày nay. Chỉ cần tiền cung cấp thoải mái cho con tiêu, như là một sự hoàn thành trách nhiệm tuyệt vời. Thời gian rảnh sau công việc là tennis, đá bóng, rồi golf, rồi tiệc tùng, gặp gỡ đối tác.v.v. và.v.v...Vì đúng là trách nhiệm kiếm tiền nuôi gia đình thực sự lớn, nhưng nếu nhìn rộng ra, cái giá trị quan trọng nhất của một gia đình, có phải là Tiền của, Vật chất không?

Tiền của, giàu có để làm gì khi mà có đứa con trai duy nhất thì tự tử chết, mà cái chết của nó, lại xuất phát từ chính câu chuyện của bố mẹ? Và khi Minh đã chết rồi, ông Tín bà Hoài sẽ còn vui được không, có khi nào nguôi ngoai được không, khi chặng đường đời còn rất dài phía trước??? Chỉ là trên phim, nhưng là bài học lớn cho rất nhiều người.

Nguyệt Hằng diễn xuất quá đỉnh, xuất sắc của xuất sắc. Hôm nay Quang Anh cũng xứng đáng điểm 10, Quang Anh diễn rất chín, tiến bộ thực sự. Xuất sắc!".

Sau khi đọc comment của khán giả, chính diễn viên Quang Anh bày tỏ thấy thương nhân vật của mình. Quang Anh nghĩ là vai của mình sẽ là sự ám ảnh để cảnh tỉnh một số bộ phận không nhỏ những người làm bố làm mẹ. Diễn viên Nguyệt Hằng cho rằng: "Tình tiết đỉnh điểm này để mọi người được hiểu hơn, được thông cảm hơn và nhẹ hơn cái cơn đau đến cực độ này của ông Tín và bà Hoài".

Trên facebook cá nhân, anh Nguyễn Hoàng Dương, phụ trách truyền thông của VFC lý giải: "Tất nhiên, cả đạo diễn, biên kịch có thể dễ dàng thay đổi cái kết bi kịch của Minh, như cấp cứu kịp, thuốc ngủ chưa đủ liều, thuốc giả, thuốc quá hạn... nhưng họ đã không làm thế. Nếu Minh tự tử bất thành, thì cũng chẳng có gì chắc chắn rằng bà Hoài sẽ thay đổi, ông Tín sẽ thay đổi. Nên là Minh không tỉnh lại nữa. Buồn nhưng đó là thực tế. Đau nhưng nó là đời!". 

Phim như đời và đời cũng như phim. "Hãy nói lời yêu" đã để lại sự cảnh tỉnh với các bậc làm cha làm mẹ như lời chia sẻ của một khán giả: "Mong có nhiều bố mẹ xem và tỉnh ngộ ra. Khi được tiếp xúc với những đứa trẻ ngột ngạt trong ảo tưởng thành tích và kỳ vọng quá mức của bố mẹ sẽ thương xót chúng vô cùng. Và khi thầy cô bất lực nhìn những áp lực vô hình đặt trên một đứa trẻ thì xem phim này thấy đời lắm. Mong nhiều bố mẹ hãy để cho mỗi đứa trẻ là chính nó"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Clip thú vị về hậu trường bộ phim "Hãy nói lời yêu"
Clip thú vị về hậu trường bộ phim "Hãy nói lời yêu"

VOV.VN - Trái ngược với không khí "căng như dây đàn" trên phim, ở hậu trường, các diễn viên tung hứng hài hước vui vẻ.

Clip thú vị về hậu trường bộ phim "Hãy nói lời yêu"

Clip thú vị về hậu trường bộ phim "Hãy nói lời yêu"

VOV.VN - Trái ngược với không khí "căng như dây đàn" trên phim, ở hậu trường, các diễn viên tung hứng hài hước vui vẻ.

Nguyệt Hằng "Hãy nói lời yêu": Có những ngày đi quay, tôi khóc từ sáng đến tối
Nguyệt Hằng "Hãy nói lời yêu": Có những ngày đi quay, tôi khóc từ sáng đến tối

VOV.VN - Nguyệt Hằng và Anh Tuấn đã mất đến 15 năm vất vả, bươn chải để nuôi đam mê với nghề và lo lắng, chu toàn cho các con.

Nguyệt Hằng "Hãy nói lời yêu": Có những ngày đi quay, tôi khóc từ sáng đến tối

Nguyệt Hằng "Hãy nói lời yêu": Có những ngày đi quay, tôi khóc từ sáng đến tối

VOV.VN - Nguyệt Hằng và Anh Tuấn đã mất đến 15 năm vất vả, bươn chải để nuôi đam mê với nghề và lo lắng, chu toàn cho các con.

Nguyễn Ngọc Anh “kéo dài đời sống” cho nhạc phim “Hãy nói lời yêu”
Nguyễn Ngọc Anh “kéo dài đời sống” cho nhạc phim “Hãy nói lời yêu”

VOV.VN - Nữ ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh ra mắt MV “Nếu một ngày” - bài hát chủ đề của bộ phim "Hãy nói lời yêu".

Nguyễn Ngọc Anh “kéo dài đời sống” cho nhạc phim “Hãy nói lời yêu”

Nguyễn Ngọc Anh “kéo dài đời sống” cho nhạc phim “Hãy nói lời yêu”

VOV.VN - Nữ ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh ra mắt MV “Nếu một ngày” - bài hát chủ đề của bộ phim "Hãy nói lời yêu".